Ảnh minh họa.
Thống kê từ VnDirect cho thấy, tính tới ngày 9/2 đã có 768 công ty niêm yết trên ba sàn HoSE, HNX, UPCoM, chiếm 82,5% giá trị vốn hóa thị trường, đã công bố kết quả kinh doanh Quý 4/2021.
Theo đó, trong Quý 4/2021, tổng lợi nhuận của các công ty niêm yết trên ba sàn tăng 15,5% so với cùng kỳ, thấp hơn so với Quý 3/2021. Lợi nhuận ngành thép giảm tốc, tăng 35,3% trong Quý 4/2021, thấp hơn mức tăng trưởng 172,1% so với cùng kỳ trong Quý 3/2021 do giá thép trung bình Quý 4/21 giảm 3,9% và giá than cốc tăng 47,1% so với Q3/2021.
Trong lĩnh vực Tài chính, các công ty chứng khoán ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận 79,9% so với cùng kỳ, đóng góp 1,6% vào tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường. Ngành Ngân hàng tiếp tục xu hướng giảm với tăng trưởng lợi nhuận lần lượt là 34,3%/13,1%/8,4% so với cùng kỳ trong Quý 2/Quý 3/Quý 4 năm 2021.
Lợi nhuận của ngành Bất động sản trong Quý 4/2021 giảm 38% so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ việc VIC lỗ ròng 5.964 tỷ đồng trong quý 4 năm nay. Nếu loại trừ kết quả bất thường của VIC, lợi nhuận ròng Quý 4/2021 của các doanh nghiệp bất động sản giảm 1,5% so với cùng kỳ, đảo chiều với mức tăng 6,1% so với cùng kỳ trong Quý 3/2021.
Lợi nhuận ngành điện giảm mạnh với mức tăng trưởng -38,8% so với cùng kỳ năm ngoái do tiêu thụ điện năng thấp hơn và giá đầu vào cao hơn.
Sự phục hồi đến từ các ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid 19. Nhờ nới lỏng giãn cách xã hội kể từ ngày 21/10, các doanh nghiệp Vận tải, Thực phẩm và Bán lẻ đã ghi nhận kết quả kinh doanh Quý 4/2021 tăng mạnh lần lượt là +211,3%/+130,4 /+83,6% so với cùng kỳ. Các ngành khác có mức tăng trưởng kết quả kinh doanh Quý 4/2021 tích cực bao gồm Xây dựng (+58,3%) và Công nghệ (+45,4%).
Ngoài ra, giá hàng hóa toàn cầu tăng mạnh tác động tích cực đến các doanh nghiệp niêm yết. Tính đến cuối Quý 4/2021, S&P GSCI tăng 40,4% so với cùng kỳ và 0,6% so với quý trước, thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận trong Quý 4/2021 của Khai khoáng (+148,3%), Dầu khí (+49,6%) và Hóa chất (+76,4%). Đóng góp tăng trưởng lợi nhuận lớn nhất là các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm với 8,0%; chủ yếu đến từ khoản lãi bán tài sản của MSN.
Xét theo nhóm vốn hóa thì nhóm vốn hóa lớn cho thấy mức tăng trưởng lợi nhuận vượt trội. Dựa trên ước tính của VnDirect, lợi nhuận ròng Quý 4/2021 của các công ty niêm yết trên sàn HOSE tăng trưởng 9,6% so với cùng kỳ, thấp hơn so với lợi nhuận tổng toàn thị trường là 15,5% so với cùng kỳ. Sàn UPCoM chứng kiến sự hồi phục đáng ngạc nhiên trong Quý 4/21 của các tên tuổi lớn như BSR, MCH và MML với lợi nhuận ròng lần lượt đạt 2.684 tỷ, 2.017 tỷ và 930 tỷ đồng. Nhóm vốn hóa lớn đã có ảnh hưởng mạnh mẽ trong Quý 4/21 với tăng trưởng lợi nhuận đạt 20,5% so với cùng kỳ.
Lũy kế trong 2021, tổng lợi nhuận thị trường tăng trưởng 42,4% cao hơn so với mức dự phóng là 39,0% so với cùng kỳ. Lợi nhuận của các doanh nghiệp VN30 chỉ tăng 3,2% so với cùng kỳ trong Quý 4/2021 nhưng cả năm đạt 31,3% so với cùng kỳ. Trong Q4/21, kết quả khiêm tốn của VN30 chủ yếu đến từ việc VIC lỗ ròng 5.964 tỷ đồng.
Trong 2021, 19 doanh nghiệp trong VN30 tăng trưởng khả quan, dẫn đầu là MSN (+594%), PLX (+192%), HPG (+157%). Sự tăng trưởng vượt bậc của MSN đến từ lợi nhuận bán MML. PLX được hưởng lợi khi giá dầu tăng mạnh. Trong nhóm Ngân hàng, MBB và BID ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất, lần lượt là 53,7%/48,1% so với cùng kỳ.
Mặt khác, các mã cổ phiếu có kết quả kém khả quan nhất trong Quý 4/2021 là VIC (-154%), VRE (-45%), SAB (-22%) và POW (-19%). Tất cả các công ty này đều bị ảnh hưởng bởi thời gian giãn cách xã hội và hạn chế vận tải trong năm 2021.
Biên lợi nhuận gộp toàn thị trường (không bao gồm ngành ngân hàng) trong Quý 4/2021 đã bị co lại chủ yếu là do biên lợi nhuận gộp của ngành Thép, Bán lẻ, Đồ uống và Bất động sản giảm xuống.