Thế giới Di động, Petrosetco tiếp tục gặp thách thức trong nửa đầu năm 2023

Sau khi báo cáo bức tranh lợi nhuận suy giảm cuối năm 2022, ngành bán lẻ được dự báo tiếp tục gặp khó khăn, hồi phục nửa cuối năm 2023 và hồi phục mạnh mẽ hơn trong năm 2024.

Sau khi các doanh nghiệp bán lẻ công bố Báo cáo tài chính kém khả quan trong quý IV/2022, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa đưa ra đánh giá về doanh nghiệp bán lẻ. Trong đó, VDSC cho biết tác động lan tỏa của suy thoái kinh tế toàn cầu đối với ngành bán lẻ bắt đầu ảnh hưởng nặng nề đến kết quả kinh doanh của các công ty bán lẻ trong quý IV/2022 do nhu cầu tiêu dùng kém trong bối cảnh thu nhập khả dụng bị siết chặt. Diễn biến tiêu cực này nhiều khả năng sẽ còn kéo dài đến nửa đầu năm 2023.

Dự báo thị trường bán lẻ sẽ dần nhộn nhịp trở lại vào nửa cuối năm 2023 và sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn vào năm 2024. Điều này có nghĩa là kết quả kinh doanh của các công ty bán lẻ có thể dần trở lại đường đua trong nửa cuối năm 2023.

Được biết, trong năm 2022 cũng là năm mà nhiều công ty bán lẻ đã trải qua những thay đổi chiến lược quan trọng. Một số phải tạm dừng kế hoạch mở rộng để bảo toàn nguồn lực tài chính trước chính sách kinh tế thắt chặt, trong khi những công ty khác giảm biên lợi nhuận gộp để thúc đẩy doanh số bán hàng trong môi trường nhu cầu yếu. Sự bất ổn trong ngành đã làm dấy lên lo ngại về triển vọng ngành trong một năm, gây áp lực lên giá cổ phiếu.

Ở một diễn biến khác, hai doanh nghiệp bán lẻ là Thế giới Di động (mã MWG - sàn HoSE) và Petrosetco (mã PET - sàn HoSE) cũng vừa báo cáo kết quả kinh doanh kém tich cực trong quý IV/2022.

Petrosetco lỗ hoạt động cốt lõi 67,83 tỷ đồng trong quý IV/2022

Trong quý IV/2022, Petrosetco ghi nhận doanh thu đạt 4.835,1 tỷ đồng, giảm 20,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 0,74 tỷ đồng, giảm 99,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 5,8% về còn 5,5%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 25,3% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 89,58 tỷ đồng về 264,87 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 23,7%, tương ứng tăng thêm 12,28 tỷ đồng lên 64,08 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 350,6%, tương ứng tăng thêm 120,85 tỷ đồng lên 155,32 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 14,5%, tương ứng giảm 30,04 tỷ đồng về 177,38 tỷ đồng; lợi nhuận khác giảm 30,2%, tương ứng giảm 4,01 tỷ đồng về 9,28 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp - chi phí tài chính - chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp), trong quý IV, Công ty ghi nhận lỗ 67,83 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 112,56 tỷ đồng, tức giảm 180,39 tỷ đồng.

Như vậy, hoạt động kinh doanh cốt lõi ghi nhận lỗ, Công ty thoát lỗ nhờ doanh thu tài chính và lợi nhuận khác.

Luỹ kế trong năm 2022, Petrosetco ghi nhận doanh thu đạt 17.665,4 tỷ đồng, tăng 0,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 167,84 tỷ đồng, giảm 46,1% so với cùng kỳ năm trước.

Công ty có thuyết minh chi phí tài chính năm 2022 tăng đột biến từ 98,5 tỷ đồng lên 449,2 tỷ đồng. Trong đó, đáng lưu ý, trong năm tài chính, Công ty ghi nhận lỗ đầu tư chứng khoán lên tới 247,4 tỷ đồng.

Được biết, trong năm 2022, Công ty đặt kế hoạch với doanh thu 20.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 420 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm tài chính với lợi nhuận trước thuế đạt 213,09 tỷ đồng, Công ty không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận mà chỉ đạt 50,7%, thấp hơn rất nhiều kế hoạch kinh doanh do Đại hội đồng cổ đông giao cho Ban điều hành.

Quý IV/2022, lợi nhuận Thế giới Di động giảm 60,4% về 619 tỷ đồng

Trong quý IV/2022, Thế giới Di động ghi nhận doanh thu đạt 30.588,4 tỷ đồng, giảm 15,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 619,02 tỷ đồng, giảm 60,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 7,5% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 554,6 tỷ đồng lên 7.929,5 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 23,3%, tương ứng giảm 94,5 tỷ đồng về 311,8 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 68,5%, tương ứng tăng thêm 155,1 tỷ đồng lên 381,5 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 25,1%, tương ứng tăng thêm 1.382,9 tỷ đồng lên 6.895,5 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Điểm đáng lưu ý, trong kỳ mặc dù lợi nhuận gộp tăng nhẹ nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn giảm 60,4%, nguyên nhân chủ yếu do chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng cao.

Luỹ kế trong năm 2022, Thế giới Di động ghi nhận doanh thu đạt 133.404,8 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 4.101,7 tỷ đồng, giảm 16,3% so với cùng kỳ.

Trong năm 2022, MWG đặt kế hoạch doanh thu 140.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6.350 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm 2022, Công ty không hoàn thành kế hoạch và chỉ đạt 64,6% kế hoạch lợi nhuận năm.

Được biết, nhắc tới Thế giới Di động, nhà đầu tư đều ấn tượng với việc duy trì tốc độ tăng trưởng nóng trong nhiều năm. Trong đó, giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2019, Công ty duy trì mức doanh thu tăng bình quân 50,8%/năm và lợi nhuận sau thuế tăng bình quân 55,3%/năm.

Tuy nhiên, từ năm 2020 đến năm 2021, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân chỉ đạt 9,8%, lợi nhuận đạt 13,6% và đặc biệt, trong năm 2022, lợi nhuận đã giảm 16,3% về 4.101,7 tỷ đồng và chính thức kết thúc chuỗi tăng trưởng dương từ khi niêm yết năm 2014 tới nay.

Có thể thấy, sau giai đoạn tăng nóng kéo dài tới năm 2019, Thế giới Di động đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm lại và bắt đầu giảm từ năm 2022. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu do chuỗi Thế giới Di động có dấu hiệu bão hòa, chuỗi Bách hóa Xanh mặc dù được đầu tư và kỳ vọng là động lực tăng trưởng mới, nhưng liên tục gặp khó và liên tục tái cấu trúc nhưng không được như kỳ vọng. Gần đây, Công ty tham gia thêm lĩnh vực bán lẻ thuốc nhưng nhanh chóng tạm dừng kế hoạch mở rộng chuỗi Nhà thuốc An Khang.