Thời của "Cash is King" (tiền mặt là vua) trở lại
Hơn 2 năm qua, do ảnh hưởng bởi COVID-19 cùng bối cảnh “tiền rẻ”, mặt bằng lãi suất huy động ở mức thấp kỷ lục, nhiều doanh nghiệp và người dân có xu hướng tìm đến các kênh đầu tư rủi ro cao hơn như chứng khoán, tiền số, hay bất động sản.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2022 đến nay, dòng tiền của nhà đầu tư đã có sự chuyển động khác khi có thêm yếu tố lạm phát, lãi suất tăng cao và chi phí vốn trở nên đắt đỏ, nhiều chuyên gia cho rằng dòng tiền đầu tư sẽ ở thế cân bằng giữa các nhóm an toàn và các kênh rủi ro.
Quan điểm “tiền mặt là vua” đang trở lại, kênh tiết kiệm được nhiều nhà đầu tư lựa chọn. Số tiền trước đây dự định dành cho đầu tư, nay phần lớn được chuyển thành tài khoản tiết kiệm trong bối cảnh lãi suất huy động đang ở mức cao.
Các chuyên gia nhận định, gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn nhất trong bối cảnh hiện tại, ít nhất cho đến hết quý I/2023. Mặc dù các ngân hàng thương mại gần đây đã cam kết giảm lãi suất huy động xuống dưới 9,5%/năm, nhưng lộ trình hạ lãi suất có thể sẽ cần nhiều thời gian hơn, đặc biệt khi thanh khoản của một số ngân hàng nhỏ còn khó khăn.
Cùng với gửi tiết kiệm, vàng cũng được cho là một kênh đầu tư bền vững đối với những nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro thấp. Năm 2022 là một trong những năm biến động của thị trường vàng. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, bình quân năm 2022, giá vàng trong nước tăng 5,74% so với năm trước.
Chuyên gia kinh tế PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhận định, 2023 là năm thị trường vàng có thể sẽ đón “sóng” khi lãi suất ngân hàng sẽ chững lại rồi giảm, thị trường tài chính biến động mạnh.
Bên cạnh đó, về ngoại tệ, USD được dự báo biến động ít hơn, chuyên gia của Chứng khoán SSI dự báo tỉ giá USD/VND sẽ không biến động mạnh như năm trước trong bối cảnh đồng bạc xanh được kỳ vọng đã lập đỉnh vào cuối năm 2022 và Fed dự kiến kết thúc chu kỳ tăng lãi suất vào giữa năm 2023.
Không nên đầu tư mạo hiểm trong năm 2023
Gửi tiết kiệm, USD, vàng là những kênh đầu tư truyền thống được nhiều người ưa chuộng, đặc biệt với nhà đầu tư ít vốn, không chuyên và khẩu vị rủi ro thấp, không ưa mạo hiểm. Hơn nữa, 2023 cũng là năm được các chuyên gia khuyến cáo không nên đầu tư mạo hiểm.
"Lời khuyên tôi dành cho nhà đầu tư là hãy thắt dây an toàn vào, nhưng thắt sao để không quá chặt, vì nếu quá chặt sẽ bị ngộp thở vì sự thận trọng của mình" - TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính nói. Quản trị rủi ro là một trong những yếu tố quan trọng trong đầu tư năm nay. Nhà đầu tư cần định nghĩa được khẩu vị rủi ro của mình, có thể chấp nhận mức rủi ro là bao nhiêu, tỉ suất lợi nhuận mong muốn... để tránh đầu tư dàn trải.
Đối với thị trường bất động sản, TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, trong năm 2023 nhiều nhà đầu tư có tiềm lực tài chính tốt đang tiếp tục quan sát, chờ đợi. Trong khi đó, các chủ đầu tư bất động sản có thể phải chịu áp lực vì các khoản ngân hàng, trái phiếu đè nặng trên vai, thậm chí đẩy họ đối diện với nguy cơ vỡ nợ. Vị chuyên gia cũng dự báo về khả năng hồi phục của thị trường bất động sản sẽ rơi vào nửa sau năm 2023, khi Chính phủ có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường.
Trong khi đó, đối với thị trường chứng khoán, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nửa đầu năm 2023 sẽ tiếp tục trầm lắng. Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa có dấu hiệu chấm dứt tăng lãi suất, giá đồng USD tiếp tục tăng, thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng, trong đó có thị trường Việt Nam. “Tôi mong rằng, thị trường chứng khoán sẽ phục hồi vào nửa sau năm 2023, sau khi Mỹ chấm dứt tăng lãi suất và kiểm soát được lạm phát” - ông Hiếu nêu kỳ vọng.