Được xếp vào nhóm những thị trường đem đến tỷ suất sinh lời cao nhất trên thế giới, tổng số tài khoản nhà đầu tư trong nước trên thị trường chứng khoán lên đến hơn 4,9 triệu tài khoản, xấp xỉ 5% dân số Việt Nam (sát mốc chỉ tiêu về tỷ lệ dân số đầu tư chứng khoán vào năm 2025 mà Chính phủ đặt ra).
Tuy nhiên việc tăng trưởng nhanh đi liền với những rủi ro trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán. Trong đó đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân đang được quan tâm, sau khi xảy ra các vụ án vi phạm nghiêm trọng.
Mới đây, trả lời phỏng vấn báo chí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, việc đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư vẫn được thực hiện một cách nghiêm túc. Các công ty phát hành trái phiếu đã cam kết trả đúng hạn các trái phiếu đến hạn. “Chúng tôi sẽ tích cực giám sát và đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư”, Bộ trưởng khẳng định.
Theo đó, Chính phủ, Bộ Tài chính đang hành động khẩn trương để đảm bảo tài sản cho nhà đầu tư. Phong tỏa tài khoản để đảm bảo trả nợ cho nhà đầu tư chính là một trong những phương án khẩn trương mà Chính phủ đang triển khai để mang đến môi trường đầu tư lành mạnh.
Về các giải pháp gì nhằm ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư và để thị trường phát triển lành mạnh. Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, vừa qua, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. “Chúng tôi thấy rằng, với nền kinh tế vĩ mô phát triển thì thị trường tài chính của chúng ta vẫn là một thị trường tốt”, Bộ trưởng nói.
“Vừa rồi có một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã vi phạm pháp luật khi đưa ra thông tin lừa dối khách hàng và bị xử lý hình sự. Một số doanh nghiệp chứng khoán sai phạm trong cung cấp dịch vụ cũng bị xử lý. Chúng tôi cho rằng, việc đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư sẽ được thực hiện một cách nghiêm túc theo đúng quy định của pháp luật, vì người đảm bảo về quyền lợi của nhà đầu tư vẫn phải là các nhà phát hành”, ông nhấn mạnh.
Theo đó, đối với các công ty chứng khoán, khi cung cấp dịch vụ tư vấn và phát hành bị xử lý về pháp luật thì Bộ Tài chính đã phối hợp để làm việc với các nhà phát hành nhằm đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư. Các công ty phát hành đều đã cam kết sẽ trả đúng hạn những trái phiếu đến hạn trả nợ. Bộ Tài chính sẽ tích cực giám sát và đảm bảo minh bạch để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp có hai công điện, trong đó chỉ đạo nhiều biện pháp để bảo đảm thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động ổn định, lành mạnh, minh bạch, an toàn và phát triển bền vững.
Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành cam kết giữ ổn định thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp bởi đây là hai kênh dẫn vốn quan trọng bậc nhất của doanh nghiệp cùng với kênh vay ngân hàng. Thông điệp của Chính phủ rất rõ ràng là bảo vệ các nhà đầu tư, củng cố hệ thống thể chế pháp luật theo hướng minh bạch.
Để bảo đảm sự phát triển lành mạnh của thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đại diện Bộ Tài chính cho biết, thời gian tới bộ sẽ tiếp tục rà soát lại các cơ chế chính sách liên quan thị trường chứng khoán nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng.
Yêu cầu đặt ra, việc sửa đổi phải phù hợp tình hình thực tiễn và hướng tới sự phát triển lành mạnh công khai, minh bạch thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Chỉ như vậy mới bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nhà đầu tư cũng như chủ trương chung của Chính phủ là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và các giao dịch dân sự để bảo đảm thị trường chứng khoán hoạt động lành mạnh và kiểm soát chặt chẽ theo quy định của pháp luật.