Gặp khó trước mốc 1.280 điểm, VN-Index có tuần tăng nhẹ: Tuần giao dịch (15 – 19/8), thị trường chứng khoán Việt Nam tăng nhẹ khi VN-Index gặp khó trước ngưỡng kháng cự 1.280 điểm. Đóng cửa tuần, VN-Index ở 1.269,18 điểm, tăng nhẹ 0,54% so với cuối tuần trước. Trong tuần đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 8, VN30-Index tăng 1,09% lên 1.294,93 điểm, nhóm ngân hàng đóng vai trò dẫn đắt. Lũy kế từ đầu năm 2022, chỉ số này còn giảm 15,68%. Chiều ngược lại, HNX-Index và UPCoM-Index giảm lần lượt 1,81% và 0,08% xuống còn 297,94 điểm và 92,77 điểm.
Giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 15.658 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,5% so với tuần trước đó, tăng 25,82% so với trung bình 5 tuần nhưng giảm 1,2% so với trung bình 20 tuần trước. Tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng vào nhóm ngân hàng, công nghệ thông tin, truyền thông, trong khi giảm ở nhóm chứng khoán, hàng và dịch vụ công nghiệp, hóa chất. Dòng tiền tăng mạnh nhất vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong tuần có phiên đáo hạn phái sinh, nhưng giảm nhẹ vào nhóm vốn hóa vừa và nhỏ.
Khối ngoại vẫn là điểm sáng của thị trường khi có tuần mua ròng thứ 5 liên tiếp. Cụ thể, dòng vốn ngoại trong tuần từ 15-19/8 thực hiện mua vào 164 triệu cổ phiếu, trị giá 5.716 tỷ đồng, trong khi bán ra 141 triệu cổ phiếu, trị giá 5.191 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng ở mức hơn 23 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là 525 triệu cổ phiếu. Trên sàn HOSE, khối ngoại đẩy mạnh mua ròng 567 tỷ đồng (gấp 6 lần tuần trước đó), tương ứng khối lượng 24,5 triệu cổ phiếu. Đây cũng là tuần mua ròng thứ 5 liên tiếp của dòng vốn ngoại sàn này với tổng giá trị 4.136 tỷ đồng. Khối ngoại sàn HOSE mua ròng mạnh nhất mã HPG với giá trị lên đến 596 tỷ đồng. Tiếp sau đó, HDB và PVD được mua ròng lần lượt 261 tỷ đồng và 174 tỷ đồng.
Chính thức áp dụng giao dịch chứng khoán T+2 từ ngày 29/8: Ngày 19/8/2022, Tổng Giám đốc Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã ký Quyết định số 109/QĐ-VSD ban hành Quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán tại VSD. Quy chế mới được ban hành để đáp ứng việc rút ngắn thời gian thanh toán giao dịch chứng khoán (cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảm đảm), qua đó mang lại lợi ích tốt hơn cho nhà đầu tư và thị trường khi nhà đầu tư có thể bán chứng khoán mua ngày T+0 ngay trong phiên giao dịch chiều ngày T+2 thay vì chờ đến ngày T+3 như trước đây. Quy chế mới này có hiệu lực từ ngày 29/8/2022.
Cổ phiếu PPG chính thức bị hủy đăng ký chứng khoán: Theo thông báo của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), hơn 7 triệu cổ phiếu PPG - tương đương với giá trị hơn 73 tỷ đồng sẽ chính thức bị hủy giao dịch từ ngày 5/9/2022. Nguyên nhân là do CTCP Sản xuất Thương mại Dịch vụ Phú Phong giải thể và huỷ tư cách công ty đại chúng theo quyết định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Cổ phiếu PPG đã bị hạn chế giao dịch từ 29/6/2017 do tổ chức đăng ký giao dịch không thực hiện giải trình, công bố thông tin, khắc phục nguyên nhân dẫn đến chứng khoán bị tạm dừng giao dịch. Tính đến cuối tháng 8/2016, vốn chủ sở hữu của Phú Phong đã chính thức âm gần 31 tỷ đồng. Lỗ lũy kế chưa phân phối tại cùng thời điểm đã lên tới 119 tỷ đồng, trong khi con số tương ứng đầu năm là âm 77 tỷ đồng.
L14 giảm lỗ sau soát xét nhưng vẫn bị cắt margin: Từ ngày 19/08/2022, cổ phiếu của CTCP Licogi 14 (HNX: L14) sẽ không được giao dịch ký quỹ do lỗ ròng bán niên. Đáng chú ý, khoản lỗ sau thuế sau kiểm toán của L14 đã giảm 210 tỷ đồng so với báo cáo tự lập từ mức hơn 234 tỷ về còn 23,7 tỷ nhờ biến công ty con thành công ty liên kết. Ghi nhận tại báo cáo tài chính kiểm toán bán niên, danh mục đầu tư chứng khoán gốc của L14 có giá trị khoảng 105 tỷ đồng. Các cổ phiếu chính vẫn là CEO và DIG. Tuy nhiên, công ty lỗ 60% với cổ phiếu CEO (-51,5 tỷ) và lỗ 60% đối với cổ phiếu DIG (-11,2 tỷ).
Lãnh đạo Khoáng sản Dương Hiếu (DHM) thoái toàn bộ vốn: Ông Dương Hữu Hiếu, Thành viên HĐQT CTCP Thương mại và khai thác Khoáng sản Dương Hiếu (Mã chứng khoán: DHM) thông báo đã bán thỏa thuận toàn bộ 1.284.393 (tương đương 4,09% vốn điều lệ) từ ngày 11/8 đến 17/8. Đáng chú ý, trước đó, hồi tháng 5/2022, ông Hiếu đã đăng ký thoái sạch vốn tại DHM nhưng vì giá không đạt kỳ vọng nên không giao dịch thành công. Mới đây, DHM báo cáo kết quả kinh doanh bán niên khả quan với doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh. Cụ thể, 6 tháng đầu năm, DHM mang về 966,8 tỷ đồng và 3,43 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 74,53% và gấp hơn 6 lần cùng kỳ.
Cổ đông FPT sắp nhận thêm 1.100 tỷ đồng tiền cổ tức đợt 1/2022: CTCP FPT (Mã: FPT) thông báo ngày 25/8 tới đây sẽ chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức bằng tiền đợt 1/2022, ngày giao dịch không hưởng quyền là 24/8. Thời gian thanh toán vào ngày 12/9. Tỷ lệ thực hiện là 10%, tương ứng với mỗi cổ phiếu cổ đông sở hữu được nhận 1.000 đồng, Với gần 1,1 tỷ cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường, ước tính FPT sẽ chi khoảng 1.100 tỷ đồng để trả cổ tức đợt này.