Kéo mạnh cuối phiên, VN-Index có thêm gần 6 điểm: Kết thúc phiên giao dịch ngày 27/7, VN-Index đóng cửa ở mốc 1.191,04, tăng nhẹ 5,97 điểm (+0,50%). Thanh khoản cũng được cải thiện đôi chút khi có gần 450 triệu cổ phiếu được giao dịch. Tổng khối lượng khớp lệnh trên toàn sàn đạt mức hơn 10 nghìn tỷ đồng. Cục diện trên bảng điện cũng thay đổi hoàn toàn so với hai phiên trước đó khi số lượng mã tăng giá có phần nhỉnh hơn với 222 mã, trong khi đó số mã giảm điểm là 201, còn lại là 96 mã không thay đổi giá.
VN30 lại có phần đuối sức hơn một chút khi gần như đóng cửa ở mốc tham chiếu khi chỉ tăng 0,94 điểm (+0,08%). Mặc dù vậy, sắc xanh vẫn chiếm ưu thế hoàn toàn ở nhóm này với 18/30 mã tăng giá. Trong đó nổi bật nhất chính là BVH (+5,15%) khi đây là cổ phiếu tăng mạnh nhất toàn nhóm. Bên cạnh đó còn có một số cổ phiếu đáng chú ý khác như CTG (+1,69%), GVR (+1,54%) hay VCB (+1,49%). Ở chiều hướng giảm điểm, HPG (-1,85%) và MWG (+1,43%) là hai cái tên gây tác động tiêu cực lớn nhất đến VN30 nói riêng và VN-Index nói chung.
Khối ngoại mua ròng 624 tỷ đồng, tâm điểm cổ phiếu KDC: Sau phiên bán ròng hôm qua (26/7), chủ yếu tại BSR, nhà đầu tư đã nhanh chóng trở lại vị thế mua ròng trên cả 3 sàn trong phiên hôm nay (27/7). Tâm điểm là KDC và HPG, nhưng vị thế trái ngược. Dù BSR tiếp tục bị nhà đầu tư nước ngoài giảm tỷ lệ nắm giữ trong danh mục, nhưng mức bán rong trong phiên hôm nay đã giảm đáng kể, chỉ gần 340 triệu đồng so với mức hơn 26 tỷ đồng phiên đầu tuần hay 165 tỷ đồng trong phiên hôm qua. Dường như, nhà đầy tư nước ngoài đã chốt danh danh mục cần chốt với cổ phiếu BSR. Tổng trên cả 3 sàn, phiên hôm nay, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 3,22 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng 624,08 tỷ đồng, trong khi phiên trước bán ròng tổng cộng gần 8,93 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng là 107,46 tỷ đồng.
Gelex (GEX) hoàn tất mua lại hàng trăm tỷ đồng trái phiếu trước hạn: Ngày 22/7, Gelex vừa mua 135,2 tỷ đồng trái phiếu trước hạn để giảm lượng trái phiếu lưu hành từ 200 tỷ đồng về 64,8 tỷ đồng. Được biết, đây là trái phiếu kỳ hạn 3 năm, phát hành ngày 22/7/2020 và đáo hạn ngày 22/7/2023 với tổng giá trị 200 tỷ đồng. Như vậy, Công ty đã mua lại lô trái phiếu trước hạn 1 năm. Đến 25/7, Gelex tiếp tục mua thêm 69,7 tỷ đồng trái phiếu trước hạn để giảm số lượng trái phiếu lưu hành từ 200 tỷ đồng về 130,3 tỷ đồng. Được biết, đây là trái phiếu kỳ hạn 3 năm, phát hành ngày 23/7/2020 và đáo hạn 23/7/2023. Như vậy, Công ty đã mua lại trái phiếu trước kỳ hạn gần 1 năm. Tổng hai lô trái phiếu vừa mua lại trị giá 204,9 tỷ đồng.
OCH bị phạt 210 triệu đồng do vi phạm công bố thông tin: Ngày 22/07/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với CTCP One Capital Hospitality (HNX: OCH). Thứ nhất, phạt tiền 60 triệu đồng do công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật. Công ty công bố thông tin không đúng thời hạn trên hệ thống công bố thông tin của UBCKNN và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đối với Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021. Thứ hai, phạt tiền 150 triệu đồng do công bố thông tin sai lệch. OCH đã công bố thông tin sai lệch về lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đối với Báo cáo tài chính quý 4/2021 (trước kiểm toán). Biện pháp khắc phục hậu quả, OCH buộc phải cải chính thông tin đối với hành vi công bố thông tin sai lệch theo quy định.
Quốc tế Sơn Hà (SHI) sắp phát hành 12 triệu cổ phiếu trả cổ tức 2021: CTCP Quốc tế Sơn Hà (mã chứng khoán: SHI) vừa thông báo về việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2021. Theo đó, SHI dự phát hành thêm gần 12 triệu cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 8% (tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận về 8 cổ phiếu mới). Nguồn vốn phát hành từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến hết năm 2021. Ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông là 8/8/2022.
Đầu tư Tài chính Hoàng Minh (KPF) đón thêm cổ đông lớn: Bà Thái Thị Hải Yến báo cáo đã mua 1,15 triệu cổ phiếu KPF của CTCP Đầu tư Tài chính Hoàng Minh (HOSE: KPF) vào phiên 26/7/2022. Sau giao dịch, bà Yến đã nâng tỷ lệ sở hữu tại KPF lên 5,93% tương đương 3,61 triệu đơn vị. Theo đó, bà Yến đã đã trở thành cổ đông lớn của Đầu tư Tài chính Hoàng Minh. Tạm chiếu theo thị giá đóng cửa phiên diễn ra giao dịch (10.500 đồng/cp), ước tính bà Yến đã chi hơn 12 tỷ đồng cho thương vụ trên.