Thị trường 'đẫm máu', cổ phiếu ngân hàng nào rớt về dưới mệnh giá?

Dưới sức ép lớn từ thị trường, đã có nhiều cổ phiếu ngân hàng rớt xuống dưới mệnh giá.

Trong phiên ngày 3/10, chỉ số VN-Index ghi nhận phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ ngày 14/6, mất 45,67 điểm, tức giảm mạnh 4% đóng cửa ở mức 1.086,44 điểm. Đây là mức thấp nhất trong 21 tháng qua khi có gần 150 mã cổ phiếu giảm sàn. Ngoài ra, thanh khoản trên sàn HOSE cũng kém tích cực chỉ đạt 482,1 triệu USD.

Về điểm số, tất cả các nhóm ngành cùng chìm trong sắc đỏ. Giảm mạnh nhất và có nhiều mã giảm hết biên độ lần lượt được ghi nhận ở các ngành Bảo hiểm, Chứng khoán, Hóa chất, Thép-Tôn mạ, Ngân hàng.

Các mã ngân hàng có phiên giảm mạnh, ảnh hưởng bởi VCB (-3,5%) về mức 70.600 đồng/cp, BID (-6,9%) còn 31.550 đồng/cp, TCB (-6,9%) về 30.250 đồng/cp, CTG (-6,9%) ở mức 21.600 đồng/cp và MBB (-6,5%) mất mốc 20.000 đồng về 18.700 đồng/cp...

Đặc biệt, khối ngoại bán ròng mạnh nhất ở STB (60,6 tỷ đồng, về mốc 19.200 đồng/cp) và CTG (43 tỷ đồng).

Thi truong “dam mau”, co phieu ngan hang nao rot ve duoi menh gia?
 Biến động cổ phiếu trong phiên ngày 3/10 của nhóm Tài chính và Bảo hiểm (Nguồn: VietstockFinance)

Dưới sức ép lớn từ thị trường, đã có nhiều cổ phiếu ngân hàng rớt xuống dưới mệnh giá. Đơn cử như ABB của ABBank chính thức rớt khỏi mốc mệnh giá để xuống 9.700 đồng/cp, ghi nhận mức giảm hơn 29% tính trong vòng 1 năm qua, khiến vốn hóa chỉ còn hơn 9.127 tỷ đồng. 

Trong khi đó, VAB của VietABank đã tạm biệt mốc 10.000 đồng từ hồi tháng 6 và hiện chỉ ở mức 9.000 đồng/cp, giảm mạnh gần 35% trong vòng 1 năm qua, tương ứng vốn hoá còn 4.859 tỷ đồng. 

VBB của VietBank mặc dù mới rời khỏi mốc mệnh giá hồi 12/9 song đến nay ghi nhận là cổ phiếu ngân hàng ở mức thấp nhất với 8.800 đồng/cp kết phiên 3/10, giảm gần 46% trong vòng 1 năm qua, vốn hoá còn 4.200 tỷ đồng.

Nhận định về ngành ngân hàng hồi 21/9, VNDirect thận trọng với triển vọng ngắn hạn do những lo ngại về chi phí vốn tăng và tăng trưởng tín dụng hạn chế. Tuy nhiên về dài hạn, một số ngân hàng vẫn có thể tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ ở mức 31%/15% trong giai đoạn 2022-2023, được hỗ trợ bởi chất lượng tài sản vững chắc, thu nhập từ phí cải thiện và tỷ lệ chi phí tín dụng giảm mạnh.

Ở thời điểm đó, VNDirect cho rằng đợt điều chỉnh gần đây của thị trường đã đưa định giá ngành ngân hàng xuống mức hấp dẫn với 1,3 lần P/B 2022, thấp hơn 35% so với mức trung bình 3 năm là 2,0 lần. Những lo ngại của thị trường về lạm phát và nợ xấu gia tăng đã làm ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư đối với triển vọng ngành ngân hàng kể từ đầu năm.

Hơn nữa, tâm lý thị trường đối với nhóm ngân hàng còn bị ảnh hưởng hơn khi thị trường vốn bắt đầu chịu sự giám sát chặt chẽ hơn, bất chấp mục đích để cải thiện tính minh bạch và bền vững của thị trường vốn trong dài hạn. VNDirect tin rằng các ngân hàng sẽ có đủ khả năng để vượt qua khó khăn này nhờ chất lượng tài sản vững chắc và khả năng kiểm soát tốt đối với các mảng cho vay rủi ro cao.