Dầu giảm
Giá dầu giảm do USD tăng trong khi các dự báo đều hướng tới nguồn cung sẽ tăng khi giá đang ở mức cao hơn cả trước đại dịch.
Chốt phiên 26/2, dầu thô Brent giao tháng 4 (đáo hạn trong ngày 26/2) giảm 75 US cent tương đương 1,1% xuống 66,13 USD/thùng. Hợp đồng kỳ hạn tháng 5 giảm 1,69 USD xuống 64,42 USD/thùng.
Dầu thô WTI giảm 2,03 USD tương đương 3,2% xuống 61,5 USD/thùng.
USD tăng giá do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ gần mức cao nhất trong một năm khiến giá dầu định giá bằng USD đắt hơn cho người mua bằng các đồng tiền khác.
Các nhà đầu tư đang đặt cược vào cuộc họp của OPEC+ trong tuần tới sẽ dẫn đến việc thêm nguồn ra đưa ra thị trường.
Giá dầu thô của Mỹ còn phải đối mặt với áp lực nhu cầu lọc dầu chậm lại sau khi một vài cơ sở ở Bờ Vịnh đóng cửa hoạt động trong cơn bão tuần trước. Theo ước tính, công suất lọc dầu khoảng 4 triệu thùng/ngày vẫn bị đóng cửa và có thể đến ngày 5/3 mới khôi phục được hoàn toàn công suất, mặc dù vẫn có nguy cơ bị chậm lại.
Giá vàng tiếp tục giảm do lợi suất trái phiếu của Mỹ ngày càng tăng
Vàng mất gần 3% giá trị xuống mức thấp nhất 8 tháng, có tháng tồi tệ nhất kể từ tháng 11/2016 do USD mạnh lên và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng gây thiệt hại cho sức hấp dẫn của vàng.
Vàng giao ngay giảm 2,5% xuống 1,726,31 USD/ounce, sau khi chạm 1.716,85 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020. Vàng đã giảm 6,4% trong tháng này. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 4 đóng cửa giảm 2,6% xuống 1728,8 USD/ounce.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giữ gần mức cao nhất trong hơn 1 năm, trong khi chỉ số USD tăng.
Giá đồng giảm
Giá đồng đi xuống sau khi chạm mức đỉnh nhiều năm, giảm hơn 3% do tâm lý rủi ro trên các thị trường tài chính sau khi lợi suất trái phiêu tăng vọt.
Giá đồng giao sau ba tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) đã giảm 3,8% xuống 9.056 USD/tấn. Trước đó giá đã đạt đỉnh nhiều năm trong 6 phiên liên tiếp.
Các kim loại khác như nhôm và nickel cũng bị thiệt hại khi cổ phiếu Châu Á giảm mạnh nhất trong 9 tháng trong bối cảnh nhốn nháo trên thị trường trái phiếu toàn cầu khiến lợi tức tăng vọt.
Hợp đồng đồng giao tháng 4 trên sàn giao dịch Thượng Hải đóng cửa giảm 2,1% xuống 67.950 CNY (10.507,68 USD)/tấn nhưng đánh dấu tháng tốt nhất kể từ tháng 11/2016.
Công ty Codelco của Chile, nhà sản xuất đồng hàng đầu thế giới cho biết họ tăng 2% sản lượng từ các mỏ của mình lên 1.618 triệu tấn bất chấp sự bùng phát của virus corona.
Quặng sắt Trung Quốc tăng tuần thứ 4 liên tiếp
Giá quặng sắt của Trung Quốc tăng trong phiên cuối tuần, ghi nhận tuần thứ 4 tăng liên tiếp, trong khi thép thanh và thép cuộn cán nóng tăng do nhu cầu cao hơn.
Công suất sử dụng tại 247 lò cao tại Trung Quốc tăng lên 92,28% trong tuần này, cao nhất kể từ giữa tháng 12/2020, bất chấp những hạn chế môi trường tại tỉnh Hà Bắc.
Hợp đồng quặng sắt giao tháng 5 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa tăng 1,7% lên 1,151 CNY (177,87 USD)/tấn. Giá tăng 3% trong tuần này và đánh dấu tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/2020.
Theo công ty tư vấn SteelHome, giá quặng sắt giao ngay hàm lượng 62%Fe xuất sang Trung Quốc tăng 1 USD lên 174,5 USD/tấn trong ngày 25/2.
Thép thanh tại Thượng Hải tăng 0,1% lên 4.677 CNY/tấn và thép cuộn cán nóng tăng 0,3% lên 4.887 CNY/tấn. Cả hai hợp đồng này kết thúc tháng tăng lần lượt 9,6% và 11,3%.
Theo một thăm dò của Reuters hoạt động sản xuất của Trung Quốc có thể tăng ở tốc độ thấp hơn trong tháng 2 do các nhà máy đóng cửa nghỉ Tết Nguyên đán, mặc dù tăng trưởng dự kiến vẫn mạnh, thúc đẩy bởi việc sớm khôi phục sản xuất.
Cao su Nhật Bản tăng 17% trong tháng 2
Giá cao su Nhật Bản giảm trong ngày 26/2 từ mức cao nhất trong 4 năm đã đạt được trong phiên trước, do sự sụt giảm của cổ phiếu toàn cầu và thị trường cao su Thượng Hải.
Hợp đồng cao su giao tháng 8 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 14,1 JPY hay 4,9% xuống 275,9 JPY (2,6 USD)/kg. Nhưng giá vẫn tăng 4% trong tuần này và tăng 17% trong tháng 2.
Cao su giao tháng 5 tại Thượng Hải cũng giảm 945 CNY xuống 15.990 CNY (2.475 USD)/tấn.
Cà phê giảm giá
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 5 chốt phiên giảm 1,55 US cent hay 1,8% xuống 1,375 USD/lb sau khi đạt đỉnh 1,4045 USD trong ngày 25/2, mức cao nhất kể từ tháng 12/2019.
Các đại lý cho biết các nhà sản xuất đã tăng cường bán ra sau khi giá tăng, với đồng nội tệ của Brazil suy yếu làm giá càng hấp dẫn với nông dân và nhà xuất khẩu.
Mưa trên diện rộng ở vành đai cà phê arabica Brazil cũng tạo ra xu hướng giảm giá, mặc dù trước đó thời tiết khô hạn sẽ ảnh hưởng tới vụ mùa sắp tới.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 5 đóng cửa giảm 3 USD hay 0,2% xuống 1.473 USD/tấn.
Đường giảm
Giá đường thô kỳ hạn tháng 5 giảm 2,3% xuống 16,45 US cent/lb, tiếp tục giảm từ mức đỉnh gần 4 năm tại 17,52 US cent thiết lập hôm 23/2.
Hợp đồng kỳ hạn tháng 3 đáo hạn trong ngày hôm nay.
Đường trắng kỳ hạn tháng 5 giảm 9 USD hay 1,9% xuống 459 USD/tấn.
Đậu tương, ngô, lúa mì của Mỹ giảm do áp lực chốt lời
Giá lúa mì tại sàn giao dịch Chicago giảm 2,8%, giảm ngày thứ 2 liên tiếp, do chốt lời bởi thời tiết ấm lên ở Mỹ làm giảm nguy cơ thiệt hại với cây trồng.
Ngô và đậu tương cũng giảm. Các thương nhân cho biết thiếu hoạt động xuất khẩu trong tuần này, thậm chí các khách hàng Trung Quốc trở lại thị trường sau Tết Nguyên đán, được xem như dấu hiệu giảm giá. Cả 3 mặt hàng này đều có tuần tăng giá, đậu tương tăng 1,5% trong tuần và đã đạt mức cao nhất trong 6,5 năm vào ngày 25/2, ngô tăng 0,7% và lúa mỳ tăng 1,7%.
Đậu tương CBOT giao tháng 5 chốt phiên giảm 3-1/4 US cent xuống 14,04-14 USD/bushel. Đậu tương kết thúc tháng 2 là tháng tăng thứ 9 liên tiếp, do tồn kho của Mỹ đang giảm và vụ thu hoạch của Brazil vị chậm lại.
Lúa mỳ cùng kỳ hạn giảm 15-1/2 US cent xuống 6,60-1/4 USD/bushel và ngô giảm 1-1/4 US cent xuống 5,47-1/2 USD/bushel.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 27/02