Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán có phiên tệ nhất trong gần 5 tháng qua

VN-Index đánh rơi hơn 40 điểm; Chứng khoán nghỉ Tết sớm?; Diễn biến lạ nhóm bất động sản tăng nóng; Nâng tỷ lệ bao phủ cao kỷ lục, ngân hàng giảm nỗi lo ẩn số nợ xấu; Ngành bán lẻ Mỹ hứng 'bão' kép…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 17/1 tăng 150.000 đồng/lượng chiều mua vào và 50.000 đồng/lượng chiều bán ra so với ngày cuối tuần trước, Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã giảm nhẹ 50.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 61,10 – 61,72 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ giảm 4,1 USD xuống 1.818,1 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng nhích dần và lên trên 1.822 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 94,79 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 17/1 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 3.085 đồng/USD, tăng 3 đồng so với ngày cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.570 – 22.850 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,18 USD (+0,21%), lên 84,00 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,06 USD (-0,07%), xuống 86,00 USD/thùng.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giằng co quanh 43.000 USD, thì sang ngày hôm nay đã tiếp tục xu hướng này và tạm về dưới 42.900 USD/BTC vào cuối ngày.

Chứng khoán trong nước

VN-Index có phiên giảm mạnh nhất trong 5 tháng

Đà bán tháo vốn có từ nhóm bất động sản tuần trước đã lan rộng sang các nhóm ngành khác. Cơ chế lan truyền tác động có tên gọi là margin. Khi đó đốm lửa nhỏ đã bùng lên thành đám cháy lớn lan rộng toàn bộ thị trường.

Nhóm ngành chứng khoán là một trong 4 nhóm trụ chính gồm ngân hàng, thép, chứng khoán và bất động sản đã không bám trụ được và giảm giá từ rất sớm.

Khi mà 4 nhóm ngành chính có tới 3 nhóm lao dốc thì nhóm còn lại là ngân hàng cộng thêm sự hỗ trợ của nhóm dầu khí, dù nỗ lực đến đâu cũng chỉ giúp cho thị trường không mất đi số điểm quá nhiều chứ không chặn được đà rơi quá mạnh.

Đóng cửa, VN-Index giảm hơn 43 điểm, là phiên giảm mạnh nhất trong gần 5 tháng kể từ phiên 20/8/2021, khi đó VN-Index giảm hơn 45 điểm.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng xấp xỉ 4 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng 179,68 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 17/1: VN-Index giảm 43,18 điểm (-2,89%) xuống 1.452,84 điểm; HNX-Index giảm 21,52 điểm (-4,61%) xuống 445,34 điểm; UPCoM-Index giảm 2,86 điểm (-2,55%), xuống 109,36 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall trái chiều trong ngày thứ Sáu (14/01) sau báo cáo kết quả kinh doanh của các Ngân hàng khiến Dow Jones suy yếu.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng, vốn có diễn biến tích cực trong những tuần gần đây khi lãi suất tăng, hầu như sụt giảm khi các báo cáo kết quả kinh doanh không gây được ấn tượng, bất chấp những con số chỉ tiêu mạnh mẽ.

JPMorgan Chase, ngân hàng số 1 tại Mỹ về tổng tài sản, công bố doanh thu và lợi nhuận vượt kỳ vọng, nhưng cổ phiếu ngân hàng này sụt hơn 6%.

Cổ phiếu Citigroup mất gần 1,3% sau khi báo cáo doanh thu cao hơn dự kiến nhưng lợi nhuận giảm đến 26%. Cổ phiếu Morgan Stanley và Goldman Sachs cũng suy yếu.

Trong khi đó, cổ phiếu một ngân hàng lớn khác là Wells Fargo tăng gần 3,7%, sau khi công bố doanh thu vượt dự báo.

Kết thúc phiên 14/1, chỉ số Dow Jones giảm 201,81 điểm (-0,56%), xuống 35.911,81 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 3,82 điểm (+0,08%), lên 4.662,85 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 86,94 điểm (+0,59%), lên 14.893,75 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng, được thúc đẩy bởi các nhà sản xuất chip và cổ phiếu lớn Fast Retailing.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,74% lên 28.333,52 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,42% lên 1.986,71 điểm.

Naoki Fujiwara, một nhà quản lý quỹ tại Shinkin Asset Management, cho biết: “Các cổ phiếu tăng trưởng bị bán quá mức đang được mua lại. Đồng thời, sự chuyển dịch từ cổ phiếu tăng trưởng sang cổ phiếu giá trị cũng đang tiếp tục”.

Phiên này, mức tăng 1,86% của Fast Retailing đã nâng đỡ chỉ số Nikkei 225 lớn nhất, sau khi cuối tuần trước báo cáo lợi nhuận hoạt động tăng 5,6% lên 119,4 tỷ yên (1,04 tỷ USD) trong trong giai đoạn tháng 9 đến tháng 11.

Các gã khổng lồ chip cũng hỗ trợ thêm với Tokyo Electron và Advantest, lần lượt tăng 0,44% và 0,65% và Peer Renesas tăng 2,09%.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, sau khi nền kinh tế nước này tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý cuối cùng của năm 2021.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,58% lên 3.541,67 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,86% lên 4.767,28 điểm.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã tăng 4% trong quý IV/2021, so với một năm trước đó và nền kinh tế đã tăng trưởng 8,1% vào năm 2021, nhanh hơn mức dự báo 8%.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, do đà suy yếu của nhóm cổ phiếu công nghệ lớn và bất động sản.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,68% xuống 24.218,03 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises mất 1,06% xuống 8.463,88 điểm.

Chỉ số phụ theo dõi ngành công nghệ giảm 0,8%, trong đó, hai gã khổng lồ Tencent Holdings và Meituan lần lượt giảm 1,7% và 1,8%.

Các nhà phát triển bất động sản Đại lục niêm yết tại Hồng Kông tiếp tục giảm 3,4%, với Country Garden Holdings giảm 8,1%, Logan Group và Sunac China Holdings đều giảm hơn 5%, do lo ngại về nợ nần của các nhà phát triển vẫn còn.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, khi các nhà giao dịch cắt giảm vị thế để đón đầu đợt phát hành lần đầu ra công chúng trị giá 10,7 tỷ USD của LG Energy Solution.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 31,82 điểm, tương đương 1,09% xuống 2.890,10 điểm.

Các đối thủ nặng ký trong lĩnh vực công nghệ dẫn đầu mức giảm, với Samsung Electronics và SK Hynix lần lượt giảm 0,26% và 1,17%.

Nhà sản xuất pin LG Energy Solution (LGES) đã huy động được 10,7 tỷ USD trong đợt IPO.

Nhà sản xuất pin lớn thứ hai thế giới cho xe điện này đang chào bán hơn 10 triệu cổ phiếu, chiếm gần một phần tư trong tổng số 42,5 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư cá nhân.

Đợt IPO khổng lồ đã kéo thị trường chứng khoán đi xuống trong tháng qua khi các nhà đầu tư bán ra tổng cộng 9,4 nghìn tỷ won cổ phiếu để huy động vốn.

Kết thúc phiên 17/1: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 209,24 điểm (+0,74%), lên 28.333,52 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 20,41 điểm (+0,58%), lên 3.541,67 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 165,29 điểm (-0,68%), xuống 24.218,03 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 31,82 điểm (-1,09%), xuống 2.890,10 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Chứng khoán nghỉ Tết sớm?

Thị trường chứng khoán vừa có tuần rung lắc mạnh. Ngoài ảnh hưởng dây chuyền từ nhóm bất động sản, thì nhịp điều chỉnh này có một phần nguyên nhân từ tâm lý nghỉ ngơi đón Tết..>> Chi tiết

- Diễn biến lạ nhóm bất động sản tăng nóng

Trong phiên cuối tuần trước, các nhà đầu tư có kinh nghiệm lưu ý về diễn biến khá lạ nhưng lại trùng hợp ở nhiều mã cổ phiếu bất động sản tăng nóng thời gian qua..>> Chi tiết

- Nâng tỷ lệ bao phủ cao kỷ lục, ngân hàng giảm nỗi lo ẩn số nợ xấu

Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cho hay đã trích lập đủ dự phòng rủi ro cho nợ tái cơ cấu, nếu Ngân hàng Nhà nước không gia hạn thông tư về cơ cấu nợ..>> Chi tiết

- Ngành bán lẻ Mỹ hứng "bão" kép

Vốn đã chật vật do đứt gãy cung ứng trong năm qua, các cửa hàng tạp hóa ở Mỹ hứng thêm rắc rối và có nguy cơ trắng kệ vì một cơn bão mùa đông ập tới..>> Chi tiết