Chấp nhận lỗ vẫn không mua được hàng
Thực trạng hết xăng, nghỉ bán xảy ra ở hầu hết các cửa hàng xăng dầu (CHXD) tư nhân đã kéo dài khoảng gần 1 tháng nay. Đêm ngày 9/10 và hôm qua (10/10), tình hình cung ứng xăng dầu trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Thậm chí, đã xảy ra xô xát giữa khách hàng khi chen lấn, tranh nhau được “đổ xăng”.
Ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH Bội Ngọc (Trà Vinh) - cho biết, các cửa hàng thuộc công ty ông đang báo cạn xăng dầu mỗi ngày. Hôm qua (10/10), đã có thêm 2 cửa hàng báo hết xăng trong khi Công ty Bội Ngọc chịu trách nhiệm cung ứng xăng dầu cho nhiều doanh nghiệp lớn của tỉnh như taxi Mai Linh, một số công ty chuyển phát nhanh và các doanh nghiệp, cơ quan mua theo chế độ “phiếu mua hàng” (tức là đã trả tiền trước để được cấp xăng dầu).
“Chúng tôi không thể nào nhập được hàng về bán dù chấp nhận kinh doanh thua lỗ trong thời điểm hiện nay. Thương nhân đầu mối phân phối cho chúng tôi báo kho hết hàng và không cho biết khi nào mới có hàng lại để giao cho đại lý. Nhưng giờ mà có đơn vị nào chở hàng đến tận cửa hàng nhờ bán chúng tôi cũng không dám nhận vì như vậy vi phạm quy định chỉ được lấy hàng ở một đầu mối”, ông Giang Chấn Tây thông tin.
Trong khi đó, các đầu mối nhập khẩu đang “gồng mình” thực hiện tăng hàng cung ứng ra thị trường thông qua các cửa hàng trực thuộc dù nguồn cung cấp xăng dầu đến các đầu mối cũng gặp nhiều khó khăn.
Ông Cao Hoài Dương, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) cho biết, các chuyến tàu nhận hàng của PVOIL tại cả 2 nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn trong giai đoạn cuối tháng 9, đầu tháng 10/2022 đều bị trễ so với kế hoạch do ảnh hưởng thời tiết của cơn bão Noru… Cùng lúc đó, nguồn hàng nhập khẩu về rất hạn chế, không dồi dào như trước đây do phụ phí mua cao hơn nhiều so với công thức giá cơ sở nên ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh.
Tuy nhiên, PVOIL vẫn nỗ lực đảm bảo tối đa nguồn hàng cho toàn hệ thống. Cụ thể, trong 9 ngày đầu tháng 10/2022, sản lượng xăng dầu PVOIL cung cấp cho các đơn vị trong hệ thống vượt 7% so với kế hoạch, riêng mặt hàng xăng vượt 16%. Tại thị trường TP Hồ Chí Minh, sản lượng xăng dầu do PVOIL cung cấp cho các đầu mối phân phối cũng vượt tới 28% so với kế hoạch, riêng mặt hàng xăng vượt 35%. PVOIL cũng đã chỉ đạo các đơn vị thành viên bán lẻ xăng dầu trên địa bàn TP Hồ Chí Minh là Công ty CP Xăng dầu Dầu khí Sài Gòn (PVOIL Sài Gòn) và Công ty CP Thương Mại Xuất nhập khẩu Thủ Đức (TIMEXCO) tăng cường tối đa bán hàng thông qua hệ thống 21 cây xăng để phục vụ nhu cầu gia tăng đột biến của khách hàng trong giai đoạn nhất thời hiện nay.
Cụ thể, trong 9 ngày đầu tháng 10/2022, sản lượng bán lẻ của PVOIL Sài Gòn và TIMEXCO đều tăng so với bình thường. Đặc biệt, trong 2 ngày 8 - 9/10, nhiều cây xăng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đóng cửa, khách hàng ồ ạt chuyển qua các cây xăng PVOIL quá đông, tăng gấp 3 lần so với bình thường, gây áp lực lớn cho công tác điều độ hàng hoá.
Cần sửa đổi công thức tính giá cơ sở
Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân của việc các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, nghỉ bán hàng là do từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, các doanh nghiệp đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng nên chỉ chủ yếu duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định. Nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ.
Trước tình hình này, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã phối hợp rà soát và thống nhất sẽ điều chỉnh tăng mức chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và phụ phí lưu thông trong nước trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu vào kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/10/2022 để bảo đảm phản ánh đúng mức chi phí phát sinh thực tế của doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp tăng mức chiết khấu trong hệ thống phân phối xăng dầu.
Ông Giang Chấn Tây cho rằng, động thái này của Liên Bộ có thể giúp cho tình hình kinh doanh xăng dầu tiến triển hơn nhưng thực chất chỉ là “chữa cháy”. Bởi đáng lẽ, Liên Bộ đã phải cộng thêm vào từ tháng 7/2022 . Bởi muốn thị trường xăng dầu thực sự ổn định, Bộ Tài chính cần phải sửa đổi công thức tính giá cơ sở.
Tổng cục QLTT giám sát tất cả các hệ thống thương nhân kinh doanh xăng dầu
Ngày 10/10, tại cuộc họp giao ban trực tuyến toàn lực lượng, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) Trần Hữu Linh tiếp tục quán triệt nội dung Công điện khẩn của Tổng cục vừa được ký ban hành đêm 9/10. Theo đó, ông Linh nhấn mạnh, toàn lực lượng phải tiếp tục tăng cường giám sát, kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm những vi phạm trong kinh doanh xăng dầu, không có bất kỳ trường hợp ngoại lệ.
Cụ thể, lãnh đạo Tổng cục QLTT nhấn mạnh, toàn lực lượng nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo liên quan đến công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương và lực lượng chức năng tăng cường việc kiểm tra; Giám sát toàn bộ hệ thống thương nhân kinh doanh xăng dầu ở tất cả các loại hình (thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý, thương nhân nhận quyền bán lẻ, đại lý bán lẻ xăng dầu), yêu cầu các đơn vị hoạt động đúng với nội dung ghi trên Giấy xác nhận đủ điều kiện, thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu trên địa bàn.
Bên cạnh đó, tập trung việc giám sát các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang hoạt động trên địa bàn. Đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng hoạt động, tiến hành chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương kiểm tra để làm rõ nguyên nhân, lý do tạm ngưng, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm khắc mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; Thu hồi hoặc kiến nghị thu hồi giấy phép nếu vi phạm dù bất kể thương nhân ở loại hình nào; Thực hiện áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.