Tiêm nhanh vaccine mũi 2 - lối thoát duy nhất để 'rã băng' cho TP.HCM

Nếu tăng tốc tiêm mũi 2 và giả sử dịch được kiểm soát giữa tháng 9, TP.HCM có thể tính các bước nới lỏng. Giữa tháng 10, đa số hoạt động sản xuất, kinh doanh có khả năng hoạt động.
mo cua kinh te TP.HCM sau 15/9 anh 1

15/9 là cột mốc mà người dân và chính quyền TP.HCM đều hướng tới sau hơn 3 tháng giãn cách xã hội. Thành phố đặt mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, từng bước mở cửa lại nền kinh tế đã “đóng băng” nhiều tháng qua.

Chia sẻ với Zing, ông Nguyễn Xuân Thành (giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam) cho rằng lối ra duy nhất cho TP.HCM lúc này là vaccine mũi 2.

Luận điểm chính:
TP.HCM đang đối mặt với 4 thách thức trong chiến dịch tiêm vaccine mũi 2 để mở cửa lại nền kinh tế sau 15/9.Lực lượng tuyến đầu về phát triển kinh tế cầu ưu tiên tiêm vaccine mũi 2 gồm shipper, người lao động thuộc doanh nghiệp vận tải logistics; người lao động trong lĩnh vực dịch vụ - thương mại; người lao động trong 17 khu công nghiệp/khu chế xuất.TP.HCM nên giao vaccine cho doanh nghiệp tiêm để đẩy nhanh tiến độ.

Thách thức và điều kiện để nới lỏng nền kinh tế

- TP.HCM đã tiêm hơn 6 triệu liều vaccine, trong đó, số người đã tiêm mũi 2 mới trên 300.000. Theo ông, TP đứng trước những khó khăn gì trong triển khai tiêm vaccine mũi 2?

- Thách thức đầu tiên là TP.HCM vẫn chưa chủ động trong nguồn vaccine. Thành phố đã được ưu tiên phân bổ để tiêm mũi 1, nhưng nhiều địa phương khác trong vùng Đông Nam Bộ như Bình Dương, Đồng Nai, Long An thì tỷ lệ tiêm mũi 1 vẫn rất thấp. Do đó, thời gian tới, Bộ Y tế phải ưu tiên vaccine cho các tỉnh này.

Không chỉ thiếu chủ động về số lượng, TP.HCM cũng chưa thể chủ động về chủng loại. Trong khi đó, mỗi loại vaccine có đòi hỏi khác nhau về mũi tiêm thứ 2 để đảm bảo độ tương thích. Việc không chủ động loại vaccine là một thực tế cản trở thành phố khi tiêm nhanh mũi 2.

Thách thức thứ ba là hiện mức độ giãn cách xã hội của TP.HCM cao hơn so với giai đoạn tháng 7 và đầu tháng 8 - thời điểm tiêm mũi 1. Việc tổ chức tiêm mũi 2 khó khăn hơn trong bối cảnh giãn cách và có thể không đạt được tốc độ như mũi 1.

Thứ tư, thông tin tiêm mũi 1 vẫn chưa được nhập hết vào hệ thống quản lý dữ liệu chung. Nửa cuối tháng 6, đầu tháng 7, người dân được tiêm rất nhanh nhưng hầu hết mới chỉ có giấy chứng nhận, còn dữ liệu như số mũi tiêm, thời điểm, loại vaccine… vẫn chưa được cập nhật lên hệ thống. Điều này gây khó khăn cho việc kiểm soát tiêm mũi 2, dễ sai sót.

Tiến độ tiêm vaccine của TP.HCM từ 21/7 tới 30/8
Nguồn: Cổng thông tin Covid-19
Nhãn 21/7 22/7 23/7 26/7 27/7 28/7 29/7 30/7 31/7 1/8 2/8 3/8 4/8 5/8 6/8 7/8 8/8 9/8 10/8 11/8 12/8 13/8 14/8 15/8 16/8 17/8 18/8 19/8 20/8 21/8 22/8 23/8 24/8 25/8 26/8 27/8 28/8 29/8 30/8
Vaccine liều 15496 2502 23181 46753 54558 64162 70167 80205 91265 92645 113495 140281 159389 189306 219846 236411 221229 203881 219150 297301 276663 135201 86831 73829 91531 132951 130574 112064 106831 95516 61574 58817 37746 57982 51886 62349 39546 32603 30190

Kỳ vọng của TP.HCM là phải tiêm nhanh mũi 2 để chuẩn bị “sống chung với dịch” như yêu cầu của Thủ tướng, hoặc theo cách gọi của tôi là “sống chung với virus”. TP.HCM cũng như những nơi khác của Việt Nam hiện chỉ có một cửa ra, đó là mau chóng tiêm xong 2 mũi vaccine để “rã băng” nền kinh tế. Vậy nên dù 4 thách thức trên không nhỏ nhưng buộc phải vượt qua để tiêm vaccine.

Nếu bắt đầu tăng tốc tiêm mũi 2 ngay từ bây giờ, đến 15/9 TP có thể tiêm được 2 triệu liều để đạt tỷ lệ 30% dân số từ 18 tuổi trở lên và đến giữa tháng 10 thì đạt tỷ lệ 80%. Như vậy, giả sử dịch được kiểm soát vào giữa tháng 9, thành phố có thể bắt đầu tính các bước nới lỏng và đến giữa tháng 10, đa số hoạt động sản xuất, kinh doanh có khả năng hoạt động trở lại khi hầu hết người dân đã tiêm 2 mũi.

Shipper phải được ưu tiên vaccine mũi 2

- Để thực hiện hóa kế hoạch, chiến lược tiêm cần thực hiện như thế nào?

- Chiến lược tiêm mũi 2 vaccine phải gắn với việc giải quyết các thách thức nêu trên. Trong 5 đợt vaccine vừa qua, hơn 4,3 triệu liều AstraZeneca đã được tiêm, chiếm 72% tổng lượng vaccine. Còn 4 đợt đầu tiên hoàn toàn tiêm AstraZeneca (gần 950.000 liều), trong đó, hầu hết lao động ở khu công nghiệp đã tiêm mũi 1. Vậy thì chiến lược bây giờ là tiêm ngay vaccine AstraZeneca cho những người đã tiêm vaccine này trước 15/7.

TP đang đặt thứ tự ưu tiên mũi 2 cho nhóm người cao tuổi; người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, cho con bú; lực lượng tuyến đầu chống dịch (đa số đã tiêm đủ); và lực lượng tuyến đầu về phát triển kinh tế.

Trong đợt tiêm mũi 2 này, nếu đợi tiêm xong cho nhóm cao tuổi rồi mới tiêm cho các nhóm khác thì sẽ quá chậm trễ, phải tiêm song song tất cả nhóm ưu tiên.

mo cua kinh te TP.HCM sau 15/9 anh 2

Lực lượng shipper là một trong những nhóm đầu tiên cần ưu tiên tiêm mũi 2 để mở cửa lại nền kinh tế. Ảnh: Phạm Ngôn.

Theo thống kê, người trên 60 tuổi ở TP.HCM là 860.000. Chiến lược tiêm phải linh hoạt, nới lỏng cho người cao tuổi để có thể chích tại các điểm tiêm của phường, xã; hoặc tại nhà. Còn người có phản ứng với thuốc hoặc bệnh nền nghiêm trọng buộc phải tới bệnh viện thì chính quyền cấp phường/xã và các tổ chức xã hội cần hỗ trợ đưa họ đi tiêm.

Đối với nhóm xác định là lực lượng tuyến đầu về phát triển kinh tế, cần được hiểu là gồm cả các hoạt động đảm bảo nhu cầu cơ bản và an sinh xã hội.

Như vậy, vaccine mũi 2 cần được tiêm cho nhóm shipper, người lao động thuộc doanh nghiệp vận tải logistics; người lao động trong lĩnh vực dịch vụ - thương mại như tiểu thương, nhân viên bán hàng trong chợ, siêu thị, trung tâm mua sắm, giáo dục - đào tạo, tài chính - ngân hàng…; và người lao động trong 17 khu công nghiệp/khu chế xuất (KCN/KCX).

- Tại sao nên ưu tiên 3 nhóm lao động kinh tế này trước? Và nên tiêm cho họ thế nào để tối ưu hóa tốc độ?

- Vừa rồi, TP.HCM sau 7 ngày cấm shipper hoạt động ở 8 quận/huyện vùng đỏ thì đã phải cho phép hoạt động trở lại bởi thực tế cho thấy lực lượng của Nhà nước không đảm bảo được việc cung cấp lương thực, thực phẩm đến người dân. Tuy nhiên, shipper hiện mới được tiêm 1 mũi. Như vậy, nhóm này vẫn có khả năng nhiễm bệnh cao và cũng mang rủi ro lây lan ra cộng đồng, do đó phải tranh thủ 15 ngày giãn cách còn lại để tiêm luôn mũi 2 cho tất cả shipper.

Nhóm này về bản chất là lao động tự do, đăng ký hoạt động qua ứng dụng công nghệ của doanh nghiệp logistics. Do đó, để tiêm cho họ thì cần hợp tác với doanh nghiệp vận chuyển nhằm định danh.

mo cua kinh te TP.HCM sau 15/9 anh 3

Tiểu thương tại các chợ và nhân viên siêu thị cần được ưu tiên tiêm vaccine. Ảnh: Phương Lâm.

Về nhóm dịch vụ - thương mại, bước đầu tiên của nới lỏng giãn cách là cho người dân được đi siêu thị, đi chợ trở lại. Như vậy, lộ trình mở cửa là phải đảm bảo những người bán hàng và lao động hỗ trợ được tiêm 2 mũi vaccine.

Khi mới mở cửa, các chợ, siêu thị có thể bị hạn chế, chỉ hoạt động 30-40% công suất, sau đó tăng dần lên 50-70% tùy tiến độ tiêm vaccine. Đến khi phủ toàn bộ vaccine cho người bán hàng thì có thể hoàn toàn mở cửa lại 100%. Với nhóm này, chính quyền địa phương phải có tiêu chí ưu tiên rõ ràng và tạo điều kiện để họ đăng ký tiêm.

CHỈ SỐ SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP TP.HCM GIẢM SÂU
Nguồn: Cục Thống kê TP.HCM
Nhãn Tháng 1 Tháng 2 Tháng 3 Tháng 4 Tháng 5 Tháng 6 Tháng 7 Tháng 8
Năm 2021 % 34.5 6 3.8 9.7 7.4 5.9 2.3 -6.6
Năm 2020   -3.99 -2 -1 -2.7 -7.2 -3.2 -5.5 -5.4

Nhóm lao động trong KCN/KCX cần được hoạt động lại để hàn gắn đứt gãy trong chuỗi sản xuất, cung ứng. Đây là nhóm tiêm vaccine thuận lợi nhất do họ có tác phong sản xuất công nghiệp nên rất trật tự. Họ cũng là lao động chính thức có đăng ký nên dễ quản lý thông tin. Nhóm này trẻ tuổi, nên có thể triển khai tiêm rất nhanh, không mất quá nhiều thời gian sàng lọc y tế.

Có ý kiến cho rằng nhóm này trẻ, khỏe nên tiêm mũi 1 là đủ rồi. Bao giờ có rất nhiều vaccine thì mới tiêm mũi 2 cho họ. Nhưng nếu vậy thì chính quyền chắc sẽ bắt họ phải thực hiện "3 tại chỗ". Chi phí tăng thêm cho doanh nhiệp đã đành, Nhà nước không thể bắt người lao động xa gia đình trong thời gian dài được.

Số lượng lao động trong 17 KCN/KCX của TP cũng không quá lớn. Trước đợt dịch này, tổng số là 286.000 người, trong đó, số vẫn sản xuất theo "3 tại chỗ" là dưới 50.000. Vấn đề khó chỉ là những doanh nghiệp đã đóng cửa, không sản xuất thì phải làm sao gọi người lao động trở lại để tiêm.

- Với chiến lược tiêm vaccine như vậy, ông hình dung tiến trình mở cửa trở lại ra sao?

- Theo tôi, với viễn cảnh sống chung với virus SARS-CoV-2 thì điều kiện để mở cửa lại là tiêm đủ 2 mũi vaccine. Như vậy, số ca lây nhiễm cộng đồng ở mức độ mà hệ thống y tế có thể chịu đựng được và giảm tỷ lệ tử vong xuống mức thấp như nhiều nước đã tiêm phủ vaccine.

Với viễn cảnh sống chung với virus SARS-CoV-2 thì điều kiện để mở cửa lại là tiêm đủ 2 mũi vaccine

Ông Nguyễn Xuân Thành

Mở đầu tiên là cho nhóm shipper nội thành và vận tải, logistics. Việc vận chuyển hàng thiết yếu luồng xanh có thể bỏ, chỉ cần yêu cầu tài xế, nhân viên được tiêm 2 mũi vaccine và thường xuyên xét nghiệm định kỳ. Như vậy, họ có thể vận chuyển hàng hóa, đi lại bình thường, không cần cấp giấy phép.

Khi nhân viên chợ, siêu thị đã được tiêm 1 mũi cũng có thể mở cửa. Bài học kinh nghiệm từ Đà Nẵng là giới hạn hoạt động chợ trong khoảng 30-50% và tăng dần khi phủ vaccine cho toàn bộ người bán hàng.

Nếu trong tháng 9 tiêm hết cho nhóm nhân viên chợ, siêu thị, tiểu thương thì sau 2 tuần, tức giữa tháng 10, các chợ, siêu thị có thể hoạt động lại bình thường mà không cần giới hạn công suất. Tuy nhiên, vẫn phải tuân thủ quy định 5K.

Việc xét nghiệm thường xuyên cho các shipper, người bán hàng phải được duy trì để chủ động phát hiện nguy cơ lây nhiễm trước khi hình thành ổ dịch mới. TP cần hỗ trợ toàn bộ chi phí xét nghiệm cho những người lao động này.

mo cua kinh te TP.HCM sau 15/9 anh 4

Người lao động trong khu công nghiệp cần được ưu tiên tiêm vaccine mũi 2 sớm để hàn gắn đứt gãy trong chuỗi sản xuất. Ảnh: Phạm Ngôn.

Để mở cửa cho các KCN/KCX, chiến lược tiêm vaccine cho nhóm này là tiêm cuốn chiếu chứ không tiêm lỗ chỗ, cứ tiêm nhưng không nơi nào đạt tỷ lệ phủ kín thì không nơi nào mở cửa được. Khu công nghiệp nào mà lao động đã tiêm 2 mũi thì sau 2 tuần có thể dỡ bỏ yêu cầu bắt buộc “3 tại chỗ” và “1 cung đường - 2 điểm đến”.

Đương nhiên, tiêm 2 mũi vẫn có thể bị lây nhiễm trong cộng đồng khi về nhà. Nếu tình hình dịch vẫn phức tạp và cân đối giữa lợi ích - rủi ro thì người lao động tiêm đủ 2 mũi có thể cho về nhà, nhưng đi kèm điều kiện hạn chế đi lại, có thể áp dụng quy định như với F1, tức là chỉ ở trong nhà và ra ngoài để đi làm tại KCN/KCX.

Dù kiểm soát tốt thế nào, ca dương tính vẫn có khả năng xuất hiện ở nhóm lao động đã tiêm 2 mũi. Nếu bắt doanh nghiệp ngừng hoạt động khi có F0 rồi mất nhiều thời gian mới mở lại thì không doanh nghiệp nào có thể yên tâm sản xuất.

Cứ tiêm lỗ chỗ nhưng không nơi nào đạt tỷ lệ phủ kín thì không nơi nào mở cửa được

Ông Nguyễn Xuân Thành

Chúng ta nói nhiều đến cụm từ “bình thường mới”. Ngay từ bây giờ, thành phố phải cùng Trung ương xây dựng và ban hành một bộ hướng dẫn tổ chức sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường mới khi đạt lộ trình 2 mũi vaccine. Các hướng dẫn phải là phát hiện ca mắc Covid-19 ở khâu sản xuất nào thì xử lý ở đó theo các bước đúng quy định; những khâu khác của doanh nghiệp sản xuất bình thường.

Cần lưu ý là để mở cửa lại nền kinh tế, lưu thông hàng hóa thì tiêm vaccine cho người dân không chỉ là chiến lược tại TP.HCM mà là chiến lược vùng Đông Nam Bộ. Các nhóm cần được ưu tiên tiêm tại TP.HCM để mở cửa nền kinh tế đồng thời là nhóm nên ưu tiên tại Bình Dương, Đồng Nai, Long An.

Giao vaccine cho doanh nghiệp để đẩy nhanh tốc độ tiêm

- Chỉ còn 2 tuần giãn cách nữa là tới 15/9, nếu bây giờ TP.HCM tiêm ngay cho các nhóm ưu tiên kể trên thì việc mở cửa kinh tế vào cột mốc cũng vẫn không kịp. Ông gợi ý giải pháp gì đẩy nhanh tốc độ?

- Đáng lẽ ra chúng ta phải làm từ 23/8, nhưng do thành phố chưa được cấp thêm vaccine nên thời gian tới, khi có thêm vaccine, thành phố cần triển khai ngay.

Một trong những giải pháp để đẩy nhanh tiến độ là TP.HCM chủ động giao vaccine cho doanh nghiệp tự tổ chức tiêm. Doanh nghiệp có lực lượng lao động lớn, với áp lực tiêm vaccine để trở lại sản xuất bình thường, họ sẽ có giải pháp khuyến khích tiêm tốt hơn.

Nếu đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì TP.HCM sẽ cần đến 3,3 triệu liều vaccine AstraZeneca hoặc Pfizer từ nay cho đến 15/10, và phải tiêm 1 triệu liều Vero Cell từ nay cho đến cuối tháng 9.

Để đẩy nhanh tiến độ, Việt Nam nên có chính sách tiêm trộn thoáng hơn. Các nước châu Âu cũng khuyến khích tiêm mũi 2 là Pfizer hoặc Moderna cho người đã tiêm mũi 1 là AstraZenneca. Nhiều nước Đông Nam Á đã tiêm vaccine Vero Cell nhưng khi có nguồn vaccine khác thì họ tiếp tục tiêm trộn mũi 2, thậm chí mũi 3 cho người dân nếu tương thích.

Việc tiêm trộn giúp đẩy nhanh tiến độ tiêm và cũng giải quyết được phần nào tâm lý lựa chọn vaccine.