'Tiếp sức' cho Tây Bắc bằng chuỗi dự án xanh của tập đoàn TH

Một nhà máy chế biến trái cây rất hiện đại vừa được Tập đoàn TH khánh thành hôm nay 20-9 tại Sơn La.

 

Tiếp sức cho Tây Bắc bằng chuỗi dự án xanh của TH - Ảnh 1.

Bà Tòng Thị Phóng - Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội cùng ông Phan Đình Trạc - Trưởng ban Nội chính Trung ương và bà Thái Hương - Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH đi thăm dây chuyền công nghệ của Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ tại sự kiện khánh thành sáng nay 20-9 - Ảnh: TH

Sau gần 2 năm xây dựng, hôm nay 20-9, Nhà máy Chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ được khánh thành tại huyện Vân Hồ - tỉnh Sơn La.

Đây là một dự án rất đáng chú ý, bởi mới cách đây 3 năm, tỉnh Sơn La trao cho Tập đoàn TH quyết định chủ trương và cam kết đầu tư và kết quả là "chuỗi dự án xanh", tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 1.200 tỉ đồng, giai đoạn 2 sẽ nâng lên 3.500 tỉ đồng đã thành hình thành dáng chỉ sau vỏn vẹn có 3 năm.

Chuỗi dự án xanh tiếp sức cho Tây Bắc

Phát biểu tại lễ khánh thành nhà máy sáng nay, ông Nguyễn Hữu Đông - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Sơn La rất hào hứng với chuỗi dự án xanh của Tập đoàn TH, gồm dự án phát triển rau củ quả và dược liệu Sơn La, cùng nhà máy Chế biến hoa quả tươi và thảo dược Sơn La.

Bởi chưa bao giờ tỉnh có một chuỗi khép kín, gồm trồng trọt các loài cây ăn quả có giá trị kinh tế, người tiêu dùng ưa chuộng và có nhà máy chế biến bao tiêu ngay sản phẩm, tránh tình trạng "được mùa mất giá", phải giải cứu nông sản diễn ra ở nhiều nơi.

Là một vùng trồng cây ăn quả mới nổi lên gần đây, nhưng Sơn La đã có đến 16 loại sản phẩm xuất khẩu đi 15 quốc gia trên thế giới, sản phẩm nông sản Sơn La như xoài, nhãn, chanh dây… cũng đã có mặt ở các hệ thống siêu thị uy tín. Nhưng muốn mở rộng thêm sản xuất, tăng thu nhập cho người trồng thì như thế vẫn là chưa đủ.

Năm 2017, UBND tỉnh Sơn La đã trao quyết định chủ trương và cam kết đầu tư cho 47 dự án, trong số này có 2 dự án kể trên, đều do Tập đoàn TH thực hiện.

Ngay sau khi nhận quyết định, Tập đoàn TH đã triển khai xây dựng nhà máy tại huyện Vân Hồ, một vùng đất còn hoang sơ nhưng khí hậu rất tốt, gần kề ngay vùng nguyên liệu do bà con người Mông, Kinh và các dân tộc anh em ở Vân Hồ trồng theo đúng quy trình nuôi trồng và thu hái sạch, sản phẩm sau thu hái được vận chuyển về nhà máy để sản xuất ra các loại đồ uống và trái cây chế biến bổ dưỡng, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

So với các đơn vị cùng đầu tư vào nông nghiệp khác, TH rất có kinh nghiệm bởi doanh nghiệp này đã có nhiều năm đầu tư vào chuỗi dự án khép kíp chăn nuôi - trồng trọt và chế biến, tại nhiều vùng nông nghiệp lớn của cả nước (Nghệ An, Lâm Đồng, Thái Bình, gần đây là Sơn La và Kon Tum).

Không những thế, TH còn đầu tư dự án chăn nuôi và chế biến sữa tại Nga, với các chuyên gia từ Việt Nam sang hỗ trợ dự án mới tại Nga, cho thấy những kinh nghiệm quản lý nhà máy lớn, hiện đại của Việt Nam đã được áp dụng rất tốt tại Nga. Giờ đây, những kinh nghiệm ấy được áp dụng tại Sơn La, vùng Tây Bắc giàu tiềm năng và đang đi đúng hướng trong nông nghiệp công nghệ cao.

Tiếp sức cho Tây Bắc bằng chuỗi dự án xanh của TH - Ảnh 2.

Bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH bày tỏ cam kết trước tỉnh và người dân tại lễ Khánh thành Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ - Ảnh: TH

Phát biểu tại lễ khánh thành nhà máy, bà Thái Hương (Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH) cũng bày tỏ quyết tâm và cam kết trước lãnh đạo và người dân Sơn La: "Tôi cam kết rằng, với nỗ lực của chúng tôi, một khi đã vượt qua được những khó khăn và đạt thành công như dự án sữa ở Nghệ An, thì không có bất cứ một nơi nào trên đất nước Việt Nam hay trên thế giới mà chúng tôi không thành công về nông nghiệp công nghệ cao. Đó là bởi khoa học quản trị, khoa học công nghệ cao của thế giới chúng tôi đều đã nắm trọn trong tay".

Hy vọng cho ngày mai

Tổng mức đầu tư cho giai đoạn 1 của dự án này là 1.200 tỉ đồng, công suất chế biến 300 tấn rau quả/ngày. Nhưng Tập đoàn TH cũng đã có kế hoạch nâng mức đầu tư giai đoạn 2 lên 3.500 tỉ đồng, cho thấy tập đoàn rất tin tưởng khả năng điều phối, xây dựng vùng nguyên liệu ở Sơn La.

Đây cũng là hy vọng về đầu ra cho các loại trái cây ngon của Sơn La như cam, chanh leo, sơn tra, nhãn, xoài…, tạo điều kiện cho các hộ gia đình, hợp tác xã kết nối chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững.

Tiếp sức cho Tây Bắc bằng chuỗi dự án xanh của TH - Ảnh 3.

Những vườn cam bạt ngàn của người dân các vùng xung quanh Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Sơn La - nguồn nguyên liệu tại chỗ của Nhà máy - Ảnh: TH

Dự án rất hay và là bài học cho nhiều vùng nông nghiệp muốn đầu tư sản xuất lớn. Ít ai biết rằng nhà máy này được hoàn thành trong thời gian rất nhanh chóng, chỉ 2,5 năm, trong khi thời gian xây dựng gặp rất nhiều khó khăn: địa hình phức tạp, ngập úng, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến chuyên gia nước ngoài không vào lắp đặt thiết bị được trong giai đoạn hoàn thiện nhà máy…

 "Đây là một điểm sáng trong thu hút đầu tư của tỉnh Sơn La về tiến độ triển khai, hỗ trợ hạ tầng phục vụ nhà máy, công nghệ sản xuất hiện đại nhất trong các nhà máy trên địa bàn, liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với hộ dân..." - ông Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Sơn La, nhận định.

Chính vì thế, tại lễ khánh thành nhà máy, lãnh đạo tỉnh Sơn La rất mong muốn mời bà Thái Hương và Tập đoàn TH sớm đầu tư thêm vào Sơn La. 

Tập đoàn TH là doanh nghiệp rất mạnh về đầu tư cho nông nghiệp. Việt Nam có gần 100 triệu dân và cũng là quốc gia mạnh về nông nghiệp, nhưng giờ đây muốn làm nông nghiệp công nghệ cao 4.0, trồng và chế biến sạch phục vụ nhu cầu của người dùng thì rất cần những nhà đầu tư có kinh nghiệm như TH.

Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ sử dụng công nghệ trích ly hoàn toàn tự động và công nghệ chế biến áp suất cao HPP.

Quá trình chế biến sản phẩm sử dụng áp suất cao, chứ hoàn toàn không dùng nhiệt, bởi vậy sẽ lưu giữ được tối đa màu sắc, hương vị thơm ngon và giá trị dinh dưỡng của rau củ, trái cây mà vẫn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đây cũng là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam chế biến sản phẩm cam, nhãn cô đặc, trên dây chuyền hiện đại hàng đầu thế giới của các hãng Rieckermann (Đức) và Bertuzzi (Italia).