Tiếp tục chương trình cho vay ưu đãi với 5 nhóm doanh nghiệp tại TPHCM

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM sẽ tiếp tục thực hiện chương trình cho vay ưu đãi để hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực được ưu tiên, gồm xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Mức lãi suất tối đa khi vay theo chương trình này là 5,5%/năm.

doanh-nghiep-thuoc-5-linh-vuc-duoc-uu-tien-gom-xuat-khau-nong-nghiep-nong-thon-cong-nghiep-ho-tro-doanh-nghiep-nho-va-vua-va-doanh-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao-se-tiep-tuc-duoc-vay-von-uu-dai-1672373944.jpgDoanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực được ưu tiên, gồm xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ tiếp tục được vay vốn ưu đãi. Ảnh minh họa: Trung Chánh

Ngày 28-12 tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2023, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đạt khoảng 13%, trong khi đó huy động vốn chỉ tăng 6%. Như vậy, room tín dụng năm 2022 vẫn dư thừa 1%, chưa kể room tín dụng được nới thêm.

Theo ông Tú, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành thận trọng, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Cơ quan này cũng sẽ điều tiết tiền tệ hợp lý, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng. Cổng thông tin Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, huy động vốn trên địa bàn TPHCM năm 2022 tăng khoảng 6%, dư nợ tín dụng tăng khoảng 14% trong đó lĩnh vực sản xuất kinh doanh chiếm 68-70% tổng dư nợ tín dụng tại TPHCM.

Dư nợ của chương trình cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên trên địa bàn TPHCM với mức lãi suất tối đa 5,5%/năm đang đạt khoảng 200.000 tỉ đồng.

Các lĩnh vực ưu tiên bao gồm xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khoảng 70% tổng dư nợ của chương trình cho vay ưu đãi này.

Theo TTXVN, chương trình vay ưu đãi vừa kể trên là chương trình cho vay ngắn hạn, với kỳ hạn 3-6 tháng. Doanh nghiệp phải đáp ứng nhiều tiêu chí như minh bạch về sổ sách, các số liệu tài chính được kiểm toán, kinh doanh có hiệu quả và có lợi nhuận trong 3 năm liền kề trước thời điểm vay vốn mới được vay vốn. Vì vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận mức lãi suất ưu đãi 5,5%/năm.

Tuy nhiên, đây là chương trình mang lại hiệu qua lớn. Dư nợ 200.000 tỉ đồng tương đương với việc các doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên tại TPHCM tiếp cận được tối đa 800.000 tỉ đồng tín dụng ưu đãi của năm 2022. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM sẽ tiếp tục duy trì chương trình cho vay ưu đãi để hỗ trợ các doanh nghiệp thành phố trong năm 2023.