Tiếp vụ Nhà đất công nghìn tỷ “thần tốc” về tay tư nhân: Được mua chỉ định “đất vàng” lại trở thành bên đi thuê, ai hưởng lợi?

Được mua chỉ định khu đất công 168 Nguyễn Đình Chiểu (phường 6, quận 3, TP Hồ Chí Minh) để phát triển mạng lưới bán lẻ theo chính sách hỗ trợ từ UBND TP Hồ Chí Minh và Văn phòng Chính phủ. Tuy nhiên, sau đó Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh (Sai Gon Co.op) bất ngờ trở thành đơn vị đi thuê, thay vì là chủ sử dụng đối với khu đất và công trình tại địa chỉ này.

Như đã thông tin trước đó, dựa trên Công văn số 4281/UBND-TM ngày 30/08/2010 của UBND TP Hồ Chí Minh và Công văn số 6643/VPCP-KNTN ngày 20/09/2010 của Văn phòng Chính phủ cho phép, Sai Gon Co.op được tạo cơ chế để mua chỉ định tài sản là khu đất 168 Nguyễn Đình Chiểu (phường 6, quận 3, TP Hồ Chí Minh), với mục đích phục vụ nhu cầu ổn định và phát triển mạng lưới Siêu thị Co.opMart.

Đến ngày 08/01/2011, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh chính thức cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số CT05047 cho Sai Gon Co.op.

Tuy nhiên, 3 ngày trước khi UBND TP Hồ Chí Minh ban hành Công văn số 4281/UBND-TM, và 23 ngày trước khi Văn phòng Chính phủ Công văn số 6643/VPCP-KNTN, thì ngày 27/08/2010 Công ty Cổ phần Đầu tư Phúc Thịnh đã được thành lập với vốn điều lệ 600 tỷ đồng. Trong đó, Sai Gon Co.op góp vốn bằng quyền sử dụng, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ 168 Nguyễn Đình Chiểu.

Cụ thể, căn cứ theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu của Công ty Cổ phần Đầu tư Phúc Thịnh, Sai Gon Co.op chiếm 40% cổ phần, với giá trị cổ phần tương ứng là 240 tỷ đồng.

Tiếp vụ Nhà đất công nghìn tỷ “thần tốc” về tay tư nhân: Được mua chỉ định “đất vàng” lại trở thành bên đi thuê, ai hưởng lợi?

Khu đất 168 Nguyễn Đình Chiểu đang được Sai Gon Co.op thuê lại và kinh doanh siêu thị Co.op Mart. (Ảnh: Tiểu Thuý).

Theo tìm hiểu của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, tiền thân của khu đất 168 Nguyễn Đình Chiểu là tài sản trong vụ án Epco - Minh Phụng được tạm giao cho Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) chi nhánh TP Hồ Chí Minh xử lý thu hồi nợ.

Với lợi thế hai mặt tiền, lại rộng đến 4.528 m2, từ năm 2001, khuôn viên này được Sai Gon Co.op thuê mở siêu thị bán lẻ, gọi tắt là Co.op Mart Nguyễn Đình Chiểu.

Đến năm 2005, Sai Gon Co.op xin Chính phủ và UBND TP Hồ Chí Minh bán chỉ định mặt bằng này. Và đến năm 2007, UBND TP đã kiến nghị Thủ tướng cho phép Sài Gòn Co.op mua chỉ định khu đất trên.

Như đã đề cập ở trên, 3 năm sau, tức năm 2010, Chính phủ và UBND TP mới chính thức ban hành công văn cho phép Sai Gon Co.op được mua chỉ định khu đất 168 Nguyễn Đình Chiểu, nhằm phục vụ nhu cầu ổn định và phát triển mạng lưới Siêu thị Co.opMart.

Quá trình mua chỉ định hoàn thành vào ngày 08/01/2011, khi Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số CT05047 cho Sai Gon Co.op. Cứ tưởng, từ thời điểm này Sai Gon Co.op sẽ chính thức kết thúc hành trình trả tiền thuê khu đất 168 Nguyễn Đình Chiểu vốn đã kéo dài trước đó từ năm 2001.

Song, thật bất ngờ, chỉ hơn 2 tháng sau vào ngày 25/03/2011, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh lại cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số CT06150 cho Công ty Cổ phần Đầu tư Phúc Thịnh. Chính thức “dịch chuyển” quyền sử dụng khu đất 168 Nguyễn Đình Chiểu từ Sai Gon Co.op sang cho Công ty Cổ phần Đầu tư Phúc Thịnh.

TP Hồ Chí Minh: Nhà đất công nghìn tỷ “thần tốc” về tay tư nhân với giá bèo bọt?

TP Hồ Chí Minh: Nhà đất công nghìn tỷ “thần tốc” về tay tư nhân với giá bèo bọt?
Nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện để phục vụ nhu cầu ổn định và phát triển mạng lưới Siêu thị Co.opMart, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh được Nhà nước tạo cơ chế mua chỉ định khu đất công 168 Nguyễn Đình Chiểu (phường 6, quận 3, TP Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, sau khi hoàn tất và đứng tên thì khu đất này đã “thần tốc” được đổi tên người sử dụng là Công ty Cổ phần Đầu tư Phúc Thịnh thông qua việc góp vốn hình thành pháp nhân mới.

Theo ghi nhận, trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp cho pháp nhân mới là Công ty Cổ phần Đầu tư Phúc Thịnh, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh ghi chú: “Giấy chứng nhận này được cấp do góp vốn hình thành pháp nhân mới theo hồ sơ số 1049 để thay thế Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số CT05047 do Sở Tài nguyên và Môi trường cấp ngày 08/01/2011”.

Như vậy, kể từ ngày 25/03/2011, toàn bộ quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với quyền sử dụng đất đã được Sai Gon Co.op góp vốn là khu đất 168 Nguyễn Đình Chiểu thuộc về Công ty Cổ phần Đầu tư Phúc Thịnh. Điều này cũng đồng nghĩa, trong gần 12 năm tính từ thời điểm ngày 25/03/2011 đến nay, Sai Gon Co.op phải trả tiền thuê đất và công trình (trên chính khu đất mà đơn vi này được tạo điều kiện mua chỉ định) để phục vụ hoạt động kinh doanh siêu thị Co.op Mart Nguyễn Đình Chiểu, thay vì là chủ sử dụng đối với khu đất theo đúng chính sách và mục đích hỗ trợ ban đầu của UBND TP Hồ Chí Minh và Văn phòng Chính phủ.

Sau khi chính thức đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (số 168 Nguyễn Đình Chiểu, phường 6, quận 3, TP Hồ Chí Minh), Công ty Cổ phần Đầu tư Phúc Thịnh đã đem tài sản này đi thế chấp nhiều lần ở nhiều ngân hàng để đảm bảo cho các khoản vay của bên thứ 3.

Đến đây có thể thấy, sau khi được mua chỉ định thành công, Sai Gon Co.op đã dùng chính khu đất 168 Nguyễn Đình Chiểu này để góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư Phúc Thịnh, giá trị của mức góp vốn là 240 tỷ đồng. Để rồi, Sai Gon Co.op từ bên được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong việc mua chỉ định và đứng tên chủ sử dụng, lại trở thành đơn vị khai thác, sử dụng với tư cách chỉ là bên đi thuê lại tài sản mà chính doanh nghiệp này đã mua.

Trong khi đó, sau khi tài sản về tay thông qua phương thức góp vốn thành lập pháp nhân, Công ty Cổ phần Đầu tư Phúc Thịnh được toàn quyền dùng chính tài sản là khu đất 168 Nguyễn Đình Chiểu mang đi thế chấp, đảm bảo khoản vay cho một pháp nhân khác.

Điều này đặt ra các câu hỏi lớn: có hay không việc các bên hợp tác “phù phép khu đất vàng” bằng phương thức góp vốn “giá bèo” cho doanh nghiệp tư. Từ đó, hưởng lợi khổng lồ trên tài sản này? và chính sách hỗ trợ của Nhà nước (UBND TP và Văn phòng Chính phủ, theo các công văn đề cập trên) đã bị “vô hiệu hóa” ngay sau đó chỉ hơn 2,5 tháng?

Như vậy, liệu các cơ quan đã chấp thuận cho Sai Gon Co.op được hưởng chính sách hỗ trợ có theo dõi, giám sát tài sản là khu đất 168 Nguyễn Đình Chiểu được khai thác, sử dụng đúng với mục đích ban đầu đã phê duyệt hay không?

Liên quan đến khu đất 168 Nguyễn Đình Chiểu, tháng 11/2007, UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ bán chỉ định khu đất này cho Sài Gòn Co.op với giá 213,44 tỷ đồng. Ngày 12/12/2007, chủ trương này được chấp thuận với điều kiện phải bán chỉ định với mức giá hơn 503 tỷ đồng.

Đến tháng 8/2008, Công ty Cổ phần thông tin và thẩm định giá miền Nam (SIVC) định giá 503 tỷ đồng với tiêu chí sát giá thị trường, theo yêu cầu của Bộ Tư pháp.

Tuy nhiên, tháng 9/2008, bà Nguyễn Thị Hạnh - Tổng Giám đốc Sai Gon Co.op (thời điểm đó) dù có văn bản khẳng định sẽ mua khu đất. Thế nhưng Sai Gon Co.op cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét lại chứng thư thẩm định giá khu đất này. Lý do Sai Gon Co.op đưa ra là chứng thư thẩm định giá khu đất hơn 503 tỷ đồng là chưa sát thực tế, chỉ là giả định, không biết dựa trên văn bản pháp lý nào.

Tuy nhiên, lập luận này không nhận được sự đồng thuận của Thi hành án dân sự TP, vì theo một chấp hành viên trực tiếp theo dõi quá trình thi hành vụ án Epco-Minh Phụng, nếu đấu giá công khai thì khu đất này sẽ có giá gấp ba lần so với mức giá 503 tỷ đồng (khoảng 1.500 tỷ đồng).

Thậm chí, một số chuyên gia bất động sản còn nhận định mức giá 503 tỷ đồng vẫn là khá “ưu ái”, vì tính ra chỉ khoảng 120 triệu đồng/m2 trong khi thực tế khu này (ở thời điểm năm 2008) có thể ở mức giá trên 200 triệu đồng/m2.