Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình nợ gần 900 tỷ đồng tiền thuế
Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (KLHTTQG) tiếp tục nhận được công văn của Chi cục thuế quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) thông báo số tiền nợ thuế của đơn vị này.
Cụ thể, căn cứ dữ liệu tại cơ quan thuế, KLHTTQG chưa nộp đủ số tiền thuế nợ, với tổng số tiền thuế nợ chưa nộp ngân sách nhà nước tính đến ngày 31/7/2022 là hơn 855 tỷ đồng.
Khoản tiền này bao gồm tiền thuế và các khoản thu khác tính đến ngày 31/7/2022 là gần 480 tỷ đồng; Số tiền chậm nộp là gần 376 tỷ đồng. Trong đó, số tiền thuế nợ phát sinh trong tháng 7/2022 là gần 11,7 tỷ đồng. Số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế nợ thuế là hơn 839 tỷ đồng.
Do đó, cơ quan thuế đề nghị KLHTTQG nộp ngay số tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước.
Thêm 11 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đủ điều kiện vay gói hỗ trợ lãi suất 2%
Bộ Xây dựng vừa có công văn 3311/BXD-QLN gửi Ngân hàng Nhà nước về việc tổng hợp danh mục dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ (đợt 2) đủ điều kiện vay gói hỗ trợ lãi suất 2% theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP.
Bộ Xây dựng cho biết, 11 dự án được xét duyệt vay vốn ưu đãi đợt 2 là những dự án thuộc địa bàn Tp.HCM và tỉnh Bình Định, với quy mô 7.904 căn hộ, tổng mức đầu tư 9.646 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn theo đề xuất của các địa phương khoảng 4.345 tỷ đồng.
Cụ thể, trong danh sách, có 7 dự án nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân đủ điều kiện vay vốn hỗ trợ lãi suất 2% gồm: Dự án nhà ở xã hội thuộc dự án Khu nhà ở phường Long Trường, TP Thủ Đức; Dự án nhà ở xã hội Lý Thường Kiệt tại số 324 Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10; Dự án nhà ở xã hội phục vụ cho công nhân thuê tại Cụm công nghiệp quận 2, phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức; Dự án nhà ở xã hội Tân Đại Minh, phường Quang Trung, TP Quy Nhơn; Dự án nhà ở xã hội Ecohome Nhơn Bình, phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn; Dự án Khu chung cư nhà ở xã hội An Phú Thịnh, Khu đô thị mới An Phú Thịnh, TP Quy Nhơn; Dự án Khu chung cư nhà ở xã hội tại Khu đô thị Bắc sông Hà Thanh, phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn.
Bên cạnh đó, có 4 dự án cải tạo chung cư cũ đủ điều kiện vay vốn hỗ trợ lãi suất 2% gồm: Dự án chung cư mới thay thế chung cư cũ tại số 23 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1 (từ 81 căn hộ được xây dựng mới lên thành 160 căn hộ, tổng mức đầu tư 696 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn theo đề xuất của UBND Tp.HCM là 557 tỷ đồng); Dự án xây dựng mới chung cư cũ tại số 128 Hai Bà Trưng, phường Đa Cao, quận 1 (từ 97 căn hộ được xây dựng mới lên thành 146 căn hộ, tổng mức đầu tư 700,4 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn theo đề xuất của UBND Tp.HCM là 500 tỷ đồng); Dự án xây dựng mới chung cư cũ tại số 350 đường Hoàng Văn Thụ, phường 4, quận Tân Bình (từ 157 căn hộ được xây dựng mới lên thành 500 căn hộ, tổng mức đầu tư 830 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn theo đề xuất của UBND Tp.HCM là 610 tỷ đồng).
Quảng Ngãi huy động trên 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở
Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi vừa ban hành Quyết định số 82/QĐ-UBND về việc phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050 nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở, cải thiện điều kiện ở, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và an sinh xã hội.
Cụ thể, tỉnh Quảng Ngãi dự kiến phát triển 9.764.000m2 sàn nhà ở nâng tổng diện tích sàn nhà ở lên 49.830.000m2 sàn đến năm 2030. Diện tích bình quân đầu người toàn tỉnh phấn đấu đạt 33m2/sàn/người; trong đó, khu vực đô thị 37m2/sàn/người, khu vực nông thôn 27m2/sàn/người; nâng tỷ lệ nhà ở kiên cố và bán kiên cố đạt 98,5%, hạn chế phát sinh nhà ở thiếu kiên cố, cơ bản xóa nhà ở đơn sơ.
Giai đoạn 2021-2030, tỉnh Quảng Ngãi dự kiến giao 2.157ha đất cho chủ đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại, khu đô thị, 31,89 ha xây dựng nhà ở xã hội và 255 ha đất tái định cư. Tổng nguồn vốn cần huy động để hoàn thiện xây dựng nhà ở tỉnh Quảng Ngãi cả giai đoạn 2021-2030 là hơn 120.000 tỷ đồng.
Để phát triển nhà ở, tỉnh Quảng Ngãi sẽ đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường các biện pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị. Đồng thời, xây dựng chính sách ưu đãi phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện thực tế để thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là các dự án nhà ở xã hội cho công nhân ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp…
UBND tỉnh Quảng Ngãi giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm và 5 năm; xây dựng quản lý thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản để người dân và doanh nghiệp nắm bắt thông tin, thực hiện đúng quy định của pháp luật về kinh doanh nhà và bất động sản; xây dựng tiêu chuẩn, đối tượng được mua, thuê nhà ở xã hội.../.
Giải quyết dứt điểm các dự án của Tập đoàn FLC và đối tác tại Quảng Ngãi
Sau nhiều năm được cấp phép đầu tư, các dự án của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC cùng nhiều đối tác tại tỉnh Quảng Ngãi không triển khai mà bỏ hoang kéo dài. Hiện ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi và nhà đầu tư đang nỗ lực giải quyết dứt điểm không để tình trạng dự án 'treo' vùng ven biển dàn trải gây lãng phí nhiều năm qua.
Trong hai năm 2018-2019, tỉnh Quảng Ngãi đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho Công ty cổ phần Tập đoàn FLC chín dự án về đô thị, dịch vụ, du lịch sinh thái. Trong đó, bốn dự án khu đô thị rộng 165ha, với tổng vốn đăng ký 9.200 tỷ đồng; năm dự án du lịch sinh thái với 81ha với tổng vốn đăng ký hơn 8.900 tỷ đồng. Ðồng thời, tỉnh thành lập tổ liên ngành để hỗ trợ Tập đoàn FLC trong quá trình thực hiện. Những dự án du lịch, dịch vụ mới mở ra kỳ vọng mới cho vùng đất gò đồi ven biển khu kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn.
Thực tế các dự án tại Quảng Ngãi, Tập đoàn FLC không thực hiện dự án độc lập mà liên kết với sáu nhà đầu tư khác. Trong chín dự án, có đến sáu dự án Tập đoàn FLC liên kết với Công ty TNHH Ðầu tư và Phát triển Bright Future, Công ty TNHH Ðầu tư và Phát triển Eden Garden, Công ty cổ phần Ðầu tư và Kinh doanh bất động sản An Lộc, Công ty cổ phần Ðầu tư phát triển quốc tế Ðại Phát để thực hiện.
Sau khi được cấp quyết định chủ trương đầu tư, Tập đoàn FLC đã tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng. Theo Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi, Tập đoàn FLC đã bồi thường, chi trả tiền cho người dân trên diện tích khoảng 2,3ha, thuộc hai dự án Khu đô thị Vạn Tường 7 và Khu đô thị Vạn Tường 8; tổng chi phí bồi thường và các chi phí khác là 73 tỷ đồng. Ðến nay, nhà đầu tư được giao 20,6ha nhưng vẫn chưa thi công.
Ông Nguyễn Phạm Trọng Nghĩa, Phó Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi cho hay, đơn vị đang phối hợp sở, ngành làm việc với Tập đoàn FLC theo hướng chấm dứt hoạt động các dự án. “Chúng tôi động viên chủ đầu tư tự nguyện chấm dứt dự án, trả lại hiện trạng đất dịch vụ, thương mại đã được giao để làm cơ sở thực hiện thủ tục đấu thầu theo quy định của pháp luật”, ông Nghĩa nói.
Ðể giải quyết dứt điểm các dự án đang đầu tư dở dang tại Khu kinh tế Dung Quất, đại điện Tập đoàn FLC thay mặt liên danh các nhà đầu tư thống nhất sẽ có văn bản chấm dứt hoạt động các dự án và trả lại phần diện tích đất đã được giao để tổ chức lễ khởi công nhưng có điều kiện là phải xem xét, hoàn trả chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng mà các nhà đầu tư đã ứng để thực hiện dự án. Ðồng thời, nhà đầu tư thực hiện hồ sơ đề xuất đầu tư dự án cùng với các điều kiện về đấu nối hạ tầng bên ngoài dự án.
Như vậy, sau hơn ba năm Tập đoàn FLC và các nhà đầu tư triển khai đầu tư chín dự án trên diện tích 246ha, với tổng vốn đăng ký 18 nghìn tỷ đồng, đến nay các dự án vẫn dở dang. Quảng Ngãi yêu cầu Tập đoàn FLC cùng các nhà đầu tư đang được tháo gỡ, phù hợp quy định của pháp luật, chấm dứt tình trạng dự án “treo” kéo dài gây lãng phí như hiện nay.
Sở Xây dựng Hưng Yên “điểm danh" hàng loạt dự án chậm tiến độ
Mới đây, Sở Xây dựng Hưng Yên đã công bố hàng loạt dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh chậm triển khai và phải điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Cụ thể, trên địa bàn TP. Hưng Yên có 7 dự án nhà ở, khu đô thị mới, thị xã Mỹ Hào có 15 dự án, huyện Văn Lâm có 10 dự án, 6 dự án tại huyện Văn Giang, huyện Yên Mỹ có 3 dự án, huyện Khoái Châu có 2 và huyện Kim Động có 1 dự án.
Tại TP. Hưng Yên có 3 dự án đang chậm tiến độ là dự án xây dựng khách sạn và nhà ở liền kề phường An Tảo (2,21 ha, gồm 235 căn hộ); dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở thông minh Phố Hiến xã Liên Phương (8.600 m2, gồm 166 căn hộ); dự án Trung tâm Sơn Nam Plaza thuộc phường Hồng Châu (2,8 ha)…
3 dự án đang điều chỉnh chủ trương đầu tư là khu đô thị phía Bắc quốc lộ 5 - phân khu A, thị xã Mỹ Hào (262 ha, gồm 41.660 căn hộ); khu đô thị nhà vườn sinh thái thị trấn Văn Giang (198,4 ha, gồm 13.805 căn hộ); khu đô thị phía Đông Văn Giang (khu A), huyện Văn Giang (49,9 ha, gồm 6.918 căn hộ).
Ngoài ra, có 3 dự án đang trình thẩm định thiết kế, đang giải phóng mặt bằng là khu nhà ở và dịch vụ đô thị, công nghiệp Như Quỳnh, huyện Văn Lâm (3,79 ha); khu nhà ở dân cư mới xã Đình Dù và xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm (40,2 ha); khu đô thị Hoàng Gia, huyện Yên Mỹ (24,8 ha, 1.392 căn hộ).