TMV Sài Gòn Venus không có Hợp đồng hợp tác chuyên môn với Bệnh viện Vạn Hạnh!

TMV Sài Gòn Venus khẳng định có ký hợp đồng hợp tác chuyên môn với Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh để thực hiện phẫu thuật ngoài giấy phép. Tuy nhiên, thực tế lại không đúng với những gì cơ sở này cam kết.

Vậy, thực hư “Hợp đồng hợp tác chuyên môn” mà TMV Sài Gòn Venus đang nhắc đến là gì?

TMV Sài Gòn Venus không có Hợp đồng hợp tác chuyên môn với Bệnh viện Vạn Hạnh!

Trụ sở của TMV Sài Gòn Venus tại 406 Trần Hưng Đạo (phường 2, quận 5, TP Hồ Chí Minh)

“Râu ông nọ cắm cằm bà kia”

Như Tieudung.vn đã thông tin trước đó, Thẩm mỹ viện Sài Gòn Venus (TMV Sài Gòn Venus) có trụ sở tại 406 Trần Hưng Đạo (phường 2, quận 5, TP Hồ Chí Minh) công khai quảng cáo, tư vấn và thực hiện nhiều dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ không nằm trong “Danh mục kỹ thuật” đúng tuyến mà Sở Y tế TP Hồ Chí Minh phê duyệt.

Liên quan đến những bất cập nói trên, trả lời Báo Kinh tế và Đô thị, TMV Sài Gòn Venus khẳng định, không thực hiện phẫu thuật tại cơ sở. Khi khách hàng có yêu cầu thì sẽ tiến hành phẫu thuật tại Khoa thẩm mỹ - Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh (BV Vạn Hạnh) theo Hợp đồng hợp tác chuyên môn số 2525/HĐHT ngày 02/01/2020. Đồng thời, việc hợp tác này đã báo cáo và nộp lên Sở Y tế TP Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, trái ngược với những thông tin mà cơ sở này cung cấp. Theo tìm hiểu của PV, Hợp đồng hợp tác chuyên môn mà TMV Sài Gòn Venus đang nhắc đến chính là “HỢP ĐỒNG CUNG CẤP DỊCH VỤ HỖ TRỢ CHUYÊN MÔN Y TẾ” số 2525/HĐHT ngày 02/02/2020 giữa: Bên A (Bên nhận cung cấp dịch vụ) do BS Nguyễn Tiến Huy là người đại diện và Bên B (Bên cung cấp dịch vụ Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh) do bà Huỳnh Thị Kim Dung Tổng Giám đốc đại diện. Theo đó, hợp đồng có hiệu lực bắt đầu từ ngày ký và có giá trị trong vòng 1 năm (02/01/2020-02/01/2021).

TMV Sài Gòn Venus không có Hợp đồng hợp tác chuyên môn với Bệnh viện Vạn Hạnh!

Trong Hợp đồng cung cấp dịch vụ hỗ trợ chuyên môn y tế số 2525/HĐHT ngày 02/02/2020  hoàn toàn không có "bóng dáng" TMV Sài Gòn Venus

Với việc ký kết hợp đồng nói trên, BS Nguyễn Tiến Huy sẽ được BV Vạn Hạnh đảm bảo cung cấp những dịch vụ hỗ trợ chuyên môn y tế gồm: Cơ sở vật chất, bác sĩ gây mê hồi sức, ê kíp phụ mổ và chăm sóc hồi sức sau mổ, phương tiện, dụng cụ, trang thiết bị, phòng phẫu thuật; Các Xét nghiệm, Cận lâm sàn và hội chuẩn khi BS Nguyễn Tiến Huy yêu cầu hoặc BV Vạn Hạnh xét thấy cần thiết (phía BS Huy sẽ được bệnh viện thông báo); Dịch vụ phòng, chăm sóc theo dõi sau phẫu thuật; BV Vạn Hạnh chịu trách nhiệm đối với bệnh nhân trong quá trình phẫu thuật/thủ thuật liên quan đến Gây mê – Hồi sức;…

Ngược lại, BS Nguyễn Tiến Huy có nghĩa vụ trả phí dịch vụ tính theo từng ca điều trị cho phía BV Vạn Hạnh.

Căn cứ theo toàn bộ thông tin trong hợp đồng, thì đây việc ký kết để hợp tác hỗ trợ chuyên môn y tế giữa cá nhân BS Nguyễn Tiến Huy và BV Vạn Hạnh, không có bất cứ nội dung nào liên quan đến TMV Sài Gòn Venus như doanh nghiệp này khẳng định trước đó.

Tuy nhiên, ghi nhận thực tế của PV lại cho thấy, hợp đồng là hợp của BS Huy nhưng khách hàng lại là của TMV Sài Gòn Venus. Từ quảng cáo, tư vấn, thu tiền cho đến thực hiện phẫu thuật đều trên danh nghĩa pháp nhân của TMV Sài Gòn Venus.

TMV Sài Gòn Venus không có Hợp đồng hợp tác chuyên môn với Bệnh viện Vạn Hạnh!

Quảng cáo của TMV Sài Gòn Venus ghi rõ "...phẫu thuật có tiến hành gây mê được bác sĩ thực hiện tại bệnh viện..." (ghi nhận ngày 26/12/2020)

 

Rõ ràng, không hề ký hợp đồng với BV Vạn Hạnh, nhưng phải chăng TMV Sài Gòn Venus và BS Nguyễn Tiến Huy vẫn cố tình lợi dụng Hợp đồng hợp tác chuyên môn số 2525/HĐHT làm “bình phong” che đậy và hợp thức hóa hoạt động vượt phép của TMV Sài Gòn Venus?

Hành vi sai trái nói trên một lần nữa kiểm chứng, khi chính Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh – bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai khẳng định với PV Báo Kinh tế và Đô thị rằng, Sở này không cấp phép cho hợp đồng hợp tác chuyên môn mà chỉ quản lý người hành nghề.

“Trong quá trình hành nghề bác sĩ đăng ký thời gian hành nghề theo yêu cầu của các phòng chức năng bên Sở. Cụ thể, các phòng này sẽ yêu cầu bác sĩ cung cấp nơi làm việc, thời gian làm việc…để quản lý người hành nghề chứ không phải để cấp phép cho hợp đồng”, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP nói.

Như vậy, có thể hiểu, Hợp đồng hợp tác chuyên môn mà BS Nguyễn Tiến Huy nộp và báo cáo Sở Y tế chỉ đơn thuần là để phục vụ cho việc quản lý người hành nghề, chứ không phải là Sở Y tế đã "cấp phép" TMV Sài Gòn Venus dắt khách qua BV Vạn Hạnh phẫu thuật thẩm mỹ. Tất cả hành vi tư vấn, cung cấp dịch vụ phẫu thuật có gây mê do BS Huy thực hiện trên danh nghĩa TMV Sài Gòn Venus đều là sai phạm.

Đã có rủi ro từ Liên minh BS Nguyễn Tiến Huy – BV Vạn Hạnh

Theo tìm hiểu của PV, Liên minh BS Nguyễn Tiến Huy – BV Vạn Hạnh không phải chỉ mới xuất hiện. Thực tế, việc hợp tác này đã có từ lâu, và rủi ro cũng đã xuất hiện.

Thời điểm đầu năm 2015, báo chí đưa tin về trường hợp của chị N.T.X.T. một bệnh nhân nâng ngực không thành công do BS Nguyễn Tiến Huy thực hiện tại BV Vạn Hạnh. Theo đó, chị N.T.X.T. từ Cần Thơ lên TP Hồ Chí Minh, tìm tới TMV Sài Gòn Venus (khi đó còn ở địa chỉ 11 Châu Văn Liêm, quận 5, TP Hồ Chí Minh) để nâng ngực với giá 50 triệu đồng.,

TMV Sài Gòn Venus không có Hợp đồng hợp tác chuyên môn với Bệnh viện Vạn Hạnh!

Tháng 10/2020, thông tin của BS Nguyễn Tiến Huy trên trang wed của Sở Y tế thể hiện rõ BS này đang công tác tại TMV Sài Gòn Venus và BV Vạn Hạnh. Nhưng đến ngày 26/12/2020, thông tin liên quan đến BV Vạn Hạnh đã bị gỡ bỏ, gây khó hiểu?

Ngày 24/2/2015, BS Huy đưa chị T. đến BV Vạn Hạnh để làm các xét nghiệm và tiến hành phẫu thuật đặt túi ngực. Hai ngày sau khi phẫu thuật, chị T. được xuất viện. Tuy nhiên, ròng rã suốt chín tháng sau, chị T. thường xuyên phải từ Cần Thơ lên TP Hồ Chí Minh tái khám và uống thuốc do liên tục bị đau ngực. Đặc biệt, phía dưới ngực trái, túi dịch có dấu hiệu bị gấp xếp, gợn sóng, không thẩm mỹ.

Khoảng đầu tháng 10/2015, chị T. quay lại TMV Sài Gòn Venus, được BS Huy siêu âm và kết luận: do việc bóc tách bên ngực trái không đảm bảo, dẫn đến việc đặt túi ngực không vừa vặn, và chỉ định mổ lần hai để đặt lại túi dịch.

Ngày 6/10/2015, BS Huy tiếp tục đưa chị T. tới BV Vạn Hạnh để “khắc phục hậu quả”. Thế nhưng, một lần nữa, chị T. lại thất vọng não nề. Sau phẫu thuật lần hai, vùng ngực trái của chị T. vẫn bị đau từng cơn, lệch, chảy dịch. Đến ngày 12/11/2015, chị T. đến TMV Sài Gòn Venus để cắt chỉ. Sau cắt chỉ, vết mổ trên ngực chị bị hở rộng hơn.

Không còn tin vào tay nghề của BS Huy, ngày 24/11/2015, chị T. tìm đến một cơ sở phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ khác để khám. Sau siêu âm, bác sĩ ở cơ sở mới cho biết, chị T. bị “tụ dịch khu trú tuyến vú trái”. Để khắc phục tình trạng này cần phải có thời gian, lộ trình điều trị thích hợp, hết sức khó khăn và tốn kém....

Câu chuyện của chị T. là một điển hình của việc "tiền mất tật mang". Song, thực tế, chị T. cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, vì nếu tạm lấy mốc từ năm 2015 thì đến nay BS Nguyễn Tiến Huy và BV Vạn Hạnh đã hợp tác theo hình thức này ít nhất gần 5 năm. Có bao nhiêu bệnh nhân đã phẫu thuật, tài chính thu được từ các ca mổ có được các bên liên quan thực hiện nghĩa vụ đóng thuế hay không? Làm sao trong chừng ấy năm mà TMV Sài Gòn Venus vẫn “qua mặt” được Thanh tra Sở Y tế để hoạt động trơn tru?...