TP Hồ Chí Minh: Nhà đất công nghìn tỷ “thần tốc” về tay tư nhân với giá bèo bọt?

Nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện để phục vụ nhu cầu ổn định và phát triển mạng lưới Siêu thị Co.opMart, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh được Nhà nước tạo cơ chế mua chỉ định khu đất công 168 Nguyễn Đình Chiểu (phường 6, quận 3, TP Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, sau khi hoàn tất và đứng tên thì khu đất này đã “thần tốc” được đổi tên người sử dụng là Công ty Cổ phần Đầu tư Phúc Thịnh thông qua việc góp vốn hình thành pháp nhân mới.

Theo tìm hiểu của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, dựa trên Công văn số 4281/UBND-TM ngày 30/08/2010 của UBND TP Hồ Chí Minh và Công văn số 6643/VPCP-KNTN ngày 20/09/2010 của Văn phòng Chính phủ cho phép, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh được mua chỉ định tài sản là khu đất 168 Nguyễn Đình Chiểu (phường 6, quận 3, TP Hồ Chí Minh) để phục vụ nhu cầu ổn định và phát triển mạng lưới Siêu thị Co.opMart.

Đến ngày 08/01/2011, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số CT05047 cho Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh. Nhưng sau đó khoảng 2,5 tháng, tức ngày 25/3/2011, Giấy chứng nhận đối với tài sản này được cấp mới cho Công ty Cổ phần Đầu tư Phúc Thịnh. Như vậy, chỉ sau thời gian ngắn được chỉ định mua, thì tài sản công (khu đất và tài sản gắn liền tại sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với khu đất 168 Nguyễn Đình Chiểu) đã chính thức “dịch chuyển” người sử dụng đất và sở hữu tài sản gắn liền trên đất thông qua việc góp vốn và hình thành pháp nhân mới.

Được biết, ngày 27/08/2010, Công ty Cổ phần Đầu tư Phúc Thịnh được thành lập với vốn điều lệ 600 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông. Trong đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Đất Việt chiếm 30% cổ phần, với giá trị cổ phần tương ứng là 180 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Du lịch biển Mỹ Khê cũng chiếm 30% cổ phần, với giá trị cổ phần tương ứng là 180 tỷ đồng; và Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh chiếm 40% cổ phần, với giá trị cổ phần tương ứng là 240 tỷ đồng.

TP Hồ Chí Minh: Nhà đất công nghìn tỷ “thần tốc” về tay tư nhân với giá bèo bọt?

Siêu Thị Co.opmart trên khu đất 168 Nguyễn Đình Chiểu (phường 6, quận 3, TP Hồ Chí Minh) - Ảnh: Tiểu Thúy

Việc “dịch chuyển” đã được tính toán và có kế hoạch từ trước?

Như chúng tôi đề cập ở trên, Công ty Cổ phần Đầu tư Phúc Thịnh được thành lập ngày 27/08/2010 và Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh tham gia gốp vốn bằng quyền sử dụng và sở hữu tài sản gắn liền khu đất số 168 Nguyễn Đình Chiểu (phường 6, quận 3, TP Hồ Chí Minh).

Tuy nhiên, đến ngày 30/8/2010 (sau 3 ngày) UBND TP Hồ Chí Minh mới ban hành Công văn số 4281/UBND-TM, ngày 20/09/2010 (sau gần 1 tháng) Văn phòng Chính phủ mới chính thức ban hành Công văn số 6643/VPCP-KNTN về việc cho phép Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh mua chỉ định khu đất số 168 Nguyễn Đình Chiểu nêu trên. Đến ngày 08/01/2011 (tức gần 4,5 tháng sau) thì người góp vốn là Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh mới chính thức được đứng tên và công nhận trong Giấy chứng nhận đối với tài sản này.

Nhìn vào các mốc thời gian, dễ dàng nhận thấy việc hình thành pháp nhân mới này đã có trước khi được UBND TP Hồ Chí Minh và Văn phòng Chính phủ đồng ý áp dụng cơ chế cho phép Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh mua chỉ định khu đất số 168 Nguyễn Đình Chiểu. Câu hỏi đặt ra là: Có hay không việc đơn vị này đã tính toán và lên kế hoạch chuyển đổi khu đất trước cả khi được cho phép mua?

Góp vốn hình thành pháp nhân mới có đúng quy định hay “vượt rào”?

Theo mục đích ban đầu, việc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh được mua chỉ định khu đất 168 Nguyễn Đình Chiểu là nhằm mục đích tạo điều kiện để phục vụ nhu cầu ổn định và phát triển mạng lưới Siêu thị Co.opMart. Do đó, thông thường quy trình mua bán sẽ thuận lợi hơn, giá mua bán cũng sẽ được “ưu ái” hơn. Và, dĩ nhiên cũng có điều kiện đi kèm khi đơn vị được mua chỉ định không còn mục đích sử dụng hoặc thay đổi nhu cầu, công năng của tài sản trên.

Trong trường hợp này, ngay trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp cho pháp nhân mới là Công ty Cổ phần Đầu tư Phúc Thịnh cũng ghi chú rõ “Trong trường hợp có sự thay đổi về mục đích sử dụng đất, công năng sử dụng công trình thì chủ sử dụng đất, sở hữu công trình phải được sự chấp thuận của UBND TP Hồ Chí Minh, và tính lại nghĩa vụ tài chính phải nộp (nếu có)”.

Với khoảng thời gian “dịch chuyển thần tốc” về chủ sử dụng đất và sở hữu công trình mà chúng tôi đề cập ở trên, liệu rằng Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh đã hoàn tất theo đúng điều kiện đặt ra là “có sự chấp thuận của UBND TP và tính lại nghĩa vụ tài chính” hay chưa? Chưa kể, dù điều kiện dịch chuyển đã được Sở Tài nguyên và Môi trường ghi chú rõ trên Giấy chứng nhận như vậy, nhưng cũng chính Sở này cấp mới cho Công ty Cổ phần Đầu tư Phúc Thịnh. Lẽ ra, khi biết có điều kiện này, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh phải kiểm tra, nếu thấy đáp ứng thì mới cho phép cấp đổi. Để làm rõ câu hỏi này, báo Kinh tế & Đô thị đã gửi nhiều nội dung đến các bên liên quan gồm: Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh, Văn phòng quản lý đất đai TP Hồ Chí Minh….

Được biết, sau khi đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (số 168 Nguyễn Đình Chiểu, phường 6, quận 3, TP Hồ Chí Minh), Công ty Cổ phần Đầu tư Phúc Thịnh đã đem tài sản này đi thế chấp nhiều lần ở nhiều ngân hàng. Tại lần thế chấp ở Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Chi nhánh Sài Gòn vào ngày 21/3/2019, ngân hàng này đã định giá tài sản là 8.500 tỷ đồng.

Tieudung.vn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

UBKT Trung ương kỷ luật nhiều cán bộ của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh

Trong hai ngày 19 và 20/4/2022, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã họp Kỳ thứ 14 đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) và ông Diệp Dũng, nguyên Thành ủy viên, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op,

Theo UBKT Trung ương, Ban Thường vụ Đảng ủy Saigon Co.op đã thiếu trách nhiệm, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc; buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát và nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư, huy động vốn, tăng vốn điều lệ, tổ chức Đại hội thường niên. Đồng chí Diệp Dũng đã vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vi phạm Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại lớn tiền và tài sản của tập thể, gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và Saigon Co.op.

Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ quy định của Đảng, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015 - 2020 và ông Nguyễn Thành Nhân, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Ủy viên Hội đồng quản trị, nguyên Tổng Giám đốc Saigon Co.op.

UBKT Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật ông Diệp Dũng, nguyên Thành ủy viên, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op. Đồng thời, xem xét trách nhiệm của một số cá nhân có liên quan.