TP Hồ Chí Minh: Vẫn còn tình trạng trục lơi, bán sai đối tượng tại các dự án nhà ở xã hội

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra, trong 5 dự án nhà ở xã hội tại TP Hồ Chí Minh phát hiện 85 trường hợp người được mua, thuê nhà ở xã hội có dấu hiệu đã có nhà ở nhưng vẫn làm hồ sơ.

Tại Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán vừa ban hành, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho biết, chương trình phát triển nhà ở xã hội tại TP Hồ Chí Minh năm 2020 chưa đạt mục tiêu đề ra, chỉ hoàn thành gần 13.900 căn hộ, đạt 69% so với kế hoạch.

Cụ thể, theo KTNN, TP Hồ Chí Minh lựa chọn chủ đầu tư, phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án nhà ở xã hội khi chưa có trong kế hoạch. Cụ thể, kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020 đã gồm 9 dự án được chấp thuận đầu tư từ năm 2014 trở về trước và xây dựng hoàn xong năm 2017. Chưa kể, 22 dự án đã được chấp thuận đầu tư trước khi có Chương trình phát triển nhà ở TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2025.

Bên cạnh đó, các đồ án quy hoạch phân khu xây dựng đô thị, quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 trên địa bàn quận 9, 12 và Bình Tân của TP Hồ Chí Minh được KTNN chỉ rõ là không xác định cụ thể vị trí khu vực để phát triển nhà ở xã hội.

Một số dự án tại TP Hồ Chí Minh được hoán đổi 20% diện tích đất để phát triển nhà ở xã hội bằng một khu đất khác không có trong quy định như Khu dân cư và công viên Phước Thiện, Khu dân cư Hoàng Nam ở phường An Lạc quận Bình Tân.

Một dự án nhà ở xã hội tại quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh.

Không những vậy, KTNN còn chỉ ra có 5 dự án nhà ở xã hội tại TP Hồ Chí Minh đã phát hiện 85 trường hợp người được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội có dấu hiệu đã có nhà ở tại thời điểm được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; 64 trường hợp người được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội có giao dịch ủy quyền về nhà ở xã hội. Bên cạnh đó còn nhiều trường hợp sở hữu đất đai nhưng chưa có hồ sơ chứng minh có nhà trên đất nên đoàn chưa đánh giá.

KTNN cho biết thêm, việc bắt buộc dành quỹ đất 20% phát triển nhà ở xã hội đối với các dự án có quy mô sử dụng đất dưới 10ha là không phù hợp với quy định của khoản 2 Điều 16 Luật Nhà ở năm 2014 và khoản 1 Điều 118 Luật Đất đai năm 2013.

Bên cạnh đó, theo KTNN, việc lập, thẩm tra, phê duyệt dự toán chưa chính xác về khối lượng, đơn giá, chưa xác định rõ diện tích chung, riêng, phương án tài chính còn sai sót làm ảnh hưởng giá bán, cho thuê.

Kết quả kiểm toán còn cho thấy một số tồn tại, bất cập về cơ chế, chính sách như chính sách ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án nhà ở xã hội. Cụ thể, cơ chế ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án nhà ở xã hội theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 100/2015/NĐ-CP còn chưa thống nhất với Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Cho đến nay, TP Hồ Chí Minh cũng như một số địa phương vẫn chưa có hướng dẫn, quản lý, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ nộp số tiền tương đương với giá trị quỹ đất 20% vào ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Mới đây, nêu tại báo cáo thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý II/2021, Bộ Xây dựng cũng lưu ý các địa phương về nội dung báo chí phản ánh tại một số tỉnh/thành phố như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội… xuất hiện hiện tượng trên các trang thông tin về bất động sản, rất nhiều đơn vị môi giới bất động sản đã mạo danh chủ đầu tư để rao bán nhà ở xã hội tran lan như nhà ở thương mại.

Chỉ cần gõ cụm từ “mua bán nhà ở xã hội tại TP Hồ Chí Minh” trên internet, không khó để bắt gặp các thông tin rao bán nhà ở xã hội. Điển hình như các dự án Felix Home (phường 6, quận Gò Vấp), dự án First Home Thạnh Lộc (phường Thạnh Lộc, quận 12), dự án Chương Dương Home (phường Trường Thọ, quận Thủ Đức), dự án HQC Plaza (xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh)… Các dự án này được rao bán chênh lệch hàng trăm triệu đồng so với mức giá chủ đầu tư đưa ra ban đầu.

Trước tình trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng việc kiểm tra đối tượng mua hoặc đã có nhà ở xã hội cần được tiếp tục đẩy mạnh để tránh tình trạng người không có nhu cầu lại được mua giá rẻ, còn người cần nhà ở thật lại không thể với tới.