TP.HCM: Giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7

TP.HCM sẽ áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 trên toàn thành phố từ 0h ngày 9/7, thời gian áp dụng 15 ngày…
Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại buổi giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch trên địa bàn thành phố chiều tối ngày 7/7.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại buổi giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch trên địa bàn thành phố chiều tối ngày 7/7.

Chiều tối 7/7/2021, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM đã tổ chức họp giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.

QUYẾT LIỆT THỰC HIỆN CHỈ THỊ 16

Phát biểu tại buổi giao ban, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Nguyễn Thành Phong, cho biết: Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên địa bàn, cả hệ thống chính trị và nhân dân Thành phố đã vào cuộc quyết liệt và triển khai thực hiện rất nhiều giải pháp sáng tạo, đồng bộ, chủ động để kiểm soát, khống chế dịch bệnh.

Để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, thành phố xác định cần phải làm quyết liệt hơn nữa, xem đây là cuộc chiến thực sự, phải chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để đảm bảo cho sự phát triển dài hạn.

Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của đại dịch, cùng với mật độ dân cư rất cao tại thành phố và mức độ giao thương với các địa phương rất lớn nên công tác kiểm soát dịch bệnh đặt ra nhiều thách thức, nhất là kiểm soát chủng virus Delta có khả năng lây lan nhanh và giảm hiệu quả bảo vệ của vaccine.

Theo đó, khi một người mắc bệnh chủng cũ trung bình sẽ lây cho 2 đến 4 người; chủng biến thể Alpha có thể lây cho 7 người khác, thì chủng biến thể Delta ước tính có thể lây nhiễm nhiều hơn biến thể Alpha từ 40-60%.

"Chính vì vậy, để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, thành phố xác định cần phải làm quyết liệt hơn nữa, xem đây là cuộc chiến thực sự, phải chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để đảm bảo cho sự phát triển dài hạn và nâng cao một mức nữa trong công tác phòng chống dịch", Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Do đó, TP.HCM sẽ áp dụng Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian 15 ngày trên địa bàn toàn thành phố từ 0h ngày 9/7.

Cũng theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM, nguồn lực của thành phố vẫn đảm bảo và đã chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra. Vì vậy thành phố đề nghị người dân không cần tích trữ hàng hóa, không tập trung đông người tại siêu thị, chợ truyền thống.

Tất cả người dân phải ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp và các trường hợp cần thiết khác.

“Người dân thành phố hãy bình tĩnh, tin tưởng, chung sức cùng lãnh đạo thành phố trong thời gian 15 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Phát huy tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là pháo đài chống dịch”. Đồng thời ủng hộ, cảm thông khi thành phố áp dụng giãn cách xã hội, cách ly trên diện rộng để kiểm soát, khống chế dịch bệnh”, ông Nguyễn Thành Phong nói.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các Sở - ngành, quận - huyện tận dụng thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 để triển khai quyết liệt, siết chặt các giải pháp phòng chống dịch, đạt kết quả cao nhất; đồng thời thông tin rõ cho người dân các cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu vẫn tiếp tục hoạt động bình thường.

Yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp và các trường hợp cần thiết khác.

SẴN SÀNG CHO CÁC HOẠT ĐỘNG PHÒNG CHỐNG DỊCH 

Về hoạt động giao thông vận tải, tạm ngừng hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe ô tô, trừ trường hợp vận chuyển cán bộ, nhà quản lý, chuyên gia, công nhân… và một số phương tiện taxi chở người dân đi, đến bệnh viện, trung tâm y tế trong trường hợp cấp thiết; Tạm ngừng hoạt động xe hai bánh vận chuyển hành khách có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách và xe hai bánh truyền thống (xe ôm) vận chuyển hành khách.

Đồng thời, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải các tỉnh trong khu vực trong việc tổ chức giao thông tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện vận tải hàng hóa được liên tục, thông suốt. Kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét hạn chế hoặc tạm ngừng các hoạt động hàng không và đường sắt đi, đến TP.HCM; tất cả các thuyền trưởng, thuyền viên của các tàu biển nước ngoài, tàu biển nội địa, phương tiện thủy nội địa vào, rời cảng biển TP.HCM bắt buộc phải có giấy xét nghiệm SARS-COV-2 âm tính trước ngày rời bến một ngày và không được lên bờ.

TP.HCM: Giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7 - Ảnh 1
 

Về phòng chống dịch, giao Sở Y tế chuẩn bị kế hoạch tổ chức để kiểm soát dịch bệnh trong thời gian 15 ngày Thành phố thực hiện Chỉ thị số 16. Trong đó, tăng cường điều tra, truy vết, khoanh vùng, dập dịch theo quy trình 5 bước của thành phố; Thành lập 22 đội truy vết dịch bệnh, mỗi đội từ 10-30 người tùy theo mức nguy cơ của từng địa phương và giao quyền chỉ đạo đội truy vết này cho các địa phương.

Tăng cường năng lực xét nghiệm, hoàn thành chỉ tiêu lấy 5 triệu mẫu toàn thành phố. Phát huy hiệu quả Trung tâm Điều phối xét nghiệm của thành phố và Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch. Đồng thời, thẩm định xong và tổ chức cho 43 doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao với 56.000 lao động vừa cách ly, vừa sản xuất.

Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu triển khai kế hoạch điều trị 10.000-20.000 ca nhiễm, theo đó phân tuyến 3 cấp điều trị theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế (cấp không triệu chứng, cấp có triệu chứng nhẹ, trung bình và cấp điều trị bệnh nhân nặng).

Triển khai các giải pháp khai báo y tế điện tử, hỗ trợ điều tra dịch tễ bằng mã QR hỗ trợ công tác truy vết, điều tra dịch tễ nhanh chóng, chính xác khi phát hiện trường hợp nhiễm.

Về hàng hóa, hiện nay thành phố đã tạm ngưng hoạt động 3 chợ đầu mối (Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức) và một số chợ truyền thống để đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch nhưng chuỗi cung ứng hàng hóa của thành phố vẫn được duy trì ổn định.

Bên cạnh đó, tổ chức kích hoạt Chương trình bình ổn thị trường, đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa và đúng giá cho người dân. Gia tăng các giải pháp mua sắm trực tuyến của 17 siêu thị, hệ thống phân phối lớn; tổ chức các điểm bán bổ trợ, đi chợ thay cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn, không sử dụng được điện thoại để đặt hàng, mua sắm trực tuyến.Về hàng hóa, giao Sở Công Thương tổ chức tăng lượng hàng hóa cung ứng của các hệ thống phân phối hiện đại (các hệ thống phân phối lớn, chủ lực như Saigon Co.op, Satra, Bách Hóa Xanh,…), gia tăng năng lực dự trữ và bán hàng lên 120.000 tấn/tháng. Các tiểu thương và thương nhân tại 03 chợ đầu mối tổ chức tiếp nhận hàng hóa thông qua các điểm trung gian, trung bình một ngày đêm tiếp nhận khoảng 4.000 - 5.000 tấn rau củ quả, thực phẩm tươi sống.

CÙNG ĐỒNG LÒNG ĐẨY LÙI DỊCH BỆNH

Trước đó, phát biểu tại cuộc họp, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi chia sẻ, Thành phố sẽ thực hiện cách ly toàn xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 trên toàn thành phố trong vòng 15 ngày từ 0h ngày 09/7/2021.

Tạm dừng chợ truyền thống để ngăn ngừa dịch Covid-19 lây lan
Tạm dừng chợ truyền thống để ngăn ngừa dịch Covid-19 lây lan

“Cần có sự chung tay của hệ thống truyền thông và Mặt trận Tổ quốc - các đoàn thể ở cơ sở phải đi từng ngõ, gõ từng nhà nói cho từng người, từng nhà hiểu và thực hiện đúng. Trước hết là thực hiện nghiêm 5K: đeo khẩu trang, thường xuyên khử khuẩn, giữ khoảng cách 2m, không tập trung quá 2 người - khai báo y tế”, ông Mãi nhấn mạnh.

“Bản thân Chỉ thị không phải là “liều thuốc tiên” đẩy lùi ngay Covid-19 mà chính sự hiểu đúng và thực hiện nghiêm túc, quyết liệt mới mang lại kết quả như mong muốn", 

Ông Phan Văn Mãi

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi cho rằng, các địa phương, các ngành cần quán triệt đầy đủ và tổ chức thực hiện triệt để tinh thần Chỉ thị 16 lần này để sau 15 ngày Thành phố sẽ kiểm soát được tình hình; không để kéo dài hơn nữa vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến đời sống nhân dân và kinh tế xã hội thành phố là rất to lớn.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi mong muốn, trong thời gian này, ngành chức năng và các địa phương tập trung làm tốt các giải pháp ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị tích cực; trong đó, thành phố tập trung nâng cao năng lực cách ly và điều trị phù hợp với tình hình dịch hiện nay. Để đạt được mục tiêu đề ra, cả hệ thống chính trị, tổ chức cơ sở đảng và bà con nhân dân Thành phố cùng quyết tâm, đồng lòng thực hiện nghiêm, đạt kết quả lần này để tình hình tốt hơn.

Hy vọng, với những biện pháp được đưa ra trong Chỉ thị 10, tiếp đây áp dụng biện pháp theo Chỉ thị 16, nếu được thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, TP.HCM sẽ mau chóng đẩy lùi được dịch bệnh Covid-19.

Trước đó, từ 0h ngày 31/5, TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng trong vòng 15 ngày, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 giãn cách theo Chỉ thị 16.

Nhưng do TP.HCM xuất hiện nhiều chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng nên TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội toàn địa bàn thành phố theo Chỉ thị 15 thêm 2 tuần, từ 0h ngày 15/6 đến 0h ngày 29/6.

Đến ngày 19/6, Ủy ban nhân dân TP.HCM ban hành Chỉ thị số 10 về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM; tạm ngưng các chợ tự phát, dừng vận chuyển hành khách công cộng... cho đến hiện tại.