Chiều 21/10, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức họp báo định kỳ về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn. Cuộc họp có sự tham dự của đại diện các sở, ngành để giải đáp các vấn đề dư luận quan tâm như hoạt động hàng quán, đánh giá cấp độ dịch theo khu vực, giao thông vận tải, gói hỗ trợ an sinh...
Trên 75% người từ 18 tuổi đã tiêm 2 mũi vaccine
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính đến sáng 21/10, thành phố có gần 12.500 ca điều trị tại nhà, hơn 5.400 người cách ly tập trung. Số ca nhập viện tầng 2, 3 trong ngày là 748 người nâng tổng số ca đang điều trị tại bệnh viện tầng 2, 3 là hơn 11.500. Trong này, thành phố ghi nhận 661 người xuất viện, 41 ca tử vong.
Tỷ lệ tiêm 1 mũi vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên ở TP.HCM đạt gần 99%. Ảnh: Chí Hùng.
Đến nay, trên 98% người từ 18 tuổi ở TP.HCM được tiêm 1 mũi vaccine Covid-19 và trên 75% người đã tiêm 2 mũi. Tỷ lệ này đang tiếp tục được nâng lên, đảm bảo an toàn cho các hoạt động bình thường trở lại.
TP.HCM nới lỏng giãn cách từ 1/10. Các cơ sở khám chữa bệnh công lập và tư nhân, dịch vụ y tế, kinh doanh dược, mỹ phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế được phép hoạt động trở lại.
Hàng quán trên địa bàn vẫn bán theo hình thức bán mang đi, chưa có kế hoạch phục vụ ăn uống tại chỗ, vì vậy nhiều hệ thống, chuỗi F&B tiếp tục đóng cửa, một số kết hợp với các nền tảng giao hàng bán mang đi nhưng hiệu quả không cao.
Đợt dịch thứ tư bùng phát từ ngày 26/5 đến nay, tính đến trưa 21/10, đô thị lớn nhất nước với khoảng 13 triệu dân ghi nhận hơn 420.000 ca nhiễm.
Thu hẹp bệnh viện dã chiến
Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng cho biết trên tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ, khi phát hiện ca F0 trong cộng đồng, quy trình xử lý của thành phố sẽ có thay đổi. Trước đây, khi phát hiện ca F0, ngành phải xử lý triệt để, cách ly tập trung người liên quan, người tiếp xúc gần. Khu vực có F0 phải được phong tỏa gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của bà con dù không quá cần thiết.
Hiện nay, đối với ổ dịch hộ gia đình, nếu mỗi hộ chỉ có 1 ca F0, cơ quan y tế, địa phương sẽ đến khám sàng lọc, đánh giá tình trạng. Nếu đủ điều kiện, cơ quan chức năng sẽ để bệnh nhân cách ly tại nhà. Nếu có triệu chứng nặng hoặc SpO2 dưới 96%, bệnh nhân được đưa đến trạm y tế xét nghiệm.
“Còn F1 sẽ được theo dõi sức khỏe và xét nghiệm định kỳ, cách ly gia đình. Một tổ dân phố, khu phố khi có một hộ gia đình có ca mắc thì các hộ còn lại chỉ hạn chế tiếp xúc, hạn chế ra ngoài, không rào chắn, phong tỏa như trước đây”, ông Hưng nói.
Việc xử lý khi phát hiện F0 ở TP.HCM có nhiều thay đổi so với trước đây. Ảnh: Duy Anh.
Cũng theo lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, quy trình xử lý khi phát hiện F0 tại nhà máy, doanh nghiệp đã được Sở Y tế xây dựng nhằm đảm bảo thích ứng, an toàn, linh hoạt. Hiện nay, đa số lao động đã được tiêm vaccine nên khi phát hiện F0, việc cách làm cũng khác so với trước đây.
Cụ thể, F0 sẽ đưa đến các khu vực cách ly tách biệt trong khu phân xưởng của nhà máy, xí nghiệp nhằm giảm tải cho các khu cách ly ở quận huyện theo hướng dẫn chuyên môn của ngành y tế.
“Định hướng của ngành y tế trong thời gian tới sẽ thu hẹp bệnh viện dã chiến xuống 2/3”, ông Hưng nói và cho biết các bệnh viện đa khoa trên địa bàn thành phố sẽ thành lập khoa Covid-19. Các quận, huyện thành lập ít nhất một bệnh viện dã chiến nhằm điều trị cho các bệnh nhân.
Còn 4 quận, huyện chưa được mở lại chợ truyền thống
Ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết liên quan đề xuất mở lại hoạt động buôn bán tại chỗ trên địa bàn, Sở Công Thương đang trình xin ý kiến UBND TP. Thành phố cũng đang đề nghị ngành y tế đánh giá việc này. Việc tổ chức cần xem xét lại.
Nhiều người chờ mua hàng tại một tiệm bán đồ ăn ở quận 10, TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng.
Về tình hình kinh doanh hôm nay, ông Tú cho biết tổng lượng hàng cung ứng đưa về thành phố ước đạt hơn 5.900 tấn. Hiện nay, lượng hàng cung ứng tại các điểm tập kết, trung chuyển xung quanh 3 chợ đầu mối tăng lên mỗi ngày.
“Trước ngày 1/10, mỗi ngày chỉ trên dưới 1.000 tấn, nay lên 1.800 tấn, gấp đôi so với 20 ngày trước”, ông Tú nói và cho biết TP.HCM đã mở được 96/231 chợ truyền thống. Còn 4 quận, huyện chưa mở được chợ nào.
“Vì các quận này cần đánh giá và đảm bảo an toàn từng bước mở lại, không thể mở ào ạt. Trong điều kiện chưa mở lại các chợ truyền thống, xung quanh các chợ không được để buôn bán tự phát làm ảnh hưởng an toàn phòng chống dịch và an toàn vệ sinh thực phẩm”, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết sắp tới, thành phố cho phép thêm 16 chợ truyền thống được mở lại.
“Chậm chi hỗ trợ vì tiền về chưa kịp”
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM (LĐTBXH), cho biết TP đã chi trả hỗ trợ cho hơn 5,5 triệu người có hoàn cảnh khó khăn.
Lúc mới triển khai, phần mềm phục vụ việc hỗ trợ bị chậm. Tuy nhiên sau này, Công ty phần mềm Quang Trung đã tháo gỡ. Ông Lâm cho biết đến nay, 17 quận, huyện trên địa bàn đã chi trả hỗ trợ trên 80%. Một số quận huyện chi trả chậm do địa bàn đông dân cư, nguồn kinh phí chuyển về địa phương chưa kịp thời.
Về việc tổ chức cho học sinh đến trường, đại diện Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết hiện nay Bộ GD&ĐT đã có văn bản hướng dẫn rà soát mức độ an toàn để cho học sinh tới trường. TP.HCM cũng đã ban hành bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng chống dịch.
Tuy nhiên, ngành giáo dục sẽ dựa trên cơ sở hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, đồng thời chủ động rà soát, tự đánh giá để đảm bảo các tiêu chí đón học sinh trở lại an toàn, chuyển từ dạy học online sang trực tiếp trong thời gian tới.
Tri ân hơn 30.000 người hỗ trợ chống dịch
Ông Phạm Đức Hải, Phó ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, cho biết để bày tỏ lòng cảm ơn đối với lực lượng tuyến đầu hỗ trợ trong đợt dịch vừa qua, thành phố đã tổ chức tri ân, tuyên dương, khen thưởng hơn 30.000 người.
Người phát ngôn của Ban chỉ đạo cho biết trước mắt thành phố chia làm 2 đợt tri ân. Những anh chị còn lại, Ban thi đua khen thưởng của TP đang tổng hợp, tiếp tục trình UBND TP để khen thưởng.
“Về hình thức khen thưởng, tùy theo các đơn vị, có thể là giấy khen, thư khen, bằng khen thậm chí TP đề nghị Chính phủ khen thưởng”, ông Hải nói.