TP.HCM: Vì sao Doanh nghiệp "tố" Chi cục THADS Củ Chi bán đất đấu giá trái quy định?

Theo phản ánh, mặc dù doanh nghiệp đã nộp tiền thi hành án để giải chấp lô đất đúng theo quy định của pháp luật nhưng Chi cục THADS Củ Chi vẫn tổ chức bán đấu giá tài sản của họ, đẩy doanh nghiệp vào cảnh khốn cùng.

Quyết định cưỡng chế, kê biên có đúng quy định của pháp luật?

Gần 10 năm nay, ông Nguyễn Văn Tuyển (SN 1968, ngụ xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP.HCM) liên tục gửi đơn thư cầu cứu các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương, vì cho rằng, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Củ Chi bán đấu giá tài sản của họ trái quy định pháp luật dù đương sự đã thực hiện xong nghĩa vụ và các chi phí thi hành án.

don-to-cao-1670385648.png Một phần trong đơn tố cáo và kêu cứu của ông Nguyễn Văn Tuyển gửi các cơ quan báo chí.

Nhiều cơ quan, ban ngành cấp trên đã có những văn bản, quyết định chỉ đạo, yêu cầu Chi cục THADS huyện Củ Chi xử lý dứt điểm vụ việc, không để khiếu nại kéo dài.

Cầm tập hồ sơ dày cộm trên tay, ông Tuyển lắc đầu ngao ngán cho biết: năm 2012, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Hân Vi (Công ty Hân Vi) vay của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Ngân hàng Eximbank) - Chi nhánh Hòa Bình số tiền 516 triệu đồng.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Tuyển và bà Trần Thị Ngọc Xuyến có ký bảo lãnh cho Công ty Hân Vi khoản vay này bằng việc thế chấp quyền sử dụng mảnh đất có diện tích 3.083,7m2, thửa số 107, tờ bản đồ số 20, tọa lạc tại xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi do bà Trần Thị Ngọc Xuyến đứng tên.

dien-tich-dat-1670385676.jpg Mảnh đất có diện tích 3.083,7m2, được Công ty Hân Vi dùng làm tài sản thế chấp khi vay nợ tại Ngân hàng Eximbank vào năm 2012.

Sau đó, do làm ăn thua lỗ, Công ty Hân Vi không có khả năng trả nợ nên người bảo lãnh phải trả nợ thay.

Đến ngày 30/5/2012, Tòa án nhân dân TP.HCM ban hành Bản án số 733/2012/KDTM-ST buộc vợ chồng ông Nguyễn Văn Tuyển và bà Trần Thị Ngọc Xuyến phải trả hết số tiền nợ cho Ngân hàng Eximbank.

Ngày 8/1/2014, Chi cục HADS huyện Củ Chi ra Quyết định 193/QĐ-CCTHA về việc thi hành bản án nêu trên.

Theo biên bản giải quyết thi hành án giữa đại diện Ngân hàng Eximbank - Chi nhánh Hòa Bình và Chấp hành viên Nguyễn Hữu Phước (đại diện Chi cục THADS huyện Củ Chi) đã xác nhận trong biên bản ghi rõ “Ngày 22/01/2016 bà Xuyến đã nộp phí thi hành án thay Công ty Hân Vi tại Chi cục THADS huyện Củ Chi, Chi cục THADS huyện Củ Chi sẽ chuyển trả ngân hàng sau khi trừ phí thi hành án theo quy định. Đồng thời yêu cầu Ngân hàng TMCP xuất nhập khẩu Việt Nam – chi nhánh Hòa Bình tạm giữ giấy tờ tài sản liên quan đến hợp đồng thế chấp giữa ngân hàng và Công ty Hân Vi”.

Trong văn bản số 1047/TB-CCTHA ngày 28/01/2016, do Chấp hành viên Nguyễn Hữu Phước còn ghi rõ: Trước khi mở cuộc bán đấu giá 01 ngày làm việc người phải thi hành án (Công ty Hân Vi) có quyền nhận lại tài sản nếu nộp đủ tiền thi hành án và thanh toán các chi phí thực tế hợp lý đã phát sinh.

Theo ông Tuyển, ngày 22/01/2016, vợ chồng ông đã nộp đầy đủ các khoản tiền để thi hành án cho Chi cục THADS huyện Củ Chi nhưng Chấp hành viên Nguyễn Hữu Phước lại không trả ngân hàng ngay mà để đến tận ngày 29/01/2016 mới chuyển cho ngân hàng.

Ông Tuyển cũng cho biết, vợ chồng ông đã tất toán dứt điểm với ngân hàng nhưng Chấp hành viên Nguyễn Hữu Phước vẫn tổ chức bán đấu giá đối với tài sản không còn để thi hành án vào ngày 02/02/2016, sau khi niêm yết tại xã 03 ngày đối với tài sản không còn để thi hành án là không đúng theo quy trình, trái với pháp luật.

Mặt khác, tại Quyết định cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất số 36/QĐ-CCTHA ngày 29/12/2014 của Chấp hành viên Nguyễn Hữu Phước đã gộp rất nhiều bản án đã thi hành, các bản án đã có thoả thuận tự giải quyết để làm căn cứ pháp lý cưỡng chế kê biên theo bản án số 733/KDTM-ST ngày 30/05/2012 của TAND TP.HCM là không đúng quy định pháp luật vì tài sản này không liên quan đến bản án dân sự nào khác ngoài bản án số 733. Không những thế, từ trước đến nay tôi vẫn không nhận được bản Quyết định số 36 36/QĐ-CCTHA. Đến ngày 12/3/2020, gia đình mới nhận được bản trích lục phô tô.

Quá trình tổ chức bán giá, ông Tuyển cho biết Chi cục THADS huyện Củ Chi đã bán miếng đất trên với giá rẻ mạt chỉ có 1,7 tỷ đồng (trong khi giá thị trường thời điểm đó hơn 10 tỷ đồng và bây giờ hơn 50 tỷ đồng) dù vợ chồng ông Tuyển đã có đơn đề nghị định giá lại tài sản trước đó 03 ngày trước khi tổ chức bán đấu giá.

"Vợ chồng tôi còn sở hữu gần 10 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Tuy nhiên, Chi cục THADS huyện Củ Chi không kê biên cưỡng chế những tài sản trên mà lại cưỡng chế kê biên, tổ chức bán đấu giá đối với tài sản không còn để thi hành án. Vậy Quyết định cưỡng chế kê biên 36/QĐ-CCTHA của Chấp hành viên có đúng các quy định của pháp luật?", ông Tuyển cho hay.

Liên quan đến vụ việc trên, các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương đã nhiều lần có văn bản đề nghị Cục THADS TP.HCM, Chi cục THADS  huyện Củ Chi giải quyết.

Đặc biệt, ngày 21/5/2020, Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) đã có báo cáo kết quả giám sát về công tác tiếp công dân và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2019 tại Bộ Tư pháp, liên quan đến 5 vụ việc, trong đó vụ việc của ông Tuyển và bà Xuyến là một trong 5 vụ việc mà Đoàn giám sát kiến nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp chỉ đạo, khẩn trương giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

bao-cao-1670385705.png Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến vụ việc của ông Nguyễn Văn Tuyển.

Tổng Cục THADS Bộ Tư pháp cũng đã có văn bản số 06/TCTHADS - GQKNTC, yêu cầu Cục trưởng Cục THADS TP.HCM kiểm tra, xác minh, rà soát lại toàn bộ nội dung tố cáo của đương sự, giải quyết và chỉ đạo giải quyết, báo cáo kết quả về Tổng Cục THADS.

Tuy nhiên, không hiểu vì sao đến nay Chi cục THADS huyện Củ Chi vẫn chưa giải quyết dứt điểm.

Nhiều "khuất tất" cần được làm rõ?

Liên quan đến vụ việc trên, luật sư Trần Minh Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình (Đoàn luật sư TP.HCM) nhận định: Căn cứ theo Điều 127 Luật Thi hành án dân sự số 12/VBHN-VPQH năm 2014 thì Chấp hành viên chỉ xử lý bán tài sản đã kê biên trong trường hợp người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án.

Bên cạnh đó, việc tiến hành định giá tài sản mà không thông báo cho đương sự và thỏa thuận với đương sự là trái quy định. Đồng thời việc tài sản trị giá hơn 10 tỷ đồng nhưng chỉ được bán đấu giá 1,7 tỷ đồng thể hiện rõ nhiều điểm nghi vấn, khuất tất, sai phạm trong vấn đề định giá tài sản.

Theo luật sư Hùng, theo quy định pháp luật, khi đương sự đã thực hiện xong nghĩa vụ và các chi phí thi hành án thì sẽ được giải tỏa kê biên tài sản.

Thêm vào đó, trước khi mở cuộc bán đấu giá 01 ngày làm việc, người phải thi hành án có quyền nhận lại tài sản nếu nộp đủ tiền thi hành án và thanh toán các chi phí thực tế, hợp lý đã phát sinh nhưng khi tổ chức bán đấu giá tài sản Chấp hành viên cũng không thông báo cho đương sự được biết.

Vợ chồng ông Tuyển, bà Xuyến đã nộp đầy đủ toàn bộ chi phí thi hành án nhưng 10 ngày sau Chi cục THADS huyện Củ Chi lại tổ chức bán đấu giá tài sản của họ là trái quy định pháp luật và xâm hại đến lợi ích hợp pháp của đương sự.

Như vậy, việc Chấp hành viên Nguyễn Hữu Phước đem bán đấu giá tài sản đã kê biên của vợ chồng ông Tuyển, bà Xuyến là không đúng trình tự thủ tục và trái quy định pháp luật.

Ngoài ra, nếu biết rõ vợ chồng ông Tuyển, bà Xuyến đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm thanh toán cho phía ngân hàng mà chấp hành viên vẫn đem tài sản ra bán đấu giá là có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

“Chấp hành viên Nguyễn Hữu Phước đã có nhiều sai phạm trong hoạt động xử lý tài sản kê biên nhưng phía Chi cục THADS huyện Củ Chi lại không xử lý và có nhiều dấu hiệu cho thấy có sự mờ ám, khuất tất, thậm chí là bao che cho các hành vi vi phạm của Chấp hành viên.

Trong sự việc này, Chấp hành viên Nguyễn Hữu Phước và Chi cục THADS huyện Củ Chi phải liên đới chịu trách nhiệm cho các sai phạm nghiêm trọng của mình”, luật sư Hùng nhận định.

Trong một diễn biến khác, trao đổi với phóng viên Báo Quân đội Nhân dân, ông Nguyễn Văn Nghĩa, Chi cục trưởng và ông Nguyễn Hữu Phước, chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Củ Chi cho rằng đã thực thi công vụ đúng quy định. Khi chúng tôi đặt câu hỏi vì sao công dân nộp tiền từ ngày 22-1 nhưng Chi cục Thi hành án dân sự lại để đến tận ngày 29-1 mới chuyển cho ngân hàng, khiến cho người dân bị mất quyền lợi chính đáng, ông Phước cho biết: Chuyển tiền muộn vì còn trình cấp trên ký duyệt các thủ tục. Tuy nhiên, trước bằng chứng về dấu hiệu lừa dối người dân qua tin nhắn, nói "sổ đỏ" lô đất ngân hàng giữ trong khi thực tế chính Chi cục Thi hành án dân sự đang giữ, ông Phước lúng túng không giải thích được. Còn về việc gửi công văn trả lời đơn yêu cầu định giá lại tài sản quá muộn, khi cuộc đấu giá đã diễn ra, ông Nguyễn Văn Nghĩa thản nhiên nói: “Theo quy định thì chi cục có quyền hồi âm đơn trong vòng 10 ngày, chúng tôi trả lời thế là không sai”. Việc định giá lô đất với giá “bèo”, chỉ 1,7 tỷ đồng cũng được hai ông giải thích do lô đất mới có văn bản chấp thuận được chuyển mục đích sử dụng đất nên vẫn phải đấu giá theo giá đất... nông nghiệp.

Vụ việc tưởng chừng như đơn giản, rõ ràng nhưng gần 10 năm nay Chi cục THADS huyện Củ Chi vẫn chưa xử lý dứt điểm cho đương sự khiến họ phải gửi đơn cầu cứu, khiếu nại nhiều nơi dẫn đến kiệt quệ về tinh thần, vật chất.