TPHCM xin cấp sổ đỏ cho đất mua bán giấy tay: Giải pháp cần cho người ở thực

TPHCM đang xin hướng dẫn cấp sổ đỏ cho đất nông nghiệp tự ý tách thửa, nếu đề xuất được thông qua sẽ đảm bảo được quyền lợi của người dân, hạn chế tranh chấp. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Minh Cường - Giám đốc điều hành Công ty luật S&P để làm rõ hơn về đề xuất này.

Phóng viên: Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TPHCM vừa có kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thẩm quyền cấp sổ cho các trường hợp đất nông nghiệp tự ý tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng bằng giấy tay cho người khác không đúng quy định, ông nhận định gì về đề xuất này? 

Luật sư Trần Minh Cường: Theo đề xuất của Sở TN&MT, đây là  các trường hợp hộ gia đình tự tách hộ ra riêng để ở, được thừa kế, tặng cho, chuyển nhượng một phần diện tích thửa đất… tại thời điểm không có quy định về diện tích tối thiểu để tách thửa (phần lớn trước thời điểm Luật Đất đai 2003 có hiệu lực) dẫn đến việc các hộ gia đình, cá nhân đã tự ý tách thửa, tự chuyển mục đích (xây dựng nhà ở…) và tự chuyển quyền bằng giấy tay cho người khác không đúng quy định pháp luật về đất đai nên đến nay những trường hợp này chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận.

Theo tôi, pháp luật đất đai của chúng ta qua các thời kỳ đã từng bước hoàn thiện hơn nên việc xem xét cấp sổ đỏ các trường hợp trên sẽ đảm bảo quyền lợi cho người dân. 

Nhiều thửa đất trên địa bàn TPHCM
Nhiều thửa đất nông nghiệp trên địa bàn TPHCM tự ý tách thửa, chuyển nhượng mục đích trái quy định nên nhiều năm không được cấp sổ đỏ

Việc cấp sổ đỏ đồng bộ, ngoài việc góp phần đảm bảo quyền lợi cho người dân còn hạn chế tranh chấp phát sinh, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý đất đai rất phức tạp. Việc này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương. Vì nếu kéo dài các thửa đất này tiếp tục đem ra giao dịch sẽ xảy ra tranh chấp rất nhiều, thực hiện các thủ tục này còn tránh thất thu ngân sách nhà nước.

* Các trường hợp này chủ yếu giao dịch mua bán, chuyển quyền bằng giấy tay, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất. Theo ông, cơ quan chức năng cần phải thực hiện như thế nào? 

- Công tác quản lý nhà nước đang từng bước hoàn thiện, những trường hợp này người ta muốn ổn định lâu dài nên kiến nghị này của Sở TN&MT là rất phù hợp với các tồn tại. 

Tuy nhiên, việc xem xét giải quyết cấp sổ đỏ tùy từng trường hợp và thời điểm cần phải được rà soát thực hiện một cách hệ thống, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật. Tức là lọc ra những trường hợp đủ điều kiện sẽ cấp giấy.

Một số nguyên tắc có thể kể đến như: phần đất mua bán bằng giấy tay, tự ý chuyển mục đích, phải phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương. Trường hợp không phù hợp thì tạm thời chưa cấp sổ đỏ và việc cấp sổ đỏ chỉ được thực hiện sau khi cơ quan quản lý đất đai tại địa phương giải quyết xong việc xử lý vi phạm chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; đồng thời hoàn tất nghĩa vụ tài chính bổ sung (nếu có), tránh thất thu ngân sách nhà nước.

* Thưa ông, liệu đề xuất này được thông qua có tiếp tay cho các đầu nậu, lừa đảo, phân lô trục lợi không? 

- Đối với các trường hợp từ hậu quả của việc mua nhà sổ chung, vi bằng, diện tích nhỏ tách thửa sai trên đất nông nghiệp… thì cần phải xử lý vi phạm, liên đới trong trường hợp đó các khách hàng có thể kiện để yêu cầu người kia xử lý. 

Theo tôi, các trường hợp này là có nhu cầu thực và cơ quan quan quản lý nhà nước đã đề nghị cấp cho những giấy này thì có nghĩa nó phù hợp. Cơ quan nhà nước chỉ giải quyết theo mốc thời gian ví dụ mua nhà giấy tay từ thời gian nào đến thời gian nào… theo tờ trình các trường hợp kiến nghị này đã xảy ra từ rất lâu không thể biến tướng ra thêm. Nếu có biến tướng sẽ không thuộc các phạm vi giải quyết theo tờ trình. Nên sẽ không xảy ra tình trạng tiếp tay cho các đầu nậu trục lợi. 

* Cảm ơn ông

Bích Trần (ghi)