Không khó để thấy những bãi rác bốc mùi hôi thối trên các tuyến đường tại TPHCM. Từ bao nilon, hộp xốp, rau, củ, quả hay bất cứ thứ gì không còn sử dụng đều được người dân vứt ra đường.
Dọc tuyến đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), dưới những gốc cây, bãi cỏ là những bãi rác tự phát đầy ruồi nhặng. Mặc dù, cách đó không xa là những thùng rác bỏ không, thay vì bỏ rác vào thùng thì người dân vô tư bỏ rác dưới gốc cây.
Rác bao vây gốc cây trên đường Điện Biên Phủ.
Ngoài rác thải sinh hoạt, trước nhiều quán ăn trên tuyến đường này là những túi nilon đựng đầy hộp xốp xếp chồng lên nhau được để dưới gốc cây.
Việc trồng cây xanh, bãi cỏ để không khí trong lành và làm đẹp cảnh quan cho mọi người, tuy nhiên, thay vì gìn giữ và chung tay bảo vệ thì nhiều người dân lại vô ý thức xem đó là bãi để xả rác của mình.
"Nhiều người chỉ biết sạch cho nhà mình nhưng không có ý thức với cộng đồng. Tôi thường xuyên bắt gặp những người chạy xe máy chở theo túi nilon lớn rồi vờ như rớt đồ không hay, nhưng thật chất đó là những bịch rác mà họ cố tình vứt dọc đường" - anh Nguyễn Văn Phúc (37 tuổi), ngụ TP Thủ Đức chia sẻ.
Rác nổi lềnh bềnh trên rạch Cầu Sơn.
Tại nhiều tuyến đường khác như Phạm Văn Đồng (Thủ Đức - Gò Vấp - Bình Thạnh), Võ Thị Sáu (quận 3)..., rác nằm nhan nhản trên đường, dưới chân bảng "cấm đổ rác", dưới cột đèn, gốc cây. Hay trên đường Ung Văn Khiêm (Bình Thạnh), những khu vực trước nhà dân hoặc trước cửa hàng đóng cửa ít người lui tới cũng mặc nhiên trở thành bãi rác của một bộ phận người dân vô ý thức.
Cũng không khá hơn đường bộ, nhiều kênh rạch tại TPHCM đã rơi vào tình trạng báo động bởi rác thải. Bên cạnh những cái tên quen thuộc như rạch Xuyên Tâm, rạch Văn Thánh... thì nhiều con kênh khác tại TPHCM cũng ngập trong rác.
Theo quan sát của PV, tại các kênh rạch ở các quận Bình Thạnh, Gò Vấp, quận 12, TP Thủ Đức..., rác nổi lềnh bềnh trên mặt kênh, nước đen ngòm, mặt nước đóng váng từng lớp.
Tại rạch Cầu Sơn (Bình Thạnh), hầu hết các loại rác thải đều có mặt trên con rạch này, từ bao nilon, chai nhựa, thùng xốp, lon bia... thi nhau nổi trên mặt nước đen ngòm, đặc quánh.
"Kênh rạch ô nhiễm là nơi để cho muỗi sinh sôi nảy nở gây bệnh sốt xuất huyết đang hoành hành hiện nay. Mọi người nên tự có ý thức để bảo vệ môi trường sống, không tự mình hại mình" - chị Trần Thanh Thúy (30 tuổi), ngụ quận Bình Thạnh nói.
Quy định xử phạt đã có từ lâu nhưng việc xử phạt vẫn còn bỏ ngỏ vì đa phần người dân lén đổ rác khiến lực lượng chức năng khó xác định được người vi phạm. Để giảm thiểu hành vi này, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát. Bên cạnh đó, người dân cũng cần nâng cao ý thức, nhắc nhở người vi phạm.