UBND huyện Gia Lâm ở đâu khi Cty Trọng Phụng vi phạm?
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã có kết luận thanh tra và chỉ rõ việc vi phạm trong quá trình sử dụng đất của Cty Trọng Phụng, đồng thời cũng chỉ ra trách nhiệm của UBND huyện Gia Lâm trong vấn đề này.
Từ năm 2015 đến năm 2018, UBND huyện Gia Lâm có 8 văn bản chỉ đạo UBND xã Đông Dư xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và 4 văn bản xin ý kiến UBND thành phố Hà Nội về thủ tục xin cấp phép cho Cty Trọng Phụng.
Tuy nhiên, việc Cty Trọng Phụng sử dụng hơn 20.072m2 đất nông nghiệp được giao thầu tại xã Đông Dư để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi kết hợp kinh doanh dịch vụ và du lịch sinh thái biến thành trạm bê tông hoạt động trái phép không được UBND huyện Gia Lâm xử lý, giải quyết.
Các công trình vi phạm chưa được giải tỏa, gồm: 1 trạm trộn trên nền trạm cũ, diện tích 150m2; 2 nhà tạm diện tích 68m2 và 76,5m2, mái lợp tôn; 1 trạm trộn bê tông tươi, 1 lán tạm diện tích 100m2, xây 8 trụ bằng gạch chỉ đỏ để kê 2 container, 1 nhà cấp 4, diện tích 28,05m2.
Ngày 25/4/2011, UBND huyện Gia Lâm có Quyết định số 803/QĐ-UBND cho Cty Trọng Phụng xây dựng một số hạng mục công trình trên phần đất bãi sông, là vi phạm Khoản 3, Khoản 4, Điều 26 Luật Đê điều năm 2006.
Trách nhiệm thuộc về ông Nguyễn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm (người ký Quyết định số 803/QĐ-UBND); Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện; Trưởng Phòng Kinh tế; Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường; Trưởng Phòng Quản lý đô thị, giai đoạn năm 2011.
Từ năm 2010 đến năm 2014, UBND huyện Gia Lâm không có biện pháp chỉ đạo xử lý vi phạm đối với Cty Trọng Phụng.
Năm 2015, UBND huyện có các văn bản chỉ đạo UBND xã Đông Dư, các phòng, ban của huyện xử lý vi phạm đối với Cty Trọng Phụng, nhưng thiếu đôn đốc, kiểm tra, giám sát, chưa có biện pháp chỉ đạo quyết liệt, nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh về vi phạm của Cty Trọng Phụng nhưng UBND huyện Gia Lâm không xử lý, giải quyết, vẫn để các vi phạm tồn tại.
Trách nhiệm thuộc Chủ tịch UBND huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách lĩnh vực, trưởng các phòng: Kinh tế, Tài nguyên và Môi trường; đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng huyện, từ năm 2010 đến năm 2020.
Trách nhiệm của Hạt quản lý đê số 6
Trong thời gian từ tháng 3/2010 đến tháng 3/2011, công ty đã hoàn thành các công trình vi phạm (trạm trộn bê tông nhựa, công trình lán xưởng lợp mái tôn) đưa vào hoạt động mà không bị xử lý.
Từ tháng 4/2010 đến tháng 2/2011, Cty Trọng Phụng đã xây dựng xong các công trình vi phạm trên diện tích hành lang bảo vệ đê.
Cũng từ tháng 1/2010 đến tháng 3/2010: Hạt Quản lý đê số 6 phối hợp với UBND xã Đông Dư lập 5 biên bản vi phạm về đê điều đối với Cty Trọng Phụng (ngày 5/1/2010, 26/1/2010, 29/1/2010, 10/2/2010, 17/3/2010) và gửi UBND xã Đông Dư, UBND huyện Gia Lâm đề nghị xử lý vi phạm, đồng thời có Báo cáo số 07/BC-HQLĐ6 ngày 10/2/2010, Báo cáo số 11/BC-HQLĐ6 ngày 12/3/2010 gửi Chi cục Đê điều và phòng, chống lụt bão. Tuy nhiên, các cơ quan này không có ý kiến xử lý.
Từ tháng 3/2011 đến tháng 5/2015, Hạt quản lý đê số 6 tiếp tục lập các biên bản vi phạm về đê điều (ngày 15/3/2011, 29/8/2014, 12/5/2015, 18/5/2015), có các quyết định tạm đình chỉ đối với Cty Trọng Phụng và gửi UBND xã Đông Dư, UBND huyện Gia Lâm đề nghị xử lý.
Năm 2014 - 2015, chỉ lập biên bản kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đê điều mà không lập biên bản vi phạm về đê điều là chưa thực hiện đúng điểm b, Khoản 2, Điều 6 Quy chế kèm theo Quyết định số 14/2014/QĐ-UBND ngày 14/3/2014 của UBND thành phố và là nguyên nhân dẫn đến hành vi vi phạm không bị ngăn chặn, xử lý.
Hạt Quản lý đê số 6 không đôn đốc, giám sát UBND xã Đông Dư xử lý vi phạm là chưa thực hiện điểm b, Khoản 3, Điều 7 Quy chế kèm theo Quyết định số 14/2014/QĐ-UBND ngày 14/3/2014 của UBND thành phố.
Trách nhiệm thuộc Hạt trưởng, Hạt Phó Hạt Quản lý đê số 6 phụ trách địa bàn và viên chức có liên quan, từ tháng 3/2010 đến tháng 3/2011 và năm 2014 - 2015.
UBND xã Đông Dư ký cho Cty Trọng Phụng thuê thầu trái thẩm quyền
Việc UBND xã Đông Dư ký Hợp đồng số 12/HĐ-UBND ngày 1/11/2011 cho Cty Trọng Phụng thuê thầu mặt bằng thực hiện phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi kết hợp với kinh doanh dịch vụ và du lịch sinh thái khu đất Vậu - bờ đầm sông Lòng Bống tại thôn Thượng, xã Đông Dư (ký Phụ lục Hợp đồng số 01/PLHĐ-UBND ngày 20/1/2017), là trái thẩm quyền theo quy định tại Điều 37 Luật Đất đai năm 2003 và Điều 59 Luật Đất đai năm 2013. Trách nhiệm thuộc Chủ tịch UBND xã Đông Dư, cán bộ địa chính xã, thời điểm năm 2011 và năm 2017.
Hành vi vi phạm đê điều của Cty Trọng Phụng phát sinh từ năm 2010, nhưng UBND xã Đông Dư không kiểm tra, xử lý vi phạm, là không thực hiện điểm d và điểm đ, Khoản 3, Điều 43 Luật Đê điều năm 2006.
Từ năm 2010 đến 2020, khi tiếp nhận hồ sơ, văn bản của Hạt Quản lý đê số 6, UBND xã Đông Dư không báo cáo Chủ tịch UBND huyện xử lý, là bao che cho sai phạm, không thực hiện trách nhiệm theo Khoản 1, Điều 7 Quy chế kèm theo Quyết định số 14/2014/QĐ-UBND ngày 14/3/2014 của UBND thành phố Hà Nội.
Trách nhiệm thuộc Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Dư phụ trách lĩnh vực và cán bộ địa chính xã Đông Dư, từ năm 2010 đến 2020.
Đến đây cũng có thể hiểu được vì sao Cty Trọng Phụng, với hàng loạt vi phạm về đất đai, môi trường, trật tự xây dựng nhưng vẫn có thể “ngang nhiên” hoạt động trái phép bất chấp các quy định pháp luật.