Triển vọng giá dầu, vàng tuần 18 - 22/4

18/04/2022 08:34

Dưới đây là đánh giá về thị trường dầu thô, vàng tuần trước và nhận định cho tuần này.

Kết thúc phiên 14/4, giá dầu Brent tương lai tăng 2,92 USD, tương đương 2,68%, lên 111,7 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai tăng 2,7 USD, tương đương 2,59%, lên 106,95 USD/thùng.

Hai loại dầu có tuần tăng đầu tiên trong tháng 4 với Brent tăng 8,7%, WTI tăng 8,8%.

Giá dầu có giai đoạn biến động mạnh chưa từng thấy kể từ sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine cuối tháng 2. Sự biến động này chủ yếu liên quan một yếu tố - liệu 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) có dừng nhập khẩu năng lượng từ Nga hay không.

Đến ngày 15/4, tình hình đang diễn biến theo chiều hướng xấu. Các hãng tin đưa tin các quan chức EU được cho là đang lên kế hoạch giảm dần nhập khẩu dầu từ Nga nhưng biện pháp này sẽ không được công bố cho đến sau vòng hai bầu cử tổng thống Pháp.

EU đã áp 5 vòng trừng phạt tài chính với Nga kể từ ngày 24/2 nhưng vẫn chưa đánh vào nhập khẩu khí đốt bởi hàng hóa này quá quan trọng với Đức. Đức cũng nhập khẩu 34% nhu cầu dầu từ Nga. Đây là thách thức không dễ - cả về tìm bên cung ứng thay thế lẫn phương án vận chuyển.

Sunil Kumar Dixit, giám đốc chiến lược kỹ thuật tại SK Charting, nói đà tăng có thể đẩy giá WTI lên 119 USD/thùng.

“Giá dầu WTI tăng 14 USD từ đáy 92,9 USD/thùng”, Dixit lưu ý. “Trong tuần, giá dầu WTI dự kiến vẫn vững chắc nếu ngưỡng hỗ trợ Fibonacci 38,2% 104,5 USD/thùng không bị thủng. Giá dầu sẽ hướng đến các mục tiêu 110 – 112 USD/thùng, tiếp đó là 114 – 116 USD/thùng, thậm chí là 119 USD/thùng”.

“Chiều ngược lại, nếu mất mốc 104,5 USD/thùng, giá dầu WTI có thể lao xuống 96,5 USD/thùng khá nhanh”.

Tồn kho dầu thô tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 8/4 tăng 9,4 triệu thùng lên 421,8 triệu thùng, vượt xa dự báo tăng 863.000 thùng, cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết. Tồn kho xăng giảm 3,6 triệu thùng, vượt dự báo giảm 388.000 thùng. Tồn kho sản phẩm tinh chế giảm 2,9 triệu thùng xuống 111,4 triệu thùng, thấp nhất kể từ năm 2014.

Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần kết thúc ngày 15/4 triển khai thêm 4 giàn khoan dầu và khí, nâng tổng số giàn khoan đang hoạt động lên 693, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, tuần tăng thứ 4 liên tiếp. Cụ thể, số giàn khoan dầu tăng 2 lên 548, số giàn khoan khí tăng 2 lên 143, số giàn khoan dự phòng giữ nguyên 2.

lynxmpee180me-l-5124-1650214188.jpg

Ảnh: Reuters.

Kim loại quý

Giá vàng ngày 14/4 giảm trong bối cảnh USD mạnh lên và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng. Giá vàng giao ngay tại sàn New York giảm 4,1 USD xuống 1.973,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giảm 0,5% xuống 1.974,9 USD/ounce.

Tuy nhiên, vàng vẫn có tuần tăng giá thứ hai liên tiếp do chiến sự ở Ukraine và xu hướng lạm phát tăng diện rộng làm tăng nhu cầu mua tài sản an toàn. Tương ứng với đà tăng của giá vàng, Phố Wall có tuần giảm thứ hai liên tiếp với lo ngại Fed có thể mạnh tay quá mức trong ứng phó lạm phát, đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái.

“Rủi ro chính trị liên quan tình hình Ukraine lại gia tăng, đẩy giá hàng hóa nói chung tăng, tạo ra môi trường lạm phát”, Stephen Innes, nhà phân tích tại SPI Asset Management, bình luận. “Mặt khác, thị trường không thể biết chắc đây có phải chỉ là hiệu ứng ngắn hạn hay không…”.

Quan điểm siết chính sách tiền tệ để ứng phó lạm phát của Fed gần đây bộc lộ ngày càng rõ. Thống đốc Fed Lael Brainard nói họ không do dự dùng công cụ lãi suất để kiểm soát lạm phát. Biên bản cuộc họp tháng 3 cũng phản ánh quan điểm này khi hầu hết thành viên Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) nhất trí “1 hoặc 2” lần tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm tại các cuộc họp tới.

FOMC muốn đưa lạm phát, đang cao nhất 4 thập kỷ, về mục tiêu 2% của Fed trong khoảng giữa cuối năm 2022 và 2023.

Dixit của SK Charting cho rằng giá vàng cần giành lại mốc hỗ trợ 1.980 USD/ounce để hướng đến các mốc 2.001 USD/ounce và 2.015 USD/ounce. Ở chiều ngược lại, giá vàng có thể về 1.959 USD/ounce, thậm chí điều chỉnh ngắn hạn về 1.932 USD/ounce.

Bạn đang đọc bài viết "Triển vọng giá dầu, vàng tuần 18 - 22/4" tại chuyên mục Tiêu dùng. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#