Trung Nam Đắk Lắk 1: Tăng sốc vốn trước thềm phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu

Ở thời điểm thành lập, Trung Nam Đắk Lắk 1 có vốn điều lệ 10 tỷ đồng. Nhưng sau đó, trước thềm phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu, thành viên của Trung Nam Group đã tăng sốc vốn.

trung-nam-group-1671012280.jpg

Phát hành hơn 10.000 tỷ đồng trái phiếu nửa sau năm 2021

2021 và nửa đầu năm 2022 là thời điểm thị trường trái phiếu vô cùng sôi động với khối lượng phát hành liên tục lập các kỷ lục mới. Tuy nhiên, tới tháng 4/2022, sau khi Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị bắt vì lừa đảo liên quan đến trái phiếu, kênh dẫn vốn này đã “đóng băng” trong thời gian ngắn.

Dù vậy, trước đó, hệ sinh thái Trung Nam đã thu về hàng chục ngàn tỷ đồng nhờ trái phiếu. Công ty cổ phần Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 (Công ty Trung Nam Đắk Lắk 1) là một trong những đơn vị năng nổ phát hành nhất.

Theo dữ liệu từ HNX, chỉ trong năm 2021, Công ty Trung Nam Đắk Lắk 1 đã 10 lần phát hành thành công trái phiếu với lượng vốn lên đến hơn 10.000 tỷ đồng. Việc huy động vốn qua trái phiếu chỉ diễn ra trong vòng nửa năm từ khoảng tháng 6/2021 đến hết năm.

Công ty Cổ phần Chứng khoán Vndirect có vai trò lớn trong các đợt phát hành trái phiếu của Trung Nam Group nói chung và Trung Nam Đắk Lắk 1 nói riêng. Vndirect vừa tư vấn hồ sơ, bảo lãnh phát hành, quản lý tài sản đảm bảo, vừa đăng ký lưu ký và thanh toán.

Một trong những lô trái phiếu đầu tiên của Trung Nam Đắk Lắk 1 có giá trị 600 tỷ đồng, được thực hiện hồi cuối tháng 6/2021. Một công ty chứng khoán trong nước đã mua lại hết số trái phiếu phát hành này.

Mục đích của đợt phát hành này là thực hiện đầu tư dự án Nhà máy điện gió Ea Nam có vị trí tại các xã Ea Nam, EA Khal, Dlie Yang thuộc huyện EA H'leo, tỉnh Đak Lak.

Tài sản đảm bảo của lô trái phiếu này bao gồm toàn bộ cổ phần của cổ đông Công ty Trung Nam Đắk Lắk 1; toàn bộ tài sản gắn liền với đất (bao gồm cả tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai) thuộc dự án nhà máy điện gió Ea Nam. Đồng thời, Công ty thế chấp động sản là toàn bộ máy móc, thiết bị và các động sản khác thuộc dự án.

Vốn tăng sốc trước thềm phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu

Công ty cổ phần Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 thành lập ngày 18/4/2018 với tên cũ - Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Phước Minh tại Ninh Thuận. Ở thời điểm thành lập, vốn điều lệ của công ty chỉ là 10 tỷ đồng.

Cơ cấu cổ đông bao gồm: Công ty cổ phần Thủy điện Trung Nam (sở hữu 5% vốn điều lệ, tương đương 500 triệu đồng), Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam – Trung Nam Group (sở hữu 92% vốn, tương đương 9,2 tỷ đồng) và ông Đỗ Hải Nam (sở hữu 5% vốn, tương đương 500 triệu đồng).

Ông Nguyễn Tâm Thịnh vừa là Chủ tịch Hội đồng quản trị, vừa là người đại diện pháp luật Trung Nam Đắk Lắk 1. Ông Thịnh cũng được biết đến với tư cách là ông chủ của Trung Nam Group.

Sau nhiều năm hoạt động và nhiều lần tăng vốn, tới ngày 30/12/2020, vốn chủ sở hữu Trung Nam Đắk Lắk 1 mới chỉ dừng lại ở con số 393 tỷ đồng. Nhưng trước khi công ty thực hiện hàng loạt đợt phát hành trái phiếu quy mô lớn, vốn công ty được tăng dần lên.

Tới ngày 8/2/2021, vốn điều lệ công ty được điều chỉnh vọt lên 2.497 tỷ đồng. Từ 20/4/2021, thời điểm công ty đang lên kế hoạch cho trái phiếu, vốn điều lệ một lần nữa vọt lên 3.800 tỷ đồng.

Trong năm 2021, giá trị trái phiếu Trung Nam Đắk Lắk 1 phát hành cao gấp 2,7 lần vốn chủ sở hữu hồi cuối năm 2021 và cao gấp 26 lần so với thời điểm cuối năm 2020.

Khả năng trả nợ yếu

Theo BCTC riêng lẻ 2021, tại ngày 31/12/2021, tổng nợ phải trả của Trung Nam Đắk Lắk 1 lên đến 10.524 tỷ đồng, cao gấp 2,8 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 73,5% tổng nguồn vốn/tổng tài sản.

Đáng chú ý, tài sản ngắn hạn của công ty thấp hơn rất nhiều so với nợ ngắn hạn. Cụ thể, hồi cuối năm 2021, tài sản ngắn hạn của Trung Nam Đắk Lắk 1 chỉ là 359 tỷ đồng nhưng chỉ tính riêng các chỉ tiêu: Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn (445 tỷ đồng) và Phải trả người bán ngắn hạn (106 tỷ đồng), nợ ngắn hạn đã vượt xa tài sản ngắn hạn.

Theo lý thuyết kế toán, Hệ số khả năng thanh toán hiện thời nhỏ hơn 1 (nghĩa là tài sản ngắn hạn nhỏ hơn nợ ngắn hạn) thì “khả năng trả nợ của doanh nghiệp yếu, là dấu hiệu báo trước những khó khăn tiềm ẩn về tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong việc trả các khoản nợ ngắn hạn. Khi hệ số càng dần về 0, doanh nghiệp càng mất khả năng chi trả, gia tăng nguy cơ phá sản”.

Đây là kết quả của việc công ty phải chi tiêu nhiều nhưng doanh thu và lợi nhuận thấp, chỉ đạt 94,3 tỷ đồng và 1,4 tỷ đồng.