Căng thẳng giữa 2 eo bờ Đài Loan đang trong giai đoạn căng thẳng nhất trong những năm gần đây. Việc Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi lên ý định đến Đài Loan đã khiến giới quân sự Trung Quốc nóng mặt.
Trong buổi họp báo ngày 1.8 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phát ngôn viên Triệu Lập Kiên nhắc lại: “Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sẽ không bao giờ ngồi yên, và chúng tôi sẽ đưa ra phản ứng kiên quyết và thực hiện các biện pháp đối phó mạnh mẽ để giữ vững chủ quyền của Trung Quốc và toàn vẹn lãnh thổ”.
Nói cách khác, Trung Quốc đã đặt tay lên gươm và sẵn sàng rút ra nếu thấy bị thách thức nghiêm trọng. Khi gươm rút ra thì một cuộc va chạm sẽ khó tránh khỏi. Có thể Trung Quốc sẽ không va chạm trực diện với Mỹ ngay lúc này mà sẽ dùng Đài Loan để trút giận những ngày tới đây.
Tất nhiên, tấn công lên đảo Đài Loan là một công việc rất phức tạp vì đòi hỏi thời gian và khối lượng quân sự rất lớn do Đài Loan cũng đề phòng và có một eo biển khá rộng phía trước làm chướng ngại vật.
Trung Quốc cũng không muốn có một cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài vì điều đó có thể làm ảnh hưởng đến sự ổn định và sự phát triển kinh tế của Trung Quốc.
Như vậy, Trung Quốc có một lựa chọn nào để có thể vừa cho Đài Loan thấy hậu quả của việc xích lại Mỹ quá lằn ranh, vừa khiến Mỹ không thể và không kịp đối phó, đồng thời Trung Quốc không phải chịu cái giá quá đắt.
Đảo Kim Môn – Đó là hòn đảo đang do Đài Bắc quản lý nhưng nó lại cách xa Đài Loan đến 200 km trong khi chỉ cách đại lục có 2 cây số mà thôi. Thông tín viên của Le Figaro dẫn một mô tả: "Ở đây, nó hơi giống Crimea của Đài Loan". Đây là hòn đảo mà Bắc Kinh thèm muốn. Môi trường yên bình và nông thôn của hòn đảo nhỏ Kim Môn tương phản với nhịp sống và đông đúc của Hạ Môn.
Quemoy là đảo Kim Môn
Chen Yu-Jen- một người của Quốc dân đảng, giải thích vị trí đặc biệt của hòn đảo quê nhà, nơi có 50.000 cư dân sinh sống: “Chúng tôi có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc nhưng hệ thống của chúng tôi là dân chủ. Ý tưởng của chúng tôi về đại lục khác với những người sống trên đảo Đài Loan. Và chúng tôi không yêu gì hơn là hòa bình”.
Tại sao Trung Quốc không đổ bộ lên Kim Môn khi đánh bại quân Tưởng Giới Thạch năm 1949. Thực tế thời đó, Trung Quốc muốn quét sạch một thể nhưng đà thắng lợi như chẻ tre của họ ở đại lục bị khựng lại ở Kim Môn.
Từ ngày 25-27.10.1949, tại Đại Kim Môn đã diễn ra chiến dịch Cổ Ninh Đầu, Giái phóng quân đã thất bại. Kết quả của cuộc chiến này không chỉ làm tiêu tan tham vọng đánh chiếm Kim Môn mà làm tiêu luôn tham vọng vượt biển đánh chiếm Đài Loan của quân đại lục, đồng thời phục hồi tinh thần chiến đấu của quân Quốc dân đảng.
Từ ngày 23.8 đến 5.10.1958, Trung Quốc tuyên bố "đoàn kết với cuộc đấu tranh chống xâm lược của nhân dân Trung Đông", phát động pháo kích Kim Môn, hay "Khủng hoảng eo biển Đài Loan lần hai", tổng cộng phía Trung Quốc đã bắn hơn 47 vạn đạn pháo vào quần đảo Kim Môn. Ngoài ra, hai bên tổng cộng phát sinh hơn 20 lần hải chiến nhưng có thể thấy là Trung Quốc khi đó không có khí tài để đánh thủy.
Năm 1979, Mỹ và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao. Để làm yên lòng Mỹ, Trung Quốc tuyên bố rằng họ sẽ đình chỉ pháo kích vào các đảo thuộc Kim Môn, chấm dứt 21 năm pháo chiến.
Sau hơn 40 năm, trình độ của quân đội Trung Quốc đã khác. Việc đánh chiếm một hòn dảo cách bờ biển họ chưa tới 2km là điều nằm trong tầm tay. Thậm chí, không cần đánh mà chỉ cần vây là đủ để đảo tự hàng.
Rõ ràng, Kim Môn là nơi không thể hợp hơn để Trung Quốc làm gì đó khiến Đài Loan phải trả giá mà không đẩy vấn đề đi quá xa. Nhưng nếu sau khi Trung Quốc làm chủ Kim Môn mà vẫn Đài Loan vẫn chưa làm Bắc Kinh hài lòng thì mọi chuyện sẽ bị đẩy xa tới đâu?Đôi khi ta nếm thử miếng nhỏ mà thấy ngon thì ta có thể muốn ăn miếng thật to.