Trung Quốc mạnh tay nới lỏng Zero Covid

Loạt thay đổi vừa công bố là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Bắc Kinh đang chuẩn bị để người dân sống chung với Covid...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Trung Quốc ngày 7/12 công bố những thay đổi lớn nhất trong chính sách chống dịch hà khắc Zero Covid kể từ khi đại dịch bắt đầu cách đây 3 năm. Những thay đổi này nới lỏng mạnh mẽ các quy định chống dịch vốn gây sức ép lớn lên nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới và đời sống của người dân nước này trong thời gian qua.

Theo tin từ Reuters, việc nới lỏng các quy định chống dịch - bao gồm cho phép người mắc Covid không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được cách ly tại nhà và bỏ quy định xét nghiệm bắt buộc đối với hành khách đi lại trong nội địa - là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Bắc Kinh đang chuẩn bị để người dân sống chung với Covid.

Trong số các thay đổi được Uỷ ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) công bố, có nhiều thay đổi phản ánh các biện pháp mà một số tỉnh thành và địa phương của nước này đã triển khai trong những ngày gần đây.

Phản ứng ban đầu cho thấy người dân Trung Quốc đánh giá tích cực về những thay đổi nói trên - một bước dịch chuyển có thể đưa đất nước đông dân nhất thế giới dần mở cửa trở lại với thế giới ở thời điểm 3 năm kể từ ngày Sars-CoV2 xuất hiện ở Vũ Hán hồi cuối năm 2019.

Tuyên bố của NHC nhanh chóng trở thành chủ đề được đọc nhiều nhất trên nền tảng mạng xã hội Weibo. Nhiều người dùng Weibo bày tỏ hy vọng sẽ sớm được trở lại với cuộc sống bình thường sau những cuộc phong toả kéo dài khiến hàng chục triệu người mệt mỏi về tinh thần.

“Đã đến lúc cuộc sống của chúng ta quay trở lại bình thường, và Trung Quốc trở lại với thế giới”, một người dùng Weibo viết.

Một số nhà đầu tư cũng hoan nghênh những thay đổi này, xem đây là một bước chuyển có thể thổi luồng sinh khí mới vào nền kinh tế đang đuối của Trung Quốc, vực dậy tỷ giá Nhân dân tệ, và tiếp sức cho nền kinh tế toàn cầu.

“Sự thay đổi chính sách này là một bước tiến lớn. Tôi hy vọng Trung Quốc sẽ mở cửa hoàn toàn trở lại trước giữa năm 2023”, chuyên gia kinh tế trưởng Zhiwei Zhang của Pinpoint Asset Management phát biểu.

Các doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc cũng hy vọng thay đổi mới có thể đánh dấu một sự dịch chuyển tới mở cửa trên diện rộng và nới lỏng các hạn chế đi lại. “Chúng tôi muốn môi trường kinh doanh ở đây quay trở lại trạng thái dễ đoán để các doanh nghiệp có thể quay trở lại hoạt động bình thường”, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Trung Quốc, ông Colm Rafferty, nói trong một tuyên bố.

Tuy nhiên, người phát ngôn Mi Feng của NHC phát biểu tại một cuộc họp báo rằng bất kỳ thay đổi nào trong các biện pháp chống dịch liên quan đến đi lại cũng sẽ diễn ra “từ từ”.

Thay đổi chính sách chống dịch của Trung Quốc được công bố một ngày sau khi Chủ tịch nước này, ông Tập Cận Bình, chủ trì một cuộc họp của Bộ Chính trị vào hôm thứ Ba. Trong bản tin về cuộc họp, thông tấn Tân Hoa Xã không hề đề cập đến chính sách “Zero Covid năng động”. Một số nhà phân tích xem đây có thể là một dấu hiệu về sự thay đổi trong chủ trương chống dịch của Bắc Kinh, nhưng không ai dám chắc đó có phải là một thay đổi mang tính căn bản hay không.

Những ngày gần đây, giới chức Trung Quốc cũng giảm nhẹ khi nói về những rủi ro của Covid-19, về mức tương tự như những gì các quốc gia khác nói trong hơn 1 năm qua khi các nước cắt giảm các hạn chế và dịch chuyển theo hướng sống chung với căn bệnh này. Việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp chống dịch cũng khiến nhiều người dân ở nước này đổ xô đi mua thuốc chữa ho và hạ sốt, nhất là những người già chưa tiêm phòng đầy đủ - đối tượng được cho là dễ bị ảnh hưởng hơn bởi Covid.

Đến nay, Trung Quốc báo cáo 5.235 ca tử vong liên quan đến Covid, một tỷ lệ nhỏ nếu so với dân số 1,4 tỷ người của nước này và rất thấp so với tỷ lệ toàn cầu.

Đồng Nhân dân tệ đã hồi phục mạnh so với USD trong những phiên giao dịch gần đây, nhờ kỳ vọng Chính phủ Trung Quốc sắp nới Zero Covid. Tuy nhiên, Nhân dân tệ vẫn đang tiến tới hoàn tất năm mất giá mạnh nhất kể từ khi Trung Quốc hợp nhất tỷ giá chính thức và tỷ giá thị trường vào năm 1994, và nguyên nhân là do nền kinh tế nước này bị ảnh hưởng nặng nề bởi các biện pháp chống Covid.

Thống kê công bố ngày 7/12 cho thấy cả xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 11 đều giảm mạnh hơn dự báo. Trong đó, xuất khẩu của nước này giảm 8,7% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái, mạnh hơn nhiều so với mức giảm 0,3% ghi nhận trong tháng 10 và là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2020. Nhập khẩu giảm 10,6%, so với mức giảm 0,7% trong tháng 10.

Trước đó, giới phân tích dự báo xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc tháng 11 giảm tương ứng 3,5% và 6%.