Trưởng phòng Giáo dục Cầu Giấy cho Atlantic dạy song bằng không cần đấu thầu?

Năm 2020 Atlantic trúng thầu gói thầu thí điểm đào tạo song bằng tại THCS Cầu Giấy (8.046.660.000 VNĐ) và THCS Nghĩa Tân (7.649.220.000 VNĐ).

Tòa soạn nhận được phản ánh của bạn đọc rằng ngày 29/04/2021, Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty TNHH Giáo dục và đào tạo quốc tế Đại Tây Dương, trong đó có nội dung:

"Phòng Giáo dục quận Cầu Giấy đồng ý phê duyệt cho Atlantic tiếp tục thực hiện triển khai giảng dạy chương trình Song bằng Cambridge đang thực hiện tại trường THCS Cầu Giấy và THCS Nghĩa Tân năm học 2019-2020 và các năm sau đó theo đúng Đề án thí điểm Song bằng Cambridge của UBND thành phố Hà Nội giao Sở GD&ĐT Hà Nội chủ trì thực hiện."

Biên bản ghi nhớ này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Ảnh tư liệu.

Bạn đọc phản ánh đến Tạp chí, cho rằng đây là một việc bất thường, vì năm 2020 Công ty TNHH Giáo dục và Đào tạo Quốc tế Đại Tây Dương có trúng thầu gói thầu thí điểm đào tạo song bằng tại THCS Cầu Giấy (8.046.660.000 VNĐ) và THCS Nghĩa Tân (7.649.220.000 VNĐ) [1], vậy cơ sở nào để Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Cầu Giấy cam kết cho Atlantic tiếp tục thực hiện việc đào tạo song bằng tại 2 trường mà không qua cơ chế đấu thầu như năm học trước?

Để có thông tin kịp thời và chính xác trả lời bạn đọc, ngày 4/6/2021 phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ qua điện thoại, tin nhắn và gửi câu hỏi qua email đến Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy, ông Phạm Ngọc Anh.


Trước đó, trong cuộc họp ngày 20/4/2021 giữa lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội với hiệu trưởng các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông đang thí điểm mô hình song bằng và các phòng, ban liên quan, đã có nhiều vấn đề, câu hỏi được các trường đặt ra.Tuy nhiên hiện tại Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam vẫn chưa nhận được phản hồi từ Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy Phạm Ngọc Anh.

Trường Trung học cơ sở Cầu Giấy học sinh song bằng ngày càng đông, đang thừa kinh phí (học phí song bằng) vì chỉ được chi 4 nội dung theo đề án, 2 năm vừa rồi thừa xấp xỉ 1 tỷ đồng (khoảng 800 triệu đồng). Trường Trung học phổ thông Chu Văn An đang tồn trong kho bạc hơn 7 tỷ đồng. Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam đang thừa khoảng 17 tỷ đồng trong kho bạc tiền học phí song bằng do Trường tự thuê giáo viên mà không phải qua trung gian.

Theo Đề án Thí điểm đào tạo chương trình song bằng THCS Việt Nam và Chứng chỉ IGCSE Cambridge tại trường THCS trên địa bàn thành phố Hà Nội, học phí song bằng thu của người học chỉ để chi các nội dung sau:

- Chi trả tiền lương cho giáo viên giảng dạy chương trình IGCSE;

- Chi tiền giáo trình của giáo viên;

- Chi trả chi phí bản quyền của CAIE (phí thường niên);

- Chi trả lương cho Điều phối viên chương trình.

Trong đó phương án chi trả lương cho giáo viên giảng dạy chương trình IGCSE theo tiết dạy và Điều phối viên, Đề án quy định cụ thể: 90 USD/tiết Toán, Lý, Hóa, ICT, Khoa học; 80 USD/tiết tiếng Anh và 70 triệu đồng/tháng cho điều phối viên chương trình.

Nếu "Phòng Giáo dục quận Cầu Giấy đồng ý phê duyệt cho Atlantic tiếp tục thực hiện triển khai giảng dạy chương trình Song bằng Cambridge đang thực hiện tại trường THCS Cầu Giấy và THCS Nghĩa Tân năm học 2019-2020 và các năm sau đó theo đúng Đề án thí điểm Song bằng Cambridge của UBND thành phố Hà Nội giao Sở GD&ĐT Hà Nội chủ trì thực hiện" như biên bản ghi nhớ, phải chăng học phí song bằng của 2 trường sẽ được chuyển thẳng cho Atlantic theo đúng đơn giá trong Đề án thí điểm của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội?

Vì sao cùng triển khai thực hiện đề án thí điểm mô hình song bằng cấp trung học cơ sở của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, có trường dư hàng chục tỉ đồng học phí, có trường lại hết?