Lợi nhuận SBT tăng, nhưng nợ cũng tăng
Các con số kinh doanh của TTC Sugar trong quý IV và cả năm tài chính 2021 – 2022 của TTC Sugar cho thấy, doanh nghiệp này đang vào đà tăng tốc, với doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ quý IV/2022 của TTC Sugar là 5.508 tỷ đồng, tăng trưởng 32% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu thuần lũy kế cả năm tài chính đạt 18.325 tỷ đồng, tăng 23% so với nửa đầu năm 2022.
Lợi nhuận trước thuế quý IV/2022 đạt 200 tỷ đồng, giảm hơn 15% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế lũy kế cả năm tài chính đạt 1.002 tỷ đồng, tăng khoảng 28% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế quý IV/2022 của doanh nghiệp mía đường này ghi nhận kết quả 170 tỷ đồng, giảm nhẹ so với 171 tỷ đồng trong quý II/2021; tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lũy kế cả năm tài chính 2022 vẫn đạt tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với kết quả vừa đạt được, TTC Sugar năm thứ hai liên tiếp ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao về lợi nhuận. Trước đó trong niên độ tài chính 2020-2021, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 14.925 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ với mức tiêu thụ 1,16 triệu tấn đường, tăng 10%. Lợi nhuận sau thuế năm ngoái đạt 650 tỷ đồng, tăng 79% so với niên độ trước.
Trong niên độ tài chính 2021-2022, TTC Sugar đã đặt mục tiêu tổng sản lượng tiêu thụ dự kiến tăng nhẹ và giữ vững thị phần ở các phân khúc kinh doanh đã xây dựng. Doanh thu kế hoạch tăng 13%, tương đương 16.905 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 750 tỷ đồng. Theo đó sau khi kết thúc năm tài chính 2021 – 2022, TTC Sugar đã vượt 33,6% kế hoạch lợi nhuận của năm.
Mặc dù lợi nhuận của TTC Sugar đạt tăng trưởng khá, nhưng quy mô nợ của công ty này cũng có xu hướng tăng khá nhanh trong năm tài chính vừa qua. Giá trị nợ phải trả của TTC Sugar tại thời điểm 30/6/2022 là 17.827 tỷ đồng, tăng 46% so với đầu năm tài chính.
Trong giai đoạn này, vốn chủ sở hữu của công ty cũng tăng nhưng tốc độ tăng vốn chủ sở hữu chỉ là khoảng 17%, thấp hơn khá nhiều so với tốc độ tăng của nợ phải trả. Theo đó, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của TTC Sugar đang có xu hướng tăng trong năm tài chính 2021 – 2022, từ mức khoảng dưới 1,5 lần thời điểm đầu năm tài chính, lên mức hơn 1,85 lần vào cuối năm tài chính.
Loanh quanh các thương vụ mua bán “họ hàng”
Một trong những đặc điểm hoạt động kinh doanh của TTC Sugar là công ty có khá nhiều hoạt động mua bán với những người anh em thuộc nội bộ “hệ sinh thái” của Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group).
Những doanh nghiệp có mối quan hệ “họ hàng” với TTC Sugar và có giao dịch kinh tế với công ty này trong thời gian qua có thể kể đến Công ty cổ phần Đầu tư Thành Thành Công (cổ đông lớn), Công ty cổ phần Thương mại Thành Thành Công (đồng chủ sở hữu), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (công ty cùng tập đoàn).
Các doanh nghiệp là “Bên liên quan” có thể có khả năng kiểm soát lẫn nhau
Theo Chuẩn mực kế toán số 26 về Bên liên quan, kiểm soát là quyền sở hữu trực tiếp hay gián tiếp thông qua các công ty con, đối với hơn nửa quyền biểu quyết của một doanh nghiệp hoặc có vai trò đáng kể trong quyền biểu quyết và quyền quyết định các chính sách tài chính và hoạt động của ban quản lý doanh nghiệp (theo luật hoặc theo thỏa thuận).
Danh sách các doanh nghiệp liên quan có giao dịch kinh tế với TTC Sugar còn có Công ty cổ phần Sản xuất – Thương mại Bao bì Thành Thành Công (công ty cùng tập đoàn), Công ty cổ phần Khai thác và Quản lý Khu công nghiệp Đăng Huỳnh (cùng tập đoàn), Công ty cổ phần Khu công nghiệp Thành Thành Công (cùng tập đoàn), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Tân Định (công ty liên kết), Công ty cổ phần Du lịch Thành Thành Công (cùng tập đoàn), Công ty cổ phần Thương mại Thành Thành Công – Chi nhánh miền Trung (cùng tập đoàn)…
Trong khi đó, nhiều công ty trong số này có quan hệ kinh tế vừa mua nhưng cũng vừa bán hàng hóa với TTC Sugar.
Chẳng hạn, TTC Sugar có quan hệ bán hàng hóa và thành phẩm cho Công ty cổ phần Đầu tư Thành Thành Công, nhưng cũng có quan hệ mua hàng hóa từ công ty này; TTC Sugar bán hàng hóa và đồng thời cũng mua hàng hóa với Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Tân Định; công ty cũng bán hàng hóa, đồng thời nhận cung cấp dịch vụ từ Công ty cổ phần Thương mại Thành Thành Công…
Ngoài ra, TTC Sugar cũng có những khoản phải thu khá lớn với Công ty cổ phần Toàn Hải Vân (công ty cùng tập đoàn). Riêng khoản phải thu từ đặt cọc tiền thuê đất với công ty này lên tới 418 tỷ đồng, ngoài ra công ty còn có tiền đặt cọc mua cổ phần với Toàn Hải Vân 363 tỷ đồng.
Thuật ngữ “Bên liên quan” theo quy định tại Chuẩn mực kế toán số 26
Các bên được coi là liên quan nếu một bên có khả năng kiểm soát hoặc có ảnh hưởng đáng kể đối với bên kia trong việc ra quyết định các chính sách tài chính và hoạt động.
Giao dịch giữa các bên liên quan là việc chuyển giao các nguồn lực hay các nghĩa vụ giữa các bên liên quan, không xét đến việc có tính giá hay không.