Từ vụ Biti's dùng gấm Trung Quốc: Sự thật buồn...

Ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam giống như đứa trẻ không chịu lớn, do vậy phải chấp nhận nhập khẩu từ nước ngoài.

Biti's vừa xin lỗi, tuyên bố thu hồi và làm lại toàn bộ sản phẩm thuộc bộ sưu tập giày được mô tả là "tôn vinh văn hóa miền Trung" vì đã sử dụng loại gấm rẻ tiền mua trên Taobao - website bán hàng của Trung Quốc. Loại gấm này có chất lượng trung bình, độ bền thấp.

Theo PGS.TS Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công thương, Biti's đã xin lỗi và thừa nhận sai sót, song từ sự việc này cũng cho thấy một thực tế đáng buồn, đó là ngành công nghiệp hỗ trợ nói chung của Việt Nam và công nghiệp hỗ trợ ngành da giày, túi xách, dệt may nói riêng còn yếu, phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, nguyên phụ liệu chiếm tới 68 - 75% trong cơ cấu giá thành sản phẩm giày dép, nhưng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm này của doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ đạt 40 - 45%.

Đây là một trong những rào cản của ngành da giày khi tiếp cận các thị trường có yêu cầu cao, đặc biệt khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ 1/8.

Theo hiệp định này, EU cam kết loại bỏ thuế nhập khẩu ngay khi hiệp định có hiệu lực cho 37% số dòng thuế ngành giày, dép. Tuy nhiên, các doanh nghiệp da giày chỉ được hưởng lợi nếu tự chủ được nguyên liệu và để được hưởng thuế suất thấp, cần phải đáp ứng được quy định về xuất xứ thông qua hàm lượng giá trị trong khu vực khi sử dụng nguyên liệu từ Việt Nam và các nước thành viên trong EVFTA.

PGS.TS Phạm Tất Thắng cho biết, ngành da giày, túi xách, may mặc sử dụng rất nhiều nguyên liệu, phụ kiện và nếu Việt Nam tự sản xuất thì... không bõ vì không đủ quy mô để hạ giá thành.

Bởi vậy, các nhà sản xuất ở Việt Nam lựa chọn phương án lúc cần thì đi nhập, mà những nguyên, phụ liệu này ở Trung Quốc lại vô cùng phong phú và giá rẻ. Do đó, việc nhập khẩu nguyên, phụ liệu từ thị trường Trung Quốc là điều không tránh khỏi đối với da giày, túi xách, dệt may Việt Nam.

Biti's xin lỗi và nhận trách nhiệm việc dùng gấm Trung Quốc để "tôn vinh nét đẹp miền Trung"

Các con số từ Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương Mại (Bộ Công thương) đã cho thấy điều này. Năm 2020 kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam đạt 35,29 tỷ USD, nhưng nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất hàng dệt và may mặc của Việt Nam cũng lên tới con số 21,38 tỷ USD.

Đáng chú ý, trong số bốn thị trường cung cấp nguyên phụ liệu dệt may chủ yếu vào Việt Nam là Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và Mỹ thì Trung Quốc là thị trường cung cấp chiếm tỷ trọng lớn nhất chiếm tới 50,61% tổng trị giá nhập khẩu các nguyên phụ liệu ngành dệt may của Việt Nam. Tiếp đến là Hàn Quốc với tỷ trọng chiếm 10,67%.

Số liệu từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cũng cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam 9 tháng năm 2021 đạt 29 tỷ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ 2020, trong khi tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên, phụ liệu đạt 18 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Tương tự, với ngành da giày, hàng năm, các doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu các nguyên, phụ liệu vô cùng tỉ mẩn như da thuộc, vải kỹ thuật, phụ kiện làm khuôn, đế, chất dẻo, keo dán, hóa chất…

Riêng da thuộc, theo Hiệp hội Da giày, Túi xách Việt Nam (LEFASO), Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc, những năm gần đây đều chi trên 300 triệu USD/năm để nhập.

Cụ thể, năm 2019 chi 380 triệu USD, 2020 chi 278,1 triệu USD, riêng 8 tháng năm 2021 chi 371,9 triệu USD, chiếm tỷ trọng 32,2%. Tiếp theo đó là các thị trường Italy, Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)...

Cho rằng phải chấp nhận thực tế này khi ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam yếu kém, song vấn đề đặt ra là làm thế nào để đảm bảo các quy tắc xuất xứ mà Việt Nam đã ký kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Theo PGS.TS Phạm Tất Thắng, có hai cách giải quyết. Thứ nhất, những nguyên, phụ liệu, giá trị không nhiều nhưng lại vô cùng phong phú, nếu Việt Nam tự đi sản xuất tất cả thì không thể, giá thành lại rất cao. Do đó, Việt Nam có thể chủ động những nguyên liệu chính thì tỷ trọng vẫn đảm bảo theo những quy định trong FTA đã ký kết.

Cách giải quyết thứ hai, trong các FTA có nguyên tắc cộng gộp, Việt Nam có thể nhập các nguyên liệu từ các quốc gia có tham gia FTA đó mà vẫn đúng luật. Phương án này cũng mở đường cho Việt Nam giải quyết vấn đề khan hiếm nguồn nguyên, phụ liệu.

"Tất nhiên, để nâng cao nội lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam phải biết đầu tư vào đâu, xác định cái nào là nguyên liệu chính để đảm bảo được tỷ trọng theo quy định khi tính quy tắc xuất xứ", ông Thắng nhấn mạnh.

Ngành dệt may là một ví dụ. Vị chuyên gia cho biết, một thời gian dài Việt Nam nhập toàn bộ nguyên liệu đầu vào, thậm chí cả mẫu mã cũng chỉ làm gia công nên không đảm bảo được quy tắc xuất xứ của Việt Nam.

Thế nhưng, sau khi có chủ trương và một thời gian dài đầu tư, cho đến nay, Việt Nam đã cơ bản giải quyết được các vấn đề về sợi, vải, thậm chí sản xuất vải Việt Nam hiện nay còn dư dả, có thể xuất khẩu.

Vậy nhưng, ngành dệt may vẫn vấp phải các vấn đề về cơ cấu. Yêu cầu mặt hàng vải cho Việt Nam, đặc biệt là những nguyên liệu cho dệt may vô cùng tỉ mỉ, phức tạp, cho nên nhập khẩu là không thể tránh khỏi.