Tuần chao đảo của thị trường vàng

26/02/2022 13:21

Giá vàng thế giới có lúc tăng vượt mốc 1.970 USD nhưng lại đóng cửa tuần dưới vùng 1.890 USD. Tương tự, giá vàng trong nước cũng đã giảm nhanh những phiên giao dịch cuối tuần.

Thị trường vàng thế giới đã khép lại tuần giao dịch cuối cùng của tháng 2 với diễn biến đầy biến động. Trên biểu đồ giá hàng ngày, vàng vật chất khởi đầu đầu tuần này ở mức 1.895 USD/ounce và đi ngang vùng 1.900 USD trong 3 phiên đầu tiên.

Đến phiên 24/2 (giờ Mỹ) khi những căng thẳng địa chính trị tại Nga và Ukraine trở thành một cuộc xung đột quân sự, lần đầu tiên kể từ tháng 8/2020, giá vàng thế giới đã vượt mốc 1.970 USD/ounce.

Tuy nhiên, không lâu sau cú sốc này, giá kim quý đã nhanh chóng hạ nhiệt và giảm về dưới vùng 1.900 USD.

Diễn biến giá vàng thế giới tuần này. Nguồn: Tradingview.

Giá vàng thế giới lao dốc

Trong phiên giao dịch cuối tuần đêm qua (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đã giảm tiếp về mức 1.889 USD/ounce, thấp hơn 14,5 USD so với phiên liền trước. Thậm chí, so với cuối tuần trước giá mặt hàng này còn thấp hơn 10,2 USD, tương đương mức giảm ròng 0,5% trong tuần.

Theo các chuyên gia phân tích, việc giá vàng lao dốc trong 2 phiên cuối tuần có nguyên nhân chính từ các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhắm vào Nga.

Ông Bart Melek, chuyên gia chiến lược toàn cầu của TD Securities, cho biết các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và phương Tây đưa ra với quốc gia đông Âu này không gay gắt như thị trường lo ngại.

Đặc biệt là việc nhiều quốc gia phương Tây không đồng ý loại Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT (Hiệp hội viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu, đơn vị thực hiện các giao dịch tài chính xuyên biên giới).

Có vẻ nhiều quốc gia EU không còn liên kết với Mỹ và Anh để áp đặt những biện pháp khắc nghiệt nhất với Nga

Everett Millman, chuyên gia kim loại quý của Gainesville Coins

Bên cạnh đó, thị trường năng lượng cũng không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt, đồng nghĩa với việc giảm căng thẳng về nguồn cung dầu.

Ông Everett Millman, chuyên gia kim loại quý của Gainesville Coins, cũng có quan điểm tương tự. Theo ông, việc nhiều quốc gia phương Tây không đồng ý loại Nga khỏi hệ thống SWIFT cho thấy mức độ nghiêm trọng và phản ứng của các bên không đồng nhất với nhau.

“Đây là một phần lý do đằng sau sự đảo chiều của vàng vào cuối tuần. Hiện nay, có vẻ nhiều quốc gia EU không còn liên kết với Mỹ và Anh để áp đặt những biện pháp khắc nghiệt nhất với Nga”, ông Millman nhận định.

Trước diễn biến lao dốc nhanh của giá vàng thế giới, tại thị trường trong nước, cả vàng nhẫn và vàng miếng đều ghi nhận xu hướng hạ nhiệt trong phiên cuối tuần hôm nay.

Vàng trong nước hạ nhiệt

Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) hiện niêm yết giá vàng miếng ở mức 64,4 - 65,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 400.000 đồng giá mua và 200.000 đồng giá bán so với cuối ngày hôm qua. Tuy vậy, nếu so với cùng giờ sáng ngày 25/2, giá vàng miếng SJC hiện tại đã giảm tới 1,35 triệu đồng.

Tuần này, mức giá cao nhất SJC niêm yết với vàng miếng là 66,95 triệu/lượng ghi nhận trong phiên 25/2, đây cũng là mức giá cao nhất mà SJC từng đưa ra.

Dù đã giảm liên tục từ mức đỉnh này, giá bán vàng miếng SJC hiện tại vẫn cao hơn 2,35 triệu so với cuối tuần trước, tương đương mức tăng ròng 3,7%.

Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) tuần này cũng ghi nhận mức giá cao nhất với vàng miếng ở 65 - 66,9 triệu/lượng (mua vào - bán ra) trong phiên chiều ngày 24/2.

Tuy nhiên, nửa cuối ngày hôm qua và sáng nay, giá vàng miếng tại đây đã giữ xu hướng giảm liên tục, hiện được mua vào ở mức 64,2 triệu/lượng và bán ra ở 65,5 triệu/lượng, giảm lần lượt 500.000 đồng giá mua và 300.000 đồng giá bán.

Tương tự SJC, nếu so với cuối tuần trước, giá vàng miếng tại PNJ hiện vẫn cao hơn 2,3 triệu đồng.

Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI là doanh nghiệp niêm yết giá vàng miếng cao nhất tuần này với mức 67,5 triệu/lượng (bán) trong phiên 24/2. Tuy vậy, khi giá vàng thế giới lao dốc, giá vàng miếng tại đây cũng nhanh chóng hạ nhiệt.

Đến sáng nay, DOJI chấp nhận mua vào vàng miếng ở mức 64 triệu/lượng và bán ra ở 65,5 triệu đồng, giảm 2 triệu so với mức đỉnh cách đây 2 ngày trước.

Nếu so với cuối ngày hôm qua, giá vàng miếng hiện tại của DOJI cũng thấp hơn 300.000 đồng/lượng. Tuy nhiên, xét trên biểu đồ giá, vàng miếng tại đây vẫn duy trì mức tăng 2,3 triệu đồng tuần này.

Cũng trong phiên cuối tuần hôm nay, Bảo Tín Minh Châu; Vàng Phú Quý và Vàng Mi Hồng… đều bán ra vàng miếng ở mức 65,5 triệu/lượng, giảm mạnh so với mức 67 triệu đồng ghi nhận trong phiên 24/2, nhưng vẫn cao hơn so với mức 63 triệu/lượng hồi cuối tuần trước.

Bạn đang đọc bài viết "Tuần chao đảo của thị trường vàng" tại chuyên mục Tiêu dùng. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#