“Uẩn khúc” trong công tác đấu thầu!

31/05/2022 11:39

Kết luận thanh tra số 01 của Thanh tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, kít xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã chỉ ra hàng loạt vi phạm, thiếu sót, tồn tại, đặc biệt là trong công tác đấu thầu.

Nhiều “uẩn khúc” trong công tác đấu thầu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: TQ ​

Kết luận thanh tra cho thấy, trong thời gian từ 1/1/2020 đến 31/12/2021, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện việc mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm phòng, chống dịch Covid-19, với tổng giá trị đã thanh toán là gần 207 tỷ đồng từ nguồn ngân sách.

Về trang thiết bị y tế, Sở Y tế thực hiện 10 gói thầu (6 gói mua sắm, 4 gói tư vấn), mua sắm 25 thiết bị với tổng giá trị gần 70,6 tỷ đồng; các cơ sở y tế mua sắm hơn 1,4 tỷ đồng.

Về vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, Sở Y tế thực hiện 6 gói thầu với tổng giá trị gần 68 tỷ đồng; Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) tỉnh thực hiện 6 gói thầu với tổng giá trị gần 55 tỷ đồng.

Kết quả thanh tra cho thấy có nhiều “uẩn khúc” từ khâu lập dự toán, thẩm định dự toán, lựa chọn nhà thầu cho đến thực hiện hợp đồng tại các gói thầu của cả Sở Y tế và CDC tỉnh thực hiện.

Đối với 5 gói thầu mua 25 loại thiết bị (23 thiết bị nhập khẩu) mua sắm đợt 1/2020, Sở Y tế chỉ căn cứ vào 2 chứng thư thẩm định giá để lập dự toán mua sắm, cụ thể: Chứng thư số VC20228.02/DS-SEAAC ngày 28/2/2020 của Công ty CP Tư vấn Thẩm định giá Đông Nam Á (SEAAC) cho 12 loại thiết bị và Chứng thư số 3546/19/CER.VVALSE ngày 20/6/2020 của Công ty TNHH Thẩm định giá Chuẩn Việt (Công ty Chuẩn Việt) cho 13 loại thiết bị.

Chênh lệch giá các gói thầu khá cao. Ảnh: TQ 

Kết quả thanh tra cho thấy, cả 2 đơn vị thẩm định giá thực hiện việc thẩm định có nhiều sai sót: Các công ty cung cấp báo giá chưa có thiết bị sẵn, nên căn cứ giá của bên đấu giá và ước tính chi phí để cung cấp báo giá cho đơn vị tư vấn.

Tuy nhiên, Công ty TNHH Trang thiết bị y tế Đại Phúc (Công ty Đại Phúc), Công ty Tạ Thiên Ân, Công ty TNHH Thương mại thiết bị y khoa Nguyễn Tùng (Công ty Nguyễn Tùng), Công ty An Thịnh Health, Công ty THHH Y tế Việt Tiến (Công ty Việt Tiến) cung cấp báo giá cho SEAAC và Công ty Chuẩn Việt cao hơn giá trúng thầu và giá bán ra cho các đơn vị trúng thầu mua hàng để cung cấp các gói thầu cho Sở Y tế.

Kết quả kiểm tra việc thực hiện 5 gói thầu của Sở Y tế cho thấy, việc thực hiện hợp đồng, Sở Y tế có văn bản xin gia hạn thời gian giao hàng đến ngày 30/8/2020 (trong khi đó ký hợp đồng từ ngày 15/4/2020 và thời gian thực hiện hợp đồng là 45 ngày) và nhiều vi phạm khác như: Hàng mua vào sau ngày xuất bán cho bên mua; chênh lệch giữa giá trúng thầu so với giá nhập khẩu tăng 171% và giá mua vào tăng 47,6%...  

Đơn cử, đối với Gói thầu số 04, Công ty Nguyễn Tùng (đơn vị trúng thầu) trực tiếp nhập khẩu 2/4 loại thiết bị, chào giá cho các cơ sở y tế đề xuất mua sắm và tham gia báo giá cho thẩm định giá (Công ty Chuẩn Việt) và được Sở Y tế chỉ định thầu.

Theo báo cáo của Công ty Nguyễn Tùng, giá trúng thầu trên 22,316 tỷ đồng, trong đó giá mua vào trên 11,124 tỷ đồng và chi phí liên quan trên 5,053 tỷ đồng, nhưng Công ty Nguyễn Tùng không cung cấp được các chứng từ liên quan các chi phí để chứng minh là phù hợp. Theo số liệu này, Công ty Nguyễn Tùng có khoản thu sau khi trừ chi phí lên đến trên 6,139 tỷ đồng (tỷ lệ tăng so với giá trúng thầu 27,5%). Giá trúng thầu so với giá nhập khẩu tỷ lệ tăng 164% và so với giá mua vào tỷ lệ tăng 101%.

CDC tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: TQ 

Gói thầu số 06, Công ty An Thịnh Health mua thiết bị từ Công ty Tạ Thiên Ân, thiết bị này do Công ty Tạ Thiên Ân mua từ Công ty Đại Phúc. Tuy nhiên, hóa đơn bán hàng giữa Công ty Đại Phúc và Công ty Tạ Thiên Ân lại xuất sau hóa đơn bán hàng giữa Công ty Tạ Thiên Ân và Công ty An Thịnh Health; thời gian mua hàng, bàn giao và nhập khẩu không phù hợp.

Gói thầu số 07 cũng vậy. Kết luận thanh tra cho thấy, Công ty Lê Minh mua vào với giá trên 7,773 tỷ đồng (đã bao gồm VAT), chênh lệch giữa giá trúng thầu so với giá mua vào tăng 4,489 tỷ đồng (tỷ lệ 57,8%). Công ty Lê Minh chỉ là đơn vị bán hàng trung gian, nhưng có khoản chênh lệch lợi nhuận rất lớn.

Gói thầu mua sắm kit xét nghiệm kháng nguyên SARS-CoV-2 (đợt 5), CDC tỉnh chỉ đề xuất nhu cầu về số lượng kít xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 (được Sở Y tế chấp thuận mua 100.000 bộ) mà không có biên bản họp hội đồng khoa học, không thể hiện mua loại nào. Sở Y tế trình UBND tỉnh dự toán mua 100.000 bộ kít xét nghiệm kháng nguyên chỉ căn cứ vào chứng thư thẩm định giá số 3553/21/CER.VVALUES mà Thanh tra tỉnh chỉ ra là chỉ dựa trên 2 bảng báo giá và 1 kết quả trúng thầu của 3 loại test khác nhau là không chính xác.

Đối với 1 gói thầu đợt 2 năm 2021 (mua sắm hệ thống máy xét nghiệm PCR), dự toán kinh phí trên 4,592 tỷ đồng; 6 gói thầu mua sắm vật tư y tế, sinh phẩm, hóa chất do Sở Y tế thực hiện gần 67,940 tỷ đồng; gói thầu mua sắm sinh phẩm cho xét nghiệm virut SARS-CoV-2 bằng phương phát realtime RT-PCR, giá dự toán gần 17,823 tỷ đồng; gói thầu mua hóa chất khử khuẩn phòng, chống dịch đợt 1/2020, tổng kinh phí gần 1,448 tỷ đồng và một số gói thầu khác, qua thanh tra, cũng phát hiện nhiều vi phạm tương tự.

Bạn đang đọc bài viết "“Uẩn khúc” trong công tác đấu thầu!" tại chuyên mục KINH TẾ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#