Ùn ứ cửa khẩu Lạng Sơn: Cần thay đổi tư duy thị trường nông sản Việt

Theo các chuyên gia, để giải bài toán 'tắc nghẽn cửa khẩu', ngoài những giải pháp trước mắt, cần những giải pháp căn cơ, đồng bộ và mang tính lâu dài.

Theo Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 21/12, có khoảng 6.200 xe chở hàng hóa đang nằm chờ thông quan tại các cửa khẩu, tương đương 12.000 người (gồm lái chính và lái phụ) đang tập trung tại các khu vực cửa khẩu. Nguyên nhân việc ùn tắc hàng nông sản tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Quảng Ninh là do phía Trung Quốc nâng cao các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, trong khi đó việc tập trung đông người cùng lúc tại cửa khẩu khiến nguy cơ bùng phát dịch bệnh tăng cao nên việc thông quan rất “nhỏ giọt”.

Thị trường đang dần thay đổi

Phát biểu tại tọa đàm “Chuyển đổi tư duy kinh tế nông nghiệp, chinh phục thị trường nông sản thế giới 2022” ngày 22/12, ông Hồ Xuân Hùng (Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT) nhìn nhận đây là lần ùn tắc hàng hóa lớn nhất trong nhiều năm qua, một "sự kiện để cảnh tỉnh" với chuỗi cung ứng nông sản của Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Tiến (Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương) cho rằng thị trường Trung Quốc là thị trường lớn và rất sôi động, bao gồm cả chính sách dành cho nông sản nhập khẩu theo đường tiểu ngạch, chính ngạch. Vì vậy, người sản xuất và kinh doanh nông sản Việt Nam càng sớm tiếp cận được thông tin thì việc sản xuất, tiêu thụ nông sản càng hạn chế được rủi ro.

Khoảng 6.200 xe chở hàng hóa đang nằm chờ thông quan tại các cửa khẩu.

Theo chuyên gia Đặng Kim Sơn (nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, Bộ NN&PTNT), trước kia việc việc ùn tắc thường chỉ xảy ra với một số mặt hàng sản lượng lớn dồn vào một thời điểm (như: Thanh long, dưa hấu, chuối), nhưng hiện nay tất cả các mặt hàng nông sản đều không qua được biên giới. Ông Sơn nhìn nhận Trung Quốc hiện nay không còn là thị trường “dễ tính” nữa. Vì vậy Việt Nam cần nâng cao năng lực chuỗi kết nối, tiêu thụ nông sản để đi thẳng vào thị trường nội địa Trung Quốc bằng đường hàng không, đường biển chứ không chỉ đi qua đường bộ như hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bagico) cho biết, kinh nghiệm giao thương với thương lái Trung Quốc cho thấy thị trường Trung Quốc không còn ưa chuộng việc nhập khẩu nông sản theo đường tiểu ngạch nữa. Điều này có thể thấy rõ qua những lần ùn ứ xe chở nông sản kéo dài như hiện nay.

Theo bà Thực, một trong những khó khăn trong xuất khẩu chính ngạch là việc xây dựng mã số vùng trồng theo Luật Trồng trọt vẫn chưa thực thi hiệu quả. Nếu không làm được điều này, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc sẽ còn khó khăn.

Vì vậy, để nâng cao hiệu quả xuất khẩu nông sản Việt, chúng ta cần xây dựng được cơ sở dữ liệu mang tính thực tế hơn, đồng thời cần có dữ liệu ngành để dùng chung, tránh tình trạng thương lái đi xuống từng vùng nguyên liệu để thu mua từng khối lượng nhỏ, bà Thực đề xuất.

Doanh nghiệp cần phải được định hướng

Cũng cho ý kiến về vấn đề này, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá (Bộ Tài chính) cho rằng, cần phải có một “nhạc trưởng” đóng vai trò điều tiết một cách thường xuyên, linh hoạt và hiệu quả để định hướng cho doanh nghiệp.

"Theo tôi, phải tháo gỡ bằng con đường ngoại giao, trong đó cần sự vào cuộc của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương với chính quyền, cơ quan chức năng của Trung Quốc để giải quyết song phương. Phải đối thoại một cách cụ thể, có giải pháp phù hợp theo hướng đường dài, nhằm đảm bảo xuất khẩu bền vững chứ không chỉ những vụ việc trước mắt”, ông Long nói.

Nhấn mạnh về chất lượng hàng nông sản Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, hiện nay Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại, mở rộng quan hệ với nhiều đối tác. Do vậy nếu hàng hóa đạt tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu thì Việt Nam sẽ tìm được nhiều thị trường khác.

“Tuy nhiên, việc sản xuất phải linh hoạt, không thể sản xuất một cách ồ ạt, theo phong trào, mà phải có sự lựa chọn theo định hướng, quy hoạch của từng địa phương. Bên cạnh đó, việc lựa chọn các doanh nghiệp đầu mối cần phải đảm bảo trách nhiệm, có năng lực cả về quan hệ quốc tế, kinh nghiệm trong xuất khẩu nông sản và tiềm lực về kinh tế cũng như kinh nghiệm trong xuất khẩu”, ông Long nói.

Ông Long cũng cho rằng, nhằm giảm thiểu rủi ro, tìm hướng đi bền vững cho xuất khẩu nông sản, Việt Nam phải hiện đại hóa nền nông nghiệp, xây dựng các thương hiệu thực phẩm sạch, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một thị trường như hiện nay.

“Việc mở rộng thị trường xuất khẩu là rất cần thiết trong bối cảnh hiện tại. Chúng ta cần tham gia chuỗi giá trị quốc tế, mở rộng liên kết và mở rộng thị trường sang những nền kinh tế khác ngoài Trung Quốc”, PGS.TS Ngô Trí Long nói.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, thay vì họp, ban hành các văn bản trên giấy thì cơ quan chức năng, chính quyền các cấp phải sâu sát, có quy hoạch vùng trồng phù hợp, phải đến tận nơi để khảo sát, định hướng, giúp nông dân, doanh nghiệp sản xuất hàng hóa một cách bài bản, phù hợp với nhu cầu thị trường.