USD đạt đỉnh 2 năm, tiền châu Âu lao dốc, vàng và Bitcoin trồi sụt chóng mặt

USD tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng gần 2 năm, trong khi rúp Nga giảm xuống mức thấp kỷ lục lịch sử khi các nhà đầu tư tháo chạy khỏi tài sản rủi ro và chuyển hướng sang tài sản an toàn. Giá vàng giao dịch trong biên độ cực lớn, tới cả trăm USD.

USD đạt đỉnh 2 năm, tiền châu Âu lao dốc, vàng và Bitcoin trồi sụt chóng mặt

 

Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – tăng 0,869% lúc kết thúc phiên giao dịch 24/2 (rạng sáng 25/2 theo giờ Việt Nam), mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 3 năm 2020, sau khi các thị trường tài chính chao đảo bởi địa chính trị. Đồng bạc xanh đạt mức cao 97,740 so với rổ tiền tệ chính, mức cao nhất kể từ ngày 30 tháng 6 năm 2020.

Trong phiên này, đồng bạc xanh có lúc vọt lên 97,740, cao nhất kể từ 30/6/2020, và chỉ hạ nhiệt sau khi Tổng thống Mỹ, Joe Biden, công bố các lệnh trừng phạt mới, bao gồm cả trừng phạt một số ngân hàng.

Erik Bregar, giám đốc, quản lý rủi ro về tiền tệ và kim loại quý thuộc công ty Silver Gold Bull Inc ở Toronto, cho biết: "Tình hình địa chính trị đang căng thẳng chưa từng thấy trong đời tôi, trong tình huống đó nhà đầu tư chọn cách cổ điển – tìm tới những đồng tiền nào là nơi trú ẩn an toàn nhất trong thời điểm hiện tại".

Rúp Nga giảm 4,51% so với đồng bạc xanh xuống 84,96 RUB vào cuối phiên, sau khi có lúc xuống chỉ 89,986 RUB, mức thấp kỷ lục lịch sử.

So với các nơi trú ẩn an toàn khác, đồng đô la tăng 0,77% so với franc Thụy Sĩ, trong khi đồng yên Nhật giảm 0,54% so với đồng bạc xanh, xuống 115,61 JPY.

Đô la Canada suy yếu xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12 so với Mỹ kim, theo đó giảm 0,5% xuống 1,2800 CAD/USD, tương đương 78,13 US cent/CAD vào cuối phiên, sau khi chạm mức thấp nhất trong ngày kể từ ngày 22 tháng 12, là 1,2877 CAD.

Tuy nhiên, sự sụt giảm của đồng CAD là ít nhất trong số các đồng tiền của nhóm G10 vì ước tính sơ bộ cho thấy doanh số bán sản phẩm của các nhà máy Canada tăng 1,3% trong tháng 1 và các nhà đầu tư duy trì đặt cược vào việc Ngân hàng Canada tăng lãi suất vào thứ Tư (25/2) – sẽ là lần tăng đầu tiên kể từ tháng 10 năm 2018.

Trước đợt USD tăng giá lần này, đồng bạc xanh đã giảm giá gần đây khi căng thẳng ở Ukraine gia tăng và làm dấy lên suy đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ bớt mạnh tay hơn trong việc thắt chặt chính sách tại cuộc họp hồi tháng 3. Kỳ vọng về việc Fed tăng lãi suất ít nhất 50 điểm cơ bản ngày 24/2 đã giảm xuống 7,5%, từ mức khoảng 34% dự đoán ở ngày 23/2, theo công cụ tính toán FedWatch Tool của CME.

Chuyên gia tiền tệ John Goldie của Argentex cho biết ông đã rất ngạc nhiên về phản ứng hạn chế trên thị trường tiền tệ trong những ngày gần đây, nhưng đến nay "chúng tôi hiện đang thấy một động thái phối hợp đối với đồng USD."

Các nhà hoạch định chính sách của Fed hôm thứ Năm thừa nhận các kế hoạch thắt chặt chính sách tài khóa và tiền tệ của ngân hàng trung ương hiện đang được cân nhắc đi kèm với những diễn biến căng thẳng địa chính trị và tác động của những vấn đề đó đối với giá dầu.

Sự sụt giảm của các loại tiền tệ liên quan đến hàng hóa diễn ra mặc dù giá dầu đã tăng vọt lên trên 100 USD/thùng.

Đồng bạc xanh cũng tăng giá mạnh so với các đồng tiền châu Âu khác như đồng crown Thụy Điển, đồng forint của Hungary và đồng zloty của Ba Lan. Tất cả các loại tiền này đều mất giá hơn 1% so với USD. Sự biến động trên thị trường ngoại hối tăng vọt, với chỉ số theo dõi mức độ biến động vọt lên cao nhất kể từ tháng 12/2020.

Crown của Thụy Điển phiên vừa qua đã giảm 1,13% so với tiền Mỹ, xuống 9,49 crown/USD; USD tăng 2,85% so với zloty và tăng 3,11% so với forint.

Đồng euro phiên này cũng giảm 0,95% xuống 1,1202 USD, trong khi bảng Anh giảm 1,1% xuống 1,3393 USD.

Nhà phân tích Lee Hardman của MUFG cho biết tâm lý chấp nhận rủi ro sẽ "chiếm ưu thế trong thời gian tới, hậu thuẫn cho các loại tiền USD, đồng yên và đồng franc Thụy Sĩ". Ông nói: "Ngược lại, rủi ro vẫn nghiêng nhiều về sự giảm giá đối với đồng rúp và các đồng tiền châu Âu khác - vốn nhạy cảm hơn với những tác động tiêu cực từ tình hình ở Ukraine".

USD đạt đỉnh 2 năm, tiền châu Âu lao dốc, vàng và Bitcoin trồi sụt chóng mặt - Ảnh 1.

Đồng euro biến động mạnh.

Chứng khoán thế giới tiếp tục biến động mạnh trong phiên vừa qua, giảm hơn 3% vào lúc mở cửa, nhưng đã hồi phục trở lại vào lúc đóng cửa, dẫn đầu là Nasdaq tăng 3%. Sự đảo chiều tăng trở lại sáu nhiều phiên lao dốc xuất hiện sau khi Tổng thống Mỹ Biden công bố các biện pháp trừng phạt mới.

Chỉ số S&P 500 tăng hơn 1%, kết thúc chuỗi 4 ngày trượt dốc trong bối cảnh lo lắng về cuộc khủng hoảng leo thang, nhờ lĩnh vực công nghệ thông tin tăng 3,5%. Chỉ số S&P 500 tăng 63,2 điểm, tương đương 1,50%, lên 4.288,7 điểm. Tương tự, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 92,07 điểm, tương đương 0,28%, lên 33.223,83 và Nasdaq Composite tăng 436,10 điểm, tương đương 3,34%, lên 13.473,59.

Đối với tiền điện tử, Bitcoin cũng trải qua phiên biến động ấn tượng khi có lúc giảm xuống khoảng 34.000 USD nhưng hồi phục nhanh chóng lên khoảng 38.000 USD. Bitcoin tiếp tục diễn biến song song với chứng khoán nên vẫn đối mặt với nhiều rủi ro.

Ken Polcari, nhà quản lý của công ty Kace Capital Advisors ở Boca Raton cho biết: "Cuối cùng, mọi người đều đổ xô đến vàng khi muốn tìm nơi trú ẩn an toàn".

USD đạt đỉnh 2 năm, tiền châu Âu lao dốc, vàng và Bitcoin trồi sụt chóng mặt - Ảnh 2.

Giá Bitcoin trong ngày 24/2.

Ngay cả giá vàng – một tài sản trú ẩn an toàn hàng đầu – cũng trồi sụt trong phiên vừa qua, nhưng theo xu hướng tăng mạnh. Giá vàng gia ngay trong phiên có lúc vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 9 năm 2020, là 1.973,96 USD, kết thúc phiên giảm giảm 0,6% xuống 1.895,76 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 4 kết thúc phiên tăng hơn 0,8% lên 1.926,30 USD.

Các chuyên gia nhận định có nhiều khả năng nhu cầu về nơi trú ẩn an toàn sẽ vẫn tăng cao và giá vàng có thể sẽ được hỗ trợ mạnh mẽ trong ngắn hạn. Mặc dù vậy, các nhà đầu tư sẽ tranh thủ bán kiếm lời mỗi khi giá vàng tăng.