Văn Phú Invest tăng nợ vay thêm hàng nghỉ tỷ đồng so với đầu năm

Dù lãi lớn nhưng Văn Phú Invest lại gặp vấn đề với dòng tiền khi lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh quý 3 âm đến hơn 328 tỷ đồng. Con số này 6 tháng đầu năm thậm chí còn âm đến hơn 1.000 tỷ đồng.
van-phu-invest-1667442609.jpg

Dòng tiền kinh doanh âm nặng

Theo báo cáo tài chính quý 3/2022, CTCP Đầu tư Văn Phú (Văn Phú Invest – mã VPI) ghi nhận doanh thu thuần giảm gần 5% so với cùng kỳ xuống 312 tỷ đồng. Giá vốn lại bất ngờ giảm đến 57% chủ yếu đến từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, đã đẩy biên lãi gộp tăng từ 26,5% lên 66,7% tương ứng lợi nhuận gộp đạt 208 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính giảm hơn một nửa xuống còn 25 tỷ đồng chủ yếu do không còn khoản lãi từ chuyển nhượng khoản đầu tư như cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí lãi vay, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng mạnh so với cùng kỳ. Kết quả, Văn Phú Invest lãi ròng 82 tỷ đồng, chỉ còn tăng 16% so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Văn Phú Invest ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.394 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 358 tỷ đồng, lần lượt gấp 2,2 lần và 3,3 lần cùng kỳ. Với kết quả này, công ty mới thực hiện được hơn một nửa kế hoạch doanh thu nhưng đã hoàn thành 83% mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.

Mặc dù lãi lớn nhưng Văn Phú Invest lại gặp vấn đề lớn với dòng tiền khi lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh quý 3 âm đến hơn 328 tỷ đồng trong khi cùng kỳ cũng âm hơn trăm tỷ. Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm, dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp bất động sản này thậm chí còn âm đến hơn 1.000 tỷ đồng.

Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng âm hơn 1.700 tỷ đồng trong quý 3 trong khi dòng tiền từ hoạt động tài chính dương 1.200 tỷ đồng. Điều này khiến lượng tiền mặt (tiền và tương đương tiền) của Văn Phú Invest giảm mạnh từ hơn 1.100 tỷ đồng đầu kỳ xuống còn chưa đến 300 tỷ đồng vào cuối quý 3.

Chiều ngược lại, nợ vay của Văn Phú Invest tại thời điểm 30/9 đã tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu năm lên hơn 4.200 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay dài hạn tăng đến 1.800 tỷ đồng trong khi nợ ngắn hạn chỉ giảm chưa đến 800 tỷ đồng. Trong bối cảnh lãi suất đang có xu hướng tăng, nợ vay tăng nhanh sẽ gây áp lực không nhỏ lên kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này trong thời gian tới.

Dự án vướng mắc, phát hành nhiều trái phiếu

Trên báo cáo tài chính, tính tới cuối quý 3/2022, BT Dự án Đường vành đai 2 nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (Quốc lộ 1), VPI ghi nhận phần chi phí đầu tư vào dự án này là hơn 1.893 tỷ đồng. Một dự án đúng ra phải hoàn thành sau 24 tháng thi công thì sau hơn 6 năm vẫn trong tình trạng bãi đất trống cỏ mọc um tùm và hàng trăm khối bê tông, sắt thép rỉ sét theo thời gian. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thậm chí còn chưa được hoàn tất.

Không có nhiều thay đổi so với quý 2, hết quý 3/2022, Văn Phú Invest ghi nhận khoản vay hơn 816 tỷ đồng từ Vietcombank chi nhánh Thủ Thiêm và Ngân hàng TNHH Indovina chi nhánh Thiên Long. Ngoài ra công ty này cũng vay riêng hơn 538 tỷ đồng từ Ngân hàng TNHH Indovina chi nhánh Thiên Long. Tài sản đảm bảo cho hai khoản vay này là quyền tài sản, đòi nợ phát sinh từ Hợp đồng đồng BT 6827 liên quan tới dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - Quốc lộ 1.

Dù hoạt động kinh doanh kém sáng, các dự án triển khai đều gặp vấn đề nhưng Văn Phú Invest vẫn phát hành nhiều lô trái phiếu. Văn Phú Invest đã hoàn tất phát hành vào ngày 19/5/2022, đáo hạn vào ngày 28/4/2025. Hồi cuối năm 2021, Văn Phú – Invest cũng đã phát hành thành công gói trái phiếu chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có giá trị 690 tỷ đồng cho quỹ VIAC Limited Partnership – đơn vị đầu tư trực thuộc Vietnam Oman Investments (VOI).

Gói trái phiếu có thời hạn 3 năm với tài sản đảm bảo là 22,5 triệu cổ phiếu VPI. Số cổ phiếu này sẽ được chuyển đổi thành cổ phần của VIAC Limited Partnership tại Văn Phú – Invest hoặc được tổ chức phát hành mua lại vào ngày đáo hạn.

Theo thông tin từ Văn Phú – Invest, số vốn huy động qua phát hành trái phiếu được đầu tư cho 2 dự án trọng điểm của Văn Phú – Invest trong 3 năm tới gồm: dự án Phong Phú Riverside (453 tỷ đồng), BT Sài Gòn (100 tỷ đồng). Số còn lại, dự kiến được sử dụng để bổ sung vốn cho các hoạt động kinh doanh khác.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, HĐQT Văn Phú - Invest đã trình và được các cổ đông tham dự cuộc họp thông qua phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10% - cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu nhận được 10% cổ phiếu, thay vì 0% như kế hoạch đặt ra thời điểm đầu năm. Nguồn vốn phát hành lấy từ lợi nhuận sau thuế tích lũy chưa phân phối.