Trong những ngày qua, quỹ Dragon Capital đã thông báo tiếp tục giảm tỷ lệ sở hữu tại CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (Mã HoSE: HAH). Cụ thể, trong ngày 4/10, Dragon Capital đã tiếp tục bán ra 600.000 cổ phiếu HAH để giảm tỷ lệ sở hữu xuống chỉ còn 4,54%. Như vậy, Dragon Capital đã chính thức không còn là cổ đông lớn của Vận tải và xếp dỡ Hải An.
Lần bán ra này của Dragon Capital gây chú ý đối với giới đầu tư bởi chỉ trong một thời gian ngắn, quỹ này đã liên tiếp bán ra cổ phiếu HAH trước những diễn biến không mấy tích cực về giá. Trước đó, trong ngày 30/9, nhóm Dragon Capital đã bán ra 1.090.000 cổ phiếu HAH, giảm tỷ lệ sở hữu từ 7,45% xuống chỉ còn 5,86% vốn điều lệ. Hai quỹ thực hiện việc bán cổ phiếu là DC Developing Markets Strategies Public Limited Company bán 840.000 cổ phiếu và quỹ CTBC Vietnam Equity Fund bán 250.000 cổ phiếu.
Về diễn biến giá cổ phiếu HAH trên thị trường, mã này từng đạt được đỉnh lịch sử với mức giá 90.000 đồng/cp vào đầu tháng 6. Tuy nhiên sau đó, giá cổ phiếu này liên tục giảm sâu, ghi nhận giao dịch trong ngày 7/10, giá cổ phiếu HAH chỉ còn 38.650 đồng/cp.
Doanh thu tăng, lợi nhuận tăng nhưng giá cổ phiếu lại tụt… hơn 1 nửa
Đối với các doanh nghiệp thông thường, ghi nhận doanh thu cùng lợi nhuận tăng trưởng sẽ khiến đơn vị đó nhận được nhiều kỳ vọng của nhà đầu tư, kết quả là giá cổ phiếu của doanh nghiệp sẽ có thể gia tăng. Tuy nhiên, trường hợp của Vận tải và xếp dỡ Hải An (HAH) lại hoàn toàn ngược lại, thậm chí cổ đông lớn còn liên tiếp bán tháo cổ phiếu như thể hiện sự thiếu tin tưởng vào tình hình kinh doanh khả quan của HAH.
Cụ thể, doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ trong nửa đầu năm 2022 của HAH ghi nhận 1.581,7 tỷ đồng, tăng tới 95,7% so với cùng kỳ. Doanh thu hoạt động tài chính cũng ghi nhận gia tăng từ 10,6 tỷ đồng lên mức 19,6 tỷ đồng. Lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết đạt 18 tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ.
Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng theo đà tăng của doanh thu, gia tăng mạnh lên mức 51,3 tỷ đồng, tương ứng tăng 27,9% so với cùng kỳ 2021. Kết quả, lợi nhuận sau thuế của HAH đạt 587,1 tỷ đồng, tăng trưởng tới 220% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về cơ cấu tài sản tại thời điểm kết thúc quý II/2022, tổng tài sản của HAH ghi nhận gia tăng tới gần 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, phần tăng này chủ yếu đến từ vốn góp của chủ sở hữu và các khoản nợ vay.
Cụ thể, nợ phải trả của HAH tăng từ 1.330,3 tỷ đồng đầu năm lên mức 1.954,9 tỷ đồng tại thời điểm giữa năm 2022, tương ứng mức tăng tới 47%. Trong đó, nợ ngắn hạn tăng từ 620,6 tỷ đồng lên 836,3 tỷ đồng, tương ứng tăng 34,8%.
Nợ dài hạn ghi nhận phát sinh lớn nhất ở mục Vay và nợ thuê tài chính dài hạn, tăng từ 558,7 tỷ đồng đầu kỳ lên 907,6 tỷ đồng, tương ứng tăng 62,4% chỉ trong 6 tháng. Khoản nợ đáng chú ý nhất trong cơ cấu nợ vay dài hạn của HAH phải kể đến là món nợ 576,7 tỷ đồng với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, chi nhánh Hải Phòng.
HAH từng bị xử phạt 508 triệu đồng vì sai phạm về thuế
Trong thời gian qua, Vận tải và Xếp dỡ Hải An cũng từng bị Cục thuế TP Hà Nội xử phạt và truy thu hơn 500 triệu đồng vì loạt sai phạm về thuế. Quyết định xử phạt có nêu HAH đã kê khai doanh thu tính thuế GTGT 10% sai thời điểm; chưa phân bổ thuế GTGT đầu vào khấu trừ của chi phí quản lý dùng chung, không hạch toán riêng được cho doanh thu không chịu thuế GTGT.
Bên cạnh đó, về phần thuế thu nhập doanh nghiệp, HAH đã tính thiếu chi phí thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ phân bổ cho doanh thu không chịu thuế GTGT; hạch toán thiếu doanh thu tài chính. Đơn vị này cũng bị nêu thêm 2 tình tiết tăng nặng với các vi phạm từ năm 2020 và năm 2021.
Tổng cộng với các sai phạm trên, kết hợp với yếu tố tăng nặng, HAH phải nộp phạt cùng số tiền truy thu thuế, tiền chập nộp thuế tổng cộng hơn 508 triệu đồng.