Mở cửa phiên giao dịch ngày 29/7, giá vàng miếng trong nước được Công ty SJC niêm yết ở mức 65,2 – 66,22 triệu đồng/lượng. Mức giá này tăng 200.000 đồng/ /lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch trước đó.
Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng ở mức 65,3 – 66,03triệu đồng/lượng. Mức giá này tăng 200.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với hôm qua. Nhẫn tròn trơn niêm yết ở mức 52,2 – 53 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng so với phiên giao dịch trước đó.
Trên thị trường quốc tế, sáng 29/7 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới ở mức 1.753,9 USD/ounce. Theo tỷ giá hiện hành tại Vietcombank (23.510 đồng/USD), giá vàng thế giới khoảng 49,7 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí). Giá vàng thế giới (quy đổi) vẫn thấp hơn trong nước khoảng 16,5 triệu đồng/lượng.
Trước đó, kết thúc phiên giao dịch ngày thứ 5, giá vàng tăng 1,22% lên 1.755,04 USD/ounce, được hỗ trợ bởi đà suy yếu của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ. Hợp đồng vàng tương lai cũng tăng 1,97% lên 1.752,9 USD/ounce.
Sau khi số liệu GDP xác nhận những lo ngại suy thoái, các nhà giao dịch dự đoán Fed sẽ chậm tăng lãi suất, qua đó làm tăng sức hấp dẫn cho vàng. Lãi suất cao hơn thường làm giảm sức hấp dẫn của vàng, vì làm tăng chi phí cơ hội cho việc nắm giữ kim loại không đem lại lợi suất.
GDP của Mỹ giảm 0,9% trong quý 2/2022, làm dấy lên quan ngại nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Trên thị trường tiền tệ trong nước, ngày 29/7, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.276 đồng/USD, giảm 25 đồng/USD so với phiên giao dịch trước đó. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước ở mức 22.550 - 23.400 đồng/USD (mua vào - bán ra).
Tỷ giá USD được Ngân hàng TMCP Ngoại thương (VCB) niêm yết ở mức 23.200 - 23.510 đồng/USD (mua vào - bán ra). Mức giá này giảm 10 đồng/USD so với phiên giao dịch trước đó.