Về tay nhóm Louis, Dược Lâm Đồng gia tăng vay nợ ngân hàng

Dược Lâm Đồng dự định dùng tài sản của doanh nghiệp và hàng loạt cổ phiếu 'họ Louis' để làm tài sản thế chấp cho các khoản vay tại 3 ngân hàng.

Trong 2 ngày 23 và 24/3, HĐQT Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng (Ladophar, MCK: LDP) đã thông qua quyết định về việc vay vốn tại 3 ngân hàng với tổng hạn mức 265 tỷ đồng.

Khoản vay đầu tiên được HĐQT Dược Lâm Đồng thông qua là khoản vay có hạn mức 50 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Khoản vay này có thời hạn vay là 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng.

Đảm bảo cho khoản vay trên bao gồm 250.000 cổ phiếu LDP do Công ty Cổ phần Louis Holdings sở hữu và hơn 2,8 triệu cổ phiếu SMT do Công ty Cổ phần Louis Capital (MCK: TGG) sở hữu. Ngoài ra, Dược Lâm Đồng còn thế chấp cho khoản vay khoản phải thu luân chuyển và hàng tồn kho với tổng giá trị tại mọi thời điểm sẽ không thấp hơn 50 tỷ đồng.

Về việc sử dụng hơn 2,8 triệu cổ phiếu SMT để thế chấp khoản vay cho Dược Lâm Đồng, phía TGG cũng đã ra văn bản đồng ý thông qua. Theo đó, TGG sẽ thu phí sử dụng tài sản 2,5% trên tổng giá trị bảo đảm theo định giá ngân hàng đối với Dược Lâm Đồng.

Bên cạnh khoản vay tại Vietcombank, Dược Lâm Đồng còn phê duyệt vay thêm 150 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, chi nhánh Bắc An Giang (BIDV).

Tài sản đảm bảo cho khoản vay này là quyền sử dụng đất tại thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà và thị trấn Di Linh, huyện Di Linh, thuộc tỉnh Lâm Đồng hiện đang đứng tên của Dược Lâm Đồng.

Ngoài 2 khoản vay trên, Dược Lâm Đồng tiếp tục thông qua phương án vay 65 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, chi nhánh Tp.HCM (Vietinbank).

Tài sản đảm bảo chưa được Dược Lâm Đồng công bố cụ thể, nhưng theo doanh nghiệp dự kiến sẽ sử dụng tài sản của Dược Lâm Đồng hoặc của các công ty thành viên để đảm bảo cho khoản vay tại Vietinbank này.

Cả 3 khoản vay đều có chung mục đích là nhằm bổ sung vốn để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty trong giai đoạn 2022-2023.

Đi kèm với lý do đó, Dược Lâm Đồng cũng đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2022 của Công ty. Theo đó, Dược Lâm Đồng đặt mục tiêu doanh thu trong năm 2022 đạt 760 tỷ đồng, tăng 475% so với 2021, lợi nhuận trước thuế đạt 38 tỷ, giảm 7%.

Về kết quả kinh doanh, lũy kế năm 2021, Dược Lâm Đồng ghi nhận doanh thu 162 tỷ đồng, giảm 36%; lợi nhuận sau thuế đạt 39 tỷ đồng, cải thiện so với khoản lỗ 26 tỷ năm trước. Nhờ kết quả quý IV/2021, công ty thoát lỗ lũy kế và lợi nhuận chưa phân phối đến cuối năm ngoái đạt hơn 13 tỷ đồng.

Tính đến 31/12/2021, Dược Lâm Đồng có tổng tài sản 215,8 tỷ đồng, đi ngang so với đầu năm. Tiền và tương đương tiền gấp hơn 3 lần lên 65 tỷ đồng. Hàng tồn kho giảm 28% xuống 54 tỷ đồng do giảm bớt kho thành phẩm sau sản xuất. Tài sản dài hạn giảm 18% xuống 71,6 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối năm 2021, nợ phải trả của doanh nghiệp giảm từ 102 tỷ đồng xuống còn 61 tỷ đồng. Trong đó, vay tài chính ngắn hạn và dài hạn giảm lần lượt 32% và 55% xuống 30 tỷ và 2,3 tỷ đồng. Hệ số nợ/vốn chủ là 21%.

Cơ cấu cổ đông Dược Lâm Đồng thời gian vừa qua có biến động mạnh khi mới đây, Louis Holdings đã hoàn tất mua vào hơn 5 triệu cổ phiếu LDP, nâng tỉ lệ sở hữu tại doanh nghiệp dược này lên 51,02% vốn.

Tương tự như hàng loạt cổ phiếu "họ Louis" khác, thị giá LDP trước khi Louis lộ diện đã có chuỗi phiên tăng kịch trần 11 phiên liên tiếp để nhanh chóng tăng từ vùng giá 14.000 đồng/cổ phiếu lên mức đỉnh lịch sử 54.800 đồng/cổ phiếu (phiên 12/1). Hiện cổ phiếu này đã điều chỉnh về mức 48.000 đồng/cổ phiếu (chốt phiên ngày 25/3).