Vì sao bão số 9 có hướng đi kỳ dị, chạy dọc bờ biển rồi ngoặt ra ngoài

Nếu không có không khí lạnh, cơn siêu bão hiếm gặp này sẽ đâm thẳng vào Quy Nhơn, Quảng Ngãi hoặc Đà Nẵng.

Do ảnh hưởng của bão số 9 (bão RAI), ở đảo Song Tử Tây đã có gió mạnh cấp 10, giật cấp 11.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết lúc 10 giờ hôm nay, ngày 18-12, vị trí tâm bão ở khoảng 11,2 độ Vĩ Bắc; 115,4 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía bắc quần đảo Trường Sa.

Với tọa độ này, tâm bão cách Bình Định - Khánh Hòa khoảng 680 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-165 km/giờ), giật cấp 17.

Dự báo vị trí và đường đi của bão số 9. Ảnh: VNDMS

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 20-25 km. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão đổi hướng di chuyển theo hướng bắc tây bắc. Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão đổi hướng di chuyển theo hướng đông bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Như vậy có thể thấy, cơn bão này được dự báo có khả năng đi dọc bờ biển miền Trung, dọc từ Bình Định - Khánh Hòa đi lên Quảng Nam - Đà Nẵng, rồi hướng lên phía đảo Hải Nam (Trung Quốc).

Vì sao cơn bão lại có hướng đi kỳ dị như vậy?

Trao đổi với PLO, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu (Trung tâm KTTVQG), cho biết thông thường vào cuối mùa bão, hướng di chuyển của bão thường lệch về khu vực Nam Trung bộ hoặc phía Nam. Tuy nhiên, cơn bão số 9 được dự báo khi vào gần bờ sẽ có xu thế dịch lên phía Bắc.

Nguyên nhân là do di chuyển của bão phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ngoài các yếu tố động lực như cấu trúc, kích thước của bão còn phụ thuộc lớn vào dòng dẫn đường của hệ thống áp cao cận nhiệt đới.

Hiện nay, vị trí cao cận này đang suy yếu và rút ra về phía đông nên dự báo bão số 9 sẽ đi men theo phần phía tây của khối áp cao cận nhiệt đới, hướng lên phía Bắc sau đó có khả năng đổi hướng đi ra ngoài.

Còn chuyên gia khí tượng Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, cho biết những ngày vừa qua, bão RAI có cường độ rất mạnh. Từ khi cơn bão bắt đầu hình thành, đến giờ đã mười ngày trôi qua. Việc một cơn bão tồn tại đến mười ngày mà cường độ ngày càng mạnh lên là rất hiếm gặp.

Ảnh mây vệ tinh cơn bão số 9. Ảnh: nchmf.gov.vn

Giải thích về việc cơn bão liên tục duy trì cường độ mạnh trong những ngày qua, bà Lan cho biết khi bão vượt qua Philippines thì cường độ giảm một chút do ma sát bởi địa hình của đảo. Tuy nhiên khi vào Biển Đông, vùng biển nam Biển Đông có nhiệt độ cao nên bão được cung cấp thêm năng lượng, bão RAI tiếp tục duy trì cường độ mạnh.

Sáng nay, 18-12, bão vẫn duy trì cấp độ 14, giật cấp 17. Dự báo trong một hai ngày tới, cường độ bão sẽ suy giảm nhẹ, còn khoảng cấp 13-14, giật cấp 16.

Theo bà Lan, hiện nay miền Bắc nước ta đang có không khí lạnh tràn về. Đợt không khí lạnh này đã kịp thời ứng cứu cho Việt Nam, nhất là các tỉnh miền Trung.

Khi có không khí lạnh xuống giống như một "tấm chắn", nhiệt độ thấp sẽ làm suy giảm nguồn năng lượng cung cấp cho bão. Dự báo ngày 19-12 bão vẫn còn mạnh nhưng sang ngày 20-12, khi bão vào gần bờ biển miền Trung thì không khí lạnh, vùng biển lạnh ngăn chặn bão và khiến bão đổi hướng, đi tiếp lên.

"Nếu không có không khí lạnh, bão sẽ đâm thẳng vào miền Trung, tập trung vào các tỉnh Quảng Ngãi, Quy Nhơn hoặc Đà Nẵng. Không khí lạnh, vùng biển lạnh không chỉ làm bão bị suy giảm cường độ mà hướng đi của bão cũng thay đổi, đi lên phía đông đông bắc, đi trở ra" – bà Lan nói.

Dù vậy, bà Lan cho biết không ai có thể lèo lái được cơn bão nên vẫn phải tính đến các khả năng, kịch bản khác, bởi dù xác suất nhỏ nhưng vẫn rất nguy hiểm.