Sáng 28/1, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết ca lây nhiễm mới có liên quan đến biến chủng mới ở Anh, tốc độ lây lan rất nhanh. Trước kia chu kỳ ủ bệnh khoảng 4-6 ngày thì bây giờ chỉ 2-3 ngày.
Kể từ khi phát hiện ca bệnh ở Công ty TNHH Poyun, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương, chỉ trong thời gian ngắn virus đã lây lan rất nhanh. Các ca bệnh ở Hải Dương và Quảng Ninh có mối liên quan về dịch tễ.
Hôm 25/1, John Edmunds, giáo sư dịch tễ tại Trung tâm Mô hình Toán học về Các bệnh Truyền nhiễm Anh, nhận định: "Có vẻ như biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 từ Anh vừa lây lan nhanh, vừa gây chết người nhiều hơn. Nó thực sự là bước ngoặt tồi tệ hơn của đại dịch".
Kể từ khi xuất hiện hồi tháng 12, biến chủng B.1.1.7 của virus SARS-CoV-2 (còn gọi là VOC-202012/01) từ Anh đã lây lan ra 70 quốc gia, theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
B.1.1.7 được ghi nhận đầu tiên từ vùng đông nam nước Anh. Sau khi truy ngược bằng chứng di truyền, các nhà khoa học cho rằng có thể nó đã lưu hành ở Anh từ tháng 9 ở mức rất thấp, sau đó lây lan rộng rãi hơn trong tháng 11 và tháng 12/2020. Một số chuyên gia cho rằng biến thể phát tán mạnh mẽ do một cụm dịch siêu lây nhiễm.
Phát biểu tại cuộc họp báo chính phủ hôm 22/1, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây truyền cao hơn, đã khiến dịch vụ y tế chịu áp lực lớn. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Anh cũng nhấn mạnh, vẫn cần những nghiên cứu sâu hơn và các bằng chứng đều cho thấy cả hai loại vaccine đang được sử dụng trong nước đều có hiệu quả đối với cả những biến thể cũ và mới.
Theo các phân tích sơ bộ, biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 từ Anh có khả năng lây truyền cao hơn từ 56% đến 70% so với chủng cũ, khiến số trường hợp dương tính với virus tăng đột biến. Biến thể có 17 đột biến, tốc độ thay đổi để thích nghi với môi trường cũng nhanh hơn, theo quan sát của các nhà khoa học. Trong đó, đột biến tên gọi N501Y giúp virus dễ dàng bám vào tế bào người.
Theo Cố vấn khoa học hàng đầu của Anh Patrick Vallance, khảo sát các đối tượng là nam, độ tuổi 60, với chủng SARS-CoV-2 ban đầu, trung bình cứ 1.000 người mắc Covid-19 thì khoảng 10 người tử vong. Với biến thể mới, cứ 1.000 người nhiễm thì 13-14 người tử vong. Tức là, biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 từ Anh làm tăng 30% tỷ lệ tử vong.
Ngày 26/1, các chuyên gia của Trường Vệ sinh, Y học Nhiệt đới London và Đại học Hoàng gia London một lần nữa đệ trình kết quả nghiên cứu này cho Nhóm Cố vấn về Mối đe dọa Virus đường hô hấp mới nổi (NERVTAG) của chính phủ. NERVTAG xác nhận sơ bộ nguy cơ tử vong cao, song cho biết cần tiến hành nghiên cứu sâu hơn.
Báo cáo của Đại học Hoàng gia London hôm 31/12/2020 cho thấy B.1.1.7 ảnh hưởng đến thanh thiếu niên, đặc biệt những người dưới 20 tuổi, nhiều hơn các biến thể khác. Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh đây là dữ liệu nhỏ, nhưng có ý nghĩa thống kê.
Theo phân tích của Trường Norwich thuộc Đại học East Anglia, trong số 641 người nhiễm biến thể, nồng độ virus trong mũi cao hơn từ 10 đến 100 lần so với các ca "thông thường". Nồng độ cao khiến virus lây lan nhanh khi bệnh nhân ho hoặc hắt hơi. Các chuyên gia lưu ý B.1.1.7 có thể làm tăng hệ số lây nhiễm cơ bản (R0). R0 là số người trung bình bị lây nhiễm từ một người mắc bệnh.
Theo khảo sát của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, người nhiễm biến thể mới có các dấu hiệu nặng hơn như bị đau cơ, đau họng, mệt mỏi và ho nhiều hơn so với trước đây. Điều này là do B.1.1.7 nhân lên và lây lan bên trong cơ thể nhanh chóng. Các triệu chứng biểu hiện cùng lúc nhiều hơn, song trường hợp mất vị giác và khứu giác giảm. Đặc biệt, số người bị ho tăng lên khoảng 27% đến 35%.
Tuy nhiên, đến nay, các chuyên gia chưa phát hiện bằng chứng cho thấy biến thể Anh ảnh hưởng đến tác dụng của vaccine. Hôm 25/1, hãng dược Moderna thông báo các liều tiêm của hãng vẫn bảo vệ được người dùng trước B.1.1.7 và cả biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 Nam Phi. Hãng dược khác là Pfizer cùng đối tác BioNTech cũng báo cáo tương tự hôm 14/1.
Giám đốc điều hành BioNTech Ugur Sahin cho biết, ông có "niềm tin khoa học vững vàng" rằng vaccine của hãng chống lại được tất cả biến chủng của virus SAR-CoV-2. Ông Sahin cũng thừa nhận các quốc gia có thể cần tiêm phòng cho nhiều người hơn, nâng cao tiêu chuẩn về miễn dịch cộng đồng. Trong khi đó, một số nhà khoa học Mỹ cho rằng B.1.1.7 ảnh hưởng ở mức độ nhỏ, song không kháng vaccine hoàn toàn.
"Giới chuyên gia đặt mục tiêu khoảng 60-70% dân số có thể tiêm vắc-xin để có miễn dịch cộng đồng. Nhưng nếu virus dễ lây lan hơn, có lẽ tỷ lệ tiêm phòng cần được đẩy cao hơn nữa để đảm bảo trở lại cuộc sống bình thường", Ugur Sahin nói.