Vì sao giá hàng hóa trong gói thầu do EVNICT làm CĐT cao bất thường?

05/10/2021 13:15

Cùng đặc điểm kỹ thuật, xuất xứ nhưng hàng hóa ở các gói thầu mua sắm do Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin - Chi nhánh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVNICT) làm CĐT có giá trúng thầu chênh lệch lớn so với giá thị trường. Liệu có kẽ hở nào trong việc thẩm định giá dẫn đến thiệt hại cho ngân sách nhà nước trong các gói thầu này hay không?

Đấu thầu qua mạng là xu thế tất yếu của thế giới, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác đấu thầu, tạo môi trường cạnh tranh, công bằng, minh bạch và tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm thiểu thủ tục hành chính...

Thời gian vừa qua, Pháp luật và Bạn đọc nhận được nhiều thông tin phản ánh về hiện tượng giá trúng thầu đều cao hơn rất nhiều so giá thị trường tại nhiều gói thầu mua sắm do Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT) - Chi nhánh Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm Chủ đầu tư. Sau khi khảo sát trên thị trường, nhận báo giá tại một số đơn vị cung cấp thiết bị cùng chủng loại, cùng thời điểm bán hàng và đối chiếu các gói thầu nêu trên thì PV thấy rằng các phản ánh trên là có căn cứ.

 - Ảnh 1.

Máy in Canon có giá trong trúng thầu là 32.297.100 đồng

Cụ thể tại gói thầu "Mua sắm CCDC phục vụ SXKD lần 1 năm 2021", có số TBMT: 20210408605. Giá gói thầu là 8.478.250.000 đồng, giá trúng thầu là 8.325.411.600đồng, tiết kiệm được 152.838.400 đồng (tỷ lệ 0,98 %).

Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu: Số 529/QĐ-EVNICT ngày 11/5/2021 do giám đốc EVNICT Nguyễn Minh Khiêm ký.

Đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH Kỹ thuật thương mại Đông Á, một nhà thầu tương đối quen mặt của EVNICT.

Trong gói thầu này, giá thiết bị điều hòa 1 chiều Daikin Inverter có mã sản phẩm FTKC50UVMV (số lượng 11 chiếc) có giá trúng thầu là 30.882.500 đồng, tuy nhiên giá trên thị trường (cụ thể là Media mart) giá chỉ là 21.990.000 đồng, giá trúng thầu cao hơn giá thị trường 8.892.500 đồng/chiếc.

Hay như sản phẩm máy in A3 CANON LBP8780X của Việt Nam sản xuất, giá trúng thầu là 32.297.100 đồng nhưng giá trên thị trường chỉ có 24.849.000 đồng (giá trên hanoicomputer), chênh lệch 7.448.100 đồng/chiếc.

Sản phẩm Ampe kìm đo dòng DC 2009R của KYORITSU cũng có hiện tượng tương tự, giá trúng thầu là 7.463.500 đồng/chiếc trong khi giá trên thị trường chỉ 4.950.000 đồng/chiếc.

Trên đây mới chỉ là ví dụ của 3 mã sản phẩm trong tổng số 45 mã sản phẩm của gói thầu này.

Hay như gói thầu "Mua sắm CCDC phục vụ SXKD lần 2 năm 2020" có số thông báo mời thầu là 20201075757. Chủ đầu tư là Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT) - Chi nhánh Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Gói thầu này có giá gói thầu là 3.254.918.700 đồng, giá trúng thầu: 3.229.820.000 đồng, tiết kiệm được 25.098.700 đồng (tỷ lệ 0,99%). Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu số 1338/QĐ-EVNICT ngày 19/11/2020

Đơn vị trúng thầu gói thầu này vẫn là Công ty TNHH Kỹ thuật thương mại Đông Á.

 - Ảnh 2.

Giá đồng hồ vạn năng Kyoritsu 1061 có giá trúng thầu là 15.620.000 đồng.

Tại gói thầu này có tất cả 26 hạng mục sản phẩm, PV điểm qua vài sản phẩm đã thấy có giá trúng thầu chênh lệch lớn so với giá trên thị trường. Ví dụ như sản phẩm đồng hồ vạn năng đo được dòng DC Kyoritsu 1061 có giá trúng thầu là 15.620.000 đồng, trong khi giá trên thị trường là 10.290.000 đồng.

Thêm một ví dụ nữa về giá chênh lệch của gói thầu so với giá trên thị trường là sản phẩm Camera PRO Logitech PTZ PRO 2 của Trung Quốc có giá trúng thầu là 24.200.000 đồng trong khi giá của sản phẩm trên thị trường chỉ là 20.709.000 đồng.

Hay như sản phẩm Màn hình máy tính 27 E273Q HP/Trung Quốc có giá trúng thầu là 11.000.000 đồng trong khi giá trên thị trường chỉ là 8.079.000 đồng/chiếc.

PV đã khảo sát giá trên thị trường những sản phẩm trên thì thấy, các gói thầu về Mua sắm CCDC phục vụ SXKD của Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin - Chi nhánh Tập đoàn Điện lực Việt Nam đều có giá cao hơn rất nhiều so với giá trên thị trường.

Nhằm phản ánh thông tin khách quan, đa chiều, Pháp luật và Bạn đọc đã có buổi làm việc với Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT), do tình hình dịch bệnh nên buổi làm việc tổ chức theo hình thức trực tuyến thông qua phần mềm zoom. Đại diện về phía EVNICT có ông Nguyễn Thanh Long; Trưởng phòng quản lý dự án, ông Ngô Phú Cường; Kế toán trưởng và ông Lê Thành Trung; Quyền trưởng phòng TCHC. 

Đề cập đến vấn đề nêu trên, ông Nguyễn Thanh Long, Trưởng phòng quản lý dự án cho biết: "Quy trình thẩm định giá chúng tôi luôn tuân thủ theo các hướng dẫn của EVN cũng như quy trình lập dự toán, thẩm định dự toán, báo giá. Quá trình xây dựng dự toán cũng có một số mặt hàng có cao hơn một chút so với giá thị trường. Có mấy sản phẩm giá cao hơn giá thị trường thì chúng tôi sẽ cho xem xét, rà soát lại".

Bạn đang đọc bài viết "Vì sao giá hàng hóa trong gói thầu do EVNICT làm CĐT cao bất thường?" tại chuyên mục TIN TỨC. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#