Vì sao khủng hoảng nợ của China Evergrande bây giờ mới bùng nổ?

Tập đoàn China Evergrande đã vướng vào những khó khăn tài chính nghiêm trọng trong một thời gian dài, nhưng hãng kiểm toán PwC không đưa ra cảnh báo trong báo cáo thường niên.

Năm ngoái, khi giá trái phiếu và cổ phiếu của China Evergrande - tập đoàn bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc - lao dốc, các lãnh đạo công ty quyết định giảm mạnh giá bán nhà để thúc đẩy doanh số trong thời kỳ dịch Covid-19 hoành hành.

Theo Wall Street Journal, khi đó, chính quyền Trung Quốc cho rằng China Evergrande đã vay quá nhiều. Tuy nhiên, báo cáo hàng năm được đưa ra hồi đầu năm của tập đoàn lại thể hiện sức khỏe tài chính hoàn toàn khỏe mạnh.

Giờ đây, China Evergrande đã trượt tới bờ vực của sự sụp đổ. Tập đoàn gánh trên vai số nợ khổng lồ 305 tỷ USD. China Evergrande phải thuê các cố vấn tài chính và tiết lộ khả năng tái cấu trúc.

Trong khi đó, nguồn tin Bloomberg tiết lộ chính quyền Bắc Kinh đã yêu cầu quan chức các địa phương lên phương án chuẩn bị cần thiết để đối phó với nguy cơ China Evergrande sụp đổ hoàn toàn.

China Evergrande anh 1

Vào ngày đáo hạn 23/9, China Evergrande vẫn chưa cập nhất bất cứ thông tin nào về kế hoạch trả 84 triệu USD lãi trái phiếu cho các trái chủ. Khoản lãi 47,5 triệu USD của một trái phiếu khác sẽ đáo hạn vào tuần tới. Ảnh: AP.

Vấn đề tài chính nghiêm trọng

Theo Bloomberg, các trái chủ quốc tế của China Evergrande đang rất lo lắng về việc liệu tập đoàn này có thể trả lãi hay không. Đó là phép thử lớn đối với khả năng vỡ nợ của gã khổng lồ bất động sản Trung Quốc.

China Evergrande vay nợ ồ ạt để mở rộng kinh doanh. Đến nay, tập đoàn vẫn không đáp ứng được "ba lằn ranh đỏ", các tiêu chí do chính quyền Bắc Kinh đưa ra để hạ đòn bẩy trong lĩnh vực bất động sản đang phát triển quá nóng.

Vấn đề tài chính cấp bách nhất của China Evergrande là các khoản nợ sắp đáo hạn. Trong vòng chưa đầy một năm, 42% trên tổng khoản nợ 88,5 tỷ USD sẽ đến hạn thanh toán.

Nhưng con số đó không bao gồm khoản phải trả khổng lồ mà China Evergrande nợ các nhà cung cấp, nhà thầu và tiền thuế. Tập đoàn cũng nợ khách mua nhà. Khoảng 1,5 triệu người mua đã trả tiền trước cho China Evergrande nhưng chưa được bàn giao nhà.

China Evergrande anh 2

Tập đoàn bất động sản của tỷ phú Hứa Gia Ấn mắc nợ các ngân hàng, khách hàng, trái chủ, nhà cung cấp và nhà thầu 305 tỷ USD. Ảnh: Reuters.

Mùa thu năm ngoái, China Evergrande đã ngăn chặn thành công một cuộc khủng hoảng tiền mặt. Tháng 6 năm nay, tập đoàn nhấn mạnh rằng luôn thanh toán đủ cho các khoản nợ của mình.

Nhưng trong báo cáo tài chính nửa đầu năm nay, ban giám đốc của China Evergrande đã bày tỏ lo ngại về khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn, cũng như khả năng tiếp tục duy trì hoạt động liên tục. Đó là lần đầu tập đoàn thừa nhận những vấn đề tài chính nghiêm trọng.

Tuy nhiên, mối lo ngại về sức khỏe tài chính của China Evergrande đã không được thông báo trong báo cáo thường niên năm 2020 của tập đoàn. Báo cáo này do hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers thực hiện.

Không được cảnh báo trước

Wall Street Journal dẫn lời một số chuyên gia nhận định theo các quy tắc kiểm toán của Mỹ và Hong Kong, việc đưa những cảnh báo trong báo cáo tài chính rất hạn chế. Vì vậy, nhiều vụ phá sản hoặc tái cơ cấu diễn ra ngay cả khi trước đó, không có bất cứ tuyên bố nào về khả năng hoạt động liên tục (going-concern statement).

"Nó giống tiếng còi cảnh báo lốc xoáy vang lên 20 phút sau khi cơn lốc đã san bằng thị trấn", giáo sư Erik Gordon tại Đại học Michigan so sánh. "Tôi thường nói với các sinh viên của mình: 'Đừng dựa vào các đánh giá về khả năng hoạt động liên tục để đưa ra quyết định'", ông chia sẻ.

Theo các tiêu chuẩn kiểm toán của Mỹ, ban đầu ban quản lý của công ty sẽ đưa ra quyết định về việc có cần đưa ra cảnh báo về khả năng hoạt động liên tục hay không.

Sau đó, các kiểm toán viên sẽ thực hiện một đánh giá độc lập khác và tự đưa ra quyết định, ngay cả khi ban lãnh đạo không đồng ý.

Nó giống tiếng còi cảnh báo lốc xoáy vang lên 20 phút sau khi cơn lốc đã san bằng thị trấn

Giáo sư Erik Gordon tại Đại học Michigan

Theo các tiêu chuẩn, công ty sẽ không cần đưa ra cảnh báo về khả năng hoạt động liên tục, trừ khi công ty có khả năng không trả được những khoản nợ đến hạn trong vòng 12 tháng tới.

Ngay cả trong trường hợp đó, công ty cũng không cần đưa ra cảnh báo nếu họ có một kế hoạch đối phó với cuộc khủng hoảng tiền mặt tiềm tàng. Công ty kiểm toán PwC đã dựa trên các quy tắc kiểm toán của Hong Kong để đánh giá China Evergrande.

Theo Ban Giám sát Kiểm toán Công ty Đại chúng Mỹ, ngay cả khi công ty sụp đổ (về mặt tài chính) trước khi đưa ra cảnh báo về khả năng hoạt động liên tục, điều đó cũng không có nghĩa là kiểm toán viên mắc sai lầm.

“Kiểm toán viên không chịu trách nhiệm dự đoán các điều kiện hoặc sự kiện trong tương lai", cơ quan quản lý giải thích.

Theo công ty nghiên cứu Audit Analytics, số cảnh báo đối với các công ty niêm yết tại Mỹ đã giảm đều đặn kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, từ mức cao nhất 3.358 vào năm 2008 xuống còn 1.782 năm 2019.