Vì sao kit test nhanh ở Mỹ tăng giá bất thường?

07/01/2022 14:25

Giá thành các bộ test nhanh tại nhà ở Mỹ đang bị đẩy lên cao do khan hiếm nguồn cung, đánh trực tiếp vào túi tiền của những gia đình cần xét nghiệm để đi học và đi làm.

Một nhân viên nhà hàng ở New York phải trả gấp đôi giá bán lẻ để mua lại từ người quen một bộ xét nghiệm nhanh. Một bà mẹ ở Missouri đang giữ lại hai bộ test cuối cùng để đề phòng khi con mình có triệu chứng.

Lúc này, giá bán bộ kit test nhanh BinaxNOW với 2 que thử mỗi bộ trên các thị trường trực tuyến tại Mỹ đang lên tới 75 USD, gấp khoảng 3 lần mức giá tại nhiều cửa hàng bán lẻ lớn.

Trong một tuyên bố tháng 12/2021 nhằm cảnh báo tình trạng thổi giá, Tổng chưởng lý New York Letitia James cho biết một bộ hai que test thường có giá 14-25 USD đang được bán lại với giá lên tới 70 USD/bộ.

Một bộ kit xét nghiệm nhanh được bán tại Mỹ. Ảnh: AFP.

Tuyệt vọng tìm kit test

“Một nguy hiểm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe là bất cứ sản phẩm nào có khả năng cứu người cũng có thể bị thổi giá” vì đa số người dân sẽ trả bất cứ giá nào để giữ mạng sống cho người thân, nhà dịch tễ học và kinh tế học y tế Eric Feigl-Ding bình luận trên Twitter về việc bộ test có giá cao.

Tâm lý tuyệt vọng của người Mỹ xuất hiện trong bối cảnh số ca Covid-19 ở đây tăng kỷ lục, góp phần tạo ra những dòng người xếp hàng dài tại cơ sở xét nghiệm và đẩy nhu cầu test nhanh tại nhà lên cao.

Cho tới nay, chính phủ Mỹ chủ yếu để cho thị trường tư nhân tự do sản xuất và bán các bộ xét nghiệm. Số lượng bộ test bán ra không nhiều.

Tuy các khuyến cáo mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) không kêu gọi người dân có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi đi làm trở lại, một số chủ lao động vẫn yêu cầu điều này, từ đó góp phần làm tăng nhu cầu test.

Song song với đó, các bố mẹ cũng cho biết họ đang muốn mua kit test vì lo ngại con mình mắc Covid-19 khi đi học.

Tình trạng này khiến một số người phải dùng tới cách thức khác thường để mua được bộ test.

Ôtô xếp hàng để chờ được xét nghiệm tại Miami, bang Florida vào ngày 17/12/2021. Ảnh: Reuters.

Người nhân viên ở nhà hàng New York nói trên cho biết mình và đồng nghiệp gần đây đã trả 180 USD cho bốn kit test sau khi tiếp xúc gần với F0. Vì mua lại từ một người được phát miễn phí từ chỗ làm, nữ nhân viên nói cảm giác như bị lừa nhưng vẫn phải mua do đang cần.

Melanie Gall, một nhạc sĩ ở New York, cho biết gần đây đã trả 37 USD tại một cửa hàng dược phẩm cho một bộ hai que thử với giá bán lẻ 24 USD. Trước đó, Gall đã phải “nói khéo” để được vào danh sách những khách hàng nơi này sẽ liên hệ khi hàng về.

Thị trường bất ổn

Mức độ khan hiếm tương đối của bộ test nhanh tại Mỹ đối lập hoàn toàn so với tình hình tại một số quốc gia châu Âu, nơi các kit test miễn phí và dễ kiếm.

“Ở nhiều nước khác, các bộ test tại nhà phổ biến hơn, có nhiều nhãn hiệu hơn và chi phí cũng thấp hơn”, Amesh Adalja, học giả cấp cao thuộc Trung tâm An ninh Y tế, Đại học Johns Hopkins (Mỹ), cho biết. “Các bộ test càng hợp túi tiền và dễ kiếm thì người dân sẽ càng dùng thường xuyên”.

Tháng 12/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết 500 triệu bộ test nhanh tại nhà miễn phí sẽ được gửi tới tận nhà người dân nhưng những bộ test này vẫn chưa xuất hiện.

Chính quyền ông Biden trước đó cũng có thỏa thuận với các chuỗi bán lẻ lớn như Walmart và Kroger để bán test với giá thấp hơn, nhưng thỏa thuận này vừa hết hạn.

Một số thành phố phát miễn phí test nhưng nguồn cung này nhanh chóng cạn kiệt. Vì thế, người tiêu dùng Mỹ ít nhất là trước mắt sẽ đối diện thị trường bất ổn và giá cả có thể tăng cao, thậm chí là vượt quá túi tiền.

Ôtô xếp hàng tại một điểm phát bộ kit test tại nhà miễn phí ở Stamford, Connecticut vào ngày 2/1. Ảnh: AFP.

Nhà bán lẻ trang thiết bị y tế trực tuyến WeShield, nơi đang bán kit BinaxNow với giá khoảng 50 USD/bộ, cho biết nhà cung cấp của nơi này gần đây cũng tăng giá 100% do nguồn cung quá khan hiếm.

“Chúng tôi phải quyết định hoặc không bán kit test, hoặc bán lỗ và phá sản, hoặc bán với giá thị trường và để khách hàng tự lựa chọn có mua hay không”, CEO Michael Sinensky của WeShield cho biết.

“Chúng tôi luôn có hàng và phải điều chỉnh giá cả liên tục theo độ khan hiếm và mức giá chúng tôi phải trả”, ông Sinensky nói.

Ở Mỹ, tuy các bộ test được cho là chi phí y tế đủ điều kiện nhận bồi hoàn từ bảo hiểm, người dân sẽ không nhận được tiền nếu mua lại từ người khác.

Ngoài ra, hiện chưa rõ những người mua kit test không có kê đơn như bà Gall sẽ có thể nhận bồi hoàn bảo hiểm như thế nào. Nhà Trắng cho biết sẽ có hướng dẫn trong tháng này.

Các công ty như WeShield thừa nhận rằng việc có thêm nhiều kit test, dù là từ Nhà Trắng hay do các công ty tư nhân đẩy mạnh sản xuất, sẽ làm giảm áp lực nguồn cung và kéo giá xuống.

Ở phương diện này, nước Mỹ đã có bước tiến ban đầu. Nhà Trắng tuần này cho biết từ nay, mỗi tháng chính quyền sẽ dành hơn 200 triệu USD cho việc xét nghiệm, cao hơn nhiều so với mức 50 triệu USD/tháng trong tháng 9.

Về phần mình, Abbott Laboratories, nhà sản xuất bộ kit BinaxNOW, cho biết đang sản xuất 70 triệu bộ test mỗi tháng và đang có kế hoạch vượt qua con số này.

Bạn đang đọc bài viết "Vì sao kit test nhanh ở Mỹ tăng giá bất thường?" tại chuyên mục TIN TỨC. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#