Vì sao Lộc Trời lại muốn lùi việc chuyển niêm yết lên HoSE?

Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời tiếp tục muốn lùi thời gian niêm yết cổ phiếu lên HoSE sang năm 2025, thời hạn niêm yết này cũng sẽ chậm hơn 6 năm so với dự tính ban đầu.

Tiếp tục xin lùi thời gian đến năm 2025

 

Trong phiên họp thường niên sắp tới, Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (LTG) sẽ trình các cổ đông thông qua quyết định gia hạn thời gian niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) sang năm 2025. Từ tháng 7/2017 đến nay, cổ phiếu công ty vẫn đang giao dịch trên sàn UPCoM.

 

Kế hoạch "chuyển sàn" của LTG vốn được đặt ra từ đại hội cổ đông năm 2018, dự kiến xong trong năm 2019. Tuy nhiên kế hoạch này liên tiếp bị lùi. Trong lần gia hạn đầu tiên, một lãnh đạo giải thích nguyên nhân do công ty gặp khó về kinh doanh, đối mặt với nhiều yếu tố không thuận lợi về môi trường buôn bán sản phẩm thuốc, gạo... Sang lần gia hạn tiếp theo, ban lãnh đạo công ty không giải thích trực tiếp mà chỉ cho biết, công ty tập trung định hướng tiếp tục tái cơ cấu các ngành chủ chốt.

Như vậy, đến nay thời hạn niêm yết lên HoSE của Tập đoàn Lộc Trời sẽ chậm hơn 6 năm so với dự tính ban đầu.

Vì sao Lộc Trời lại muốn lùi việc chuyển niêm yết lên HoSE? - Ảnh 1 Lộc Trời lại muốn lùi việc chuyển niêm yết lên HoSE. (Ảnh minh hoạ)

Sàn UPCoM có tiêu chuẩn tham gia thấp hơn hẳn HNX hay HoSE và đóng vai trò là đòn bẩy để các doanh nghiệp niêm yết. Còn trên HoSE, doanh nghiệp phải có vốn điều lệ tối thiểu đã góp là 120 tỷ đồng tại thời điểm đăng ký niêm yết, phải hoạt động ít nhất 2 năm dưới hình thức công ty cổ phần, kinh doanh có lãi 2 năm liền... kèm nhiều tiêu chuẩn cao hơn trong việc công bổ thông tin.

Cổ phiếu lên sàn này thường có thanh khoản tốt hơn, được định giá sát hơn và có độ uy tín cao hơn. Do đó, HoSE thu hút sự quan tâm lớn của nhà đầu tư, đặc biệt là các quỹ đầu tư ngoại, giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc huy động vốn.

Tình hình kinh doanh sụt giảm

Theo báo cáo tài chính quý IV/2021 của LTG, doanh thu ghi nhận đạt 3.110,1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 159,72 tỷ đồng, lần lượt giảm 12% và 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 20,1% lên 21,4%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 6,2% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 44,1 tỷ đồng về 666,6 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 52,8%, tương ứng tăng thêm 36,18 tỷ đồng lên 104,68 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 5,2%, tương ứng tăng thêm 22,58 tỷ đồng lên 457 tỷ đồng; lợi nhuận khác tăng thêm 55,88 tỷ đồng lên 55,83 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Lũy kế trong năm 2021, công ty ghi nhận doanh thu đạt 10.224,1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 421,87 tỷ đồng, lần lượt tăng 36,2% và 14,4% so với thực hiện trong năm 2020.

Được biết, trong năm 2021, LTG đặt hai kế hoạch kinh doanh nhưng cùng kế hoạch lợi nhuận sau thuế là 400 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm tài chính công ty hoàn thành 105,5% kế hoạch lợi nhuận năm.

Xét về dòng tiền, trong năm 2021, dòng tiền kinh doanh suy giảm mạnh. Cụ thể, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính chỉ còn dương 28.1 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 828,5 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 356,9 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 1.361,7 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ.

Tính tới 31/12/2021, tổng tài sản của LTG tăng 14,1% so với đầu năm lên 7.895,96 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho đạt 2.358,3 tỷ đồng, chiếm 29,9% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 1.932,5 tỷ đồng, chiếm 24,5% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 1.665,3 tỷ đồng, chiếm 21,1% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 1.418,2 tỷ đồng, chiếm 18% tổng tài sản.

Ngoài ra, trong năm 2021, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 76,4% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.570,7 tỷ đồng lên 3.625,6 tỷ đồng và chiếm 45,9% tổng nguồn vốn.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/1, cổ phiếu LTG tăng 300 đồng lên 31.400 đồng/cổ phiếu.

Hà Lan