Vì sao quận 4 thành vùng cam?

Lãnh đạo UBND quận 4 nói đặc thù địa hình và việc người dân chủ quan sau khi tiêm vaccine đã khiến số ca mắc Covid-19 ở đây gia tăng những ngày qua.

Chiều 9/12, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức họp báo định kỳ thông tin về tình hình dịch Covid-19. Nhiều nội dung được dư luận quan tâm như cho học sinh đi học trở lại; số ca F0 tử vong tăng; tiêm vaccine mũi 3... được đại diện các cơ quan chức năng của thành phố đề cập.

Nhiều người cho rằng có thể miễn nhiễm Covid-19 sau khi tiêm vaccine

Bà Đỗ Thị Trúc Mai, Phó chủ tịch UBND quận 4, cho biết đến nay, quận 4 là địa bàn duy nhất nâng cấp độ dịch từ cấp độ 2 lên 3 (nguy cơ cao - vùng cam). Trong quá trình điều hành và thực hiện giải pháp, quận nhận định cấp độ dịch trên địa bàn sẽ gia tăng. Do đó, quận đã tập trung đề ra giải pháp nâng ý thức người dân trong phòng chống dịch.

TP.HCM tiem vaccine mui 3 anh 1

Sau 2 tháng mở cửa trở lại, TP.HCM vẫn là nơi có số F0 mới và tử vong cao nhất cả nước. Ảnh: Duy Hiệu.

Theo bà Mai, nguyên nhân khiến dịch trên địa bàn gia tăng do nhiều người chủ quan sau khi đã tiêm 2 mũi vaccine và khỏi bệnh. Họ cho rằng có thể miễn nhiễm Covid-19 nên giao lưu trong cộng đồng diễn ra rộng hơn.

Mặt khác, quận 4 cũng là địa bàn nhỏ, có nhiều xóm lao động, hẻm nhỏ chằng chịt. Việc giao lưu thường xuyên đã khiến dịch bệnh gia tăng.

Ngay khi có ca nhiễm trong cộng đồng, quận đã đánh giá và nhận thấy phần lớn là ổ dịch gia đình, khi một người mắc thì những thành viên còn lại cũng dương tính. Theo thống kê, số người mắc Covid-19 ở quận đến nay là 18.000 người. Số đang cách ly điều trị tại bệnh viện là 481, tại nhà là 370 và 50 trường hợp đang được làm hồ sơ đi cách ly do nơi ở không đủ điều kiện.

Trả lời báo chí về việc sau khi cấp độ dịch tăng lên, quận có hạn chế các hoạt động trên địa bàn hay không, Phó chủ tịch UBND quận 4 cho biết đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra. Địa phương yêu cầu các hàng quán ăn uống giảm 50% công suất hoạt động. Các hoạt động kinh doanh mua bán khác đều được yêu cầu hạn chế theo cấp độ dịch từng địa bàn.

“Hiện, các đội kiểm tra của quận thường xuyên theo dõi, rà soát và xử lý trường hợp vi phạm phòng chống dịch trên địa bàn” , lãnh đạo quận 4 cho hay.

Mua bán thuốc Molnupiravir là bất hợp pháp

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, vừa qua, Bộ Y tế cấp phát cho TP.HCM hơn 25.000 liều Molnupiravir. Địa phương đang điều chuyển hơn 12.000 gói thuốc C bao gồm thuốc Molnupiravir kháng virus từ các cơ sở y tế chưa sử dụng đến những nơi cần hơn.

Ngoài thuốc kháng virus này, ngành y tế thành phố cũng được bộ cung ứng 2.300 liều Faipiravir cùng nhóm. Bên cạnh đó, TP.HCM còn một số loại thuốc đông y hoặc thuốc y học dân tộc, hơn 30.000 liều thực phẩm chức năng hỗ trợ bảo vệ sức khỏe người dân khi mắc Covid-19.

“Như vậy, thành phố có lượng thuốc được quản lý kiểm soát chặt chẽ trước tình hình F0 tăng thời gian qua. Gói thuốc C, kháng virus sẽ được cấp phát rộng rãi cho người dương tính cần sử dụng”, bà Mai cho biết.

TP.HCM tiem vaccine mui 3 anh 2

Thuốc Molnupiravir thử nghiệm do Merck và Ridgeback Biotherapeutics phát triển. Ảnh: Reuters. Ảnh: Reuters.

Cũng theo bà Mai, thời gian qua, Sở Y tế TP.HCM đã tham mưu Ban Chỉ đạo thành phố và được chấp thuận triển khai chiến dịch chăm sóc bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ trên 65 tuổi, có bệnh nền…

Ngay khi nhóm đối tượng này được phát hiện dương tính, phường sẽ cấp phát các gói thuốc đến tận nhà. Các loại thuốc kháng virus chỉ sử dụng đúng đối tượng. Những người còn trẻ khỏe không có triệu chứng hoặc đã tiêm đủ 2 mũi vaccine sẽ không được chỉ định thuốc kháng virus. Việc sử dụng thuốc không đúng chỉ định hoặc không đúng sẽ dẫn đến hệ quả là kháng thuốc, gây nguy hiểm cho cộng đồng.

Đối với việc rao bán thuốc Molnupiravir, đại diện Sở Y tế TP.HCM khẳng định đây là thuốc chưa được phép lưu hành. Việc lưu hành các sản phẩm trên không gian mạng hoặc mua bán trên thị trường đều bất hợp pháp.

“Sở đã phối hợp công an thành phố điều tra truy vết các trường hợp có ghi nhận mua bán và sẽ báo cáo Ban Chỉ đạo thành phố. Quan điểm của sở là xử lý nghiêm tất cả trường hợp vi phạm”, bà Mai nói.

Việc tiêm mũi 3 diễn ra như thế nào?

Đề cập chiến dịch tiêm nhắc mũi 3 vaccine tại TP.HCM, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, cho biết nhiều người dân còn hiểu lầm giữa khái niệm tiêm bổ sung với tiêm nhắc lại.

Ông Tâm lý giải liều tiêm nhắc được áp dụng cho người đã tiêm đủ 2 mũi, thời gian tiêm là sau 6 tháng tính từ mũi tiêm cuối cùng. Mũi bổ sung áp dụng cho đối tượng suy giảm miễn dịch trên 50 tuổi, có bệnh nền, nhóm đối tượng dễ tổn thương. Thời gian tiêm mũi này sau 28 ngày, sau mũi tiêm cuối cùng.

TP.HCM tiem vaccine mui 3 anh 3

Nhân viên y tế tiêm vaccine cho người dân ở TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh.

Về kế hoạch thực hiện, cơ sở y tế sẽ lên danh sách đối tượng cần tiêm liều bổ sung hoặc nhắc lại. Ngành y tế sẽ phối hợp chính quyền, công an để xác minh thông tin.

Quy trình xác minh thông tin được làm chặt chẽ. Đơn vị tổ chức tiêm chủng phối hợp người dân cung cấp thông tin, còn công an phường xã sẽ là đơn vị xác minh. Sau khi xác minh, danh sách được gửi đến điểm tiêm. Từ đó, nhân viên y tế sẽ tiêm cho người dân theo chỉ định mũi tiêm nhắc lại hoặc bổ sung.

TP.HCM là địa phương có số ca nhiễm mới cao nhất cả nước

Ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, cho biết đến 18h ngày 8/12, TP.HCM có hơn 482.000 ca mắc Covid-19. Thành phố đang điều trị hơn 13.100 bệnh nhân, trong đó có 473 trẻ em dưới 16 tuổi, 472 bệnh nhân nặng đang thở máy, 13 bệnh nhân được can thiệp ECMO.

Cùng ngày, ngành y tế ghi nhận hơn 1.200 bệnh nhân nhập viện và 1.167 bệnh nhân xuất viện, 76 trường hợp tử vong.

Tổng số mũi vaccine trên địa bàn được triển khai đến nay là hơn 7,9 triệu mũi 1 và 6,8 triệu mũi 2.

Sau 2 tháng mở cửa trở lại, TP.HCM duy trì dịch ở mức độ 2 nhiều tuần liên tiếp, tuy nhiên địa bàn vẫn là nơi có số lượng F0 mới và tử vong cao nhất cả nước. Đặc biệt, số ca tử vong chưa có dấu hiệu thoái lui.

Theo đánh giá của Sở Y tế TP.HCM, F0 tử vong tập trung ở nhóm người trên 50 tuổi, bệnh nền, chưa tiêm chủng, chưa được sử dụng thuốc kháng virus. Hiện, việc hạn chế F0 tử vong vẫn là vấn đề cấp thiết được ngành y tế thành phố đề ra.