VKC Holdings mất khả năng thanh toán và xin hoãn trả lãi lô trái phiếu 200 tỷ đồng

Công ty cổ phần VKC Holdings (tiền thân là CTCP Cáp Nhựa Vĩnh Khánh, mã VKC – sàn HNX) thông báo sẽ tạm hoãn việc thanh toán lãi của lô trái phiếu VKCH2123001 phát hành ngày 9/12/2021.

Theo kế hoạch trước đó, ngày 9/9 sẽ là ngày doanh nghiệp này phải thanh toán lãi cho các trái chủ của mình.

VKC Holdings lý giải rằng, sau biến cố của ông Đỗ Thành Nhân và nhóm Louis Holdings, toàn bộ thành viên HĐQT, Ban kiểm soát và Ban Tổng giám đốc đã từ nhiệm và bầu những lãnh đạo mới vào cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên. Sau khi Ban điều hành mới tiếp quản, qua thời gian rà soát lại tình hình tài chính, phía công ty nhận thấy có nhiều sai phạm nghiêm trọng của HĐQT và Ban Tổng giám đốc nhiệm kỳ cũ trong việc quản lý tài chính và phát hành lô trái phiếu VKCH2123001. Các sai phạm trên của các lãnh đạo cũ đã làm thất thoát tài sản của VKC Holdings khiến doanh nghiệp mất khả năng năng thanh toán đối với các chủ nợ.

Để đảm bảo quyền lợi cho các trái chủ và các cổ đông của VKC Holdings, HĐQT đang làm việc với các bên liên quan có quyền lợi và nghĩa vụ trong lô trái phiếu này để khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó, Công ty cũng đã gửi đơn tố giác đến các cơ quan ban ngành có thẩm quyền để xử lý. Doanh nghiệp cũng sẽ có những thông tin sớm nhất cho đến nhà đầu tư sau khi có kết quả đàm phán.

Về lô trái phiếu , doanh nghiệp này đã phát hành 2.000 trái phiếu với giá 100 triệu đồng, huy động tổng cộng 200 tỷ đồng. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 18 tháng, có tài sản đảm bảo là nhà máy đá Bình Thuận và quyền sử dụng, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thuộc GCN số BR 626016 tọa lạc tại An Giang. Mức lãi suất không được tiết lộ nhưng sẽ cố định trong suốt kỳ hạn.

VKC Holdings tiền thân là CTCP Cáp Nhựa Vĩnh Khánh, được thành lập từ năm 1993, có vốn điều lệ hiện này là 200 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty là sản xuất dây dẫn điện, cáp viễn thông, thiết bị điện thoại… Nhóm Louis Holdings của ông Đỗ Thành Nhân từng là cổ đông lớn của VKC Holdings nhưng đã thoái sạch vốn vào tháng 12 năm ngoái.

Kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ Báo cáo bán niên năm 2022

Kiểm toán cho biết không thu thập được thư xác nhận bằng hình thức phúc đáp trực tiếp đối với nợ phải thu khách hàng. Do đó, kiểm toán không xác định được tính đúng đắn số dư của khoản mục này trên Bảng cân đối kế toán thời điểm 30/6/2022 là 83,99 tỷ đồng.

Ngoài ra, vay và nợ thuế tài chính ngắn hạn, mô tả dòng tiền chi ra từ đợt phát hành trái phiếu đúng mục đích theo Nghị quyết ĐHĐCD bất thường ngày 8/12/2021 nhưng không đúng theo Bản công bố ngày 3/12/2021 (mua lại toàn bộ phần vốn góp thuộc sở hữu của CTCP Louis Land tại Công ty TNHH Toccoo Việt Nam, tương ứng 85% vốn với số tiền 80,8 tỷ đồng.

Các khoản chi không đúng mục đích theo Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường ngày 8/12/2021 và không đúng mục đích theo Bản công bố thông tin ngày 3/12/2021 với số tiền là 34,9 tỷ đồng.

Đồng thời khoản mục vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn, mô tả CTCP Xuất nhập khẩu An Giang sử dụng tài sản là quyền sử dụng, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất thuộc vị trí tại Thị Trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang để đảm bảo cho khoản phát hành trái phiếu, tài sản này chưa được thực hiện ký 3 bên giữa Công ty với CTCP Xuất nhập khẩu An Giang và tổ chức với tư cách là bên nhận tài sản đảm bảo.

Cuối cùng, kiểm toán cũng cho biết trong kỳ, Công ty thay đổi Hội đồng quản trị và Ban tổng giám đốc, do vậy kiểm toán thiếu thông tin để xác định các bên liên quan. Do đó, Kiểm toán không thể xem xét liệu các giao dịch và số dư với bên liên quan mà Công ty đã thuyết minh đủ hay chưa.

Lợi nhuận “bốc hơi” 166,49 tỷ đồng sau kiểm toán

Sau kiểm toán, VKC Holdings ghi nhận lỗ tăng thêm 166,49 tỷ đồng xuống mức âm 191,14 tỷ đồng. Trong đó, nguyên nhận tăng lỗ chủ yếu do chi phí quản lý doanh nghiệp bất ngờ tăng 4,95 lần so với báo cáo tự lập, tương ứng tăng thêm 68,66 tỷ đồng lên 82,52 tỷ đồng; lợi nhuận khác giảm thêm 95,3 tỷ đồng xuống lỗ 93,26 tỷ đồng (cùng kỳ là lãi 2,04 tỷ đồng)…

Công ty thuyết minh chi phí quản lý doanh nghiệp tăng do trích lập dự phòng các khoản nợ khó đòi và phải thu khách hàng quá hạn. Trong khi đó, chi phí khác tăng do xử lý hàng tồn kho thiếu không xác định được nguyên nhân.

Lũy kế trong 6 tháng đầu năm 2022 (sau kiểm toán), VKC Holdings ghi nhận doanh thu đạt 237,7 tỷ đồng, giảm 48,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 191,14 tỷ đồng, giảm 192,13 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 0,99 tỷ đồng). Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 5,3% về còn 2,6%.

Với việc ghi nhận lỗ trong 6 tháng đầu năm, Công ty đã ghi nhận lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là âm 168,4 tỷ đồng, bằng 84,2% vốn điều lệ (đầu năm lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là dương 22,7 tỷ đồng).

Xét về dòng tiền, trong 6 tháng đầu năm, dòng tiền kinh doanh chính tiếp tục ghi nhận âm 66,8 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 34,3 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 65,8 tỷ đồng và dòng tiền tài chính âm 22,1 tỷ đồng.

Tính tới 30/6/2022, tổng tài sản của VKC Holdings giảm 31,2% so với đầu năm về 469,1 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn đạt 271,1 tỷ đồng, chiếm 57,8% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 84,3 tỷ đồng, chiếm 18% tổng tài sản; tồn kho đạt 32,8 tỷ đồng, chiếm 7% tổng tài sản và các tài sản khác.

Trong kỳ, tồn kho giảm 79,5% so với đầu năm, tương ứng giảm 127,3 tỷ đồng về 32,8 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn tăng nhẹ 3,3% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 8,6 tỷ đồng lên 271,1 tỷ đồng …

Điểm đáng lưu ý, trong kỳ Công ty thực hiện trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi 65,4 tỷ đồng (đầu năm chỉ 29 triệu đồng); trích lập 0,58 tỷ đồng giảm giá tồn kho so với đầu năm không phải trích lập.