WHO kêu gọi châu Âu đẩy nhanh tiêm vaccine và đeo khẩu trang trở lại

Gần 3 triệu trường hợp COVID-19 mới đã được báo cáo ở châu Âu vào tuần trước, chiếm gần một nửa tổng số ca mắc mới trên toàn cầu.

Một quan chức cấp cao của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết các quốc gia châu Âu cần phải đẩy nhanh việc tiêm vaccine và đeo khẩu trang trở lại để chống lại sự gia tăng các trường hợp COVID-19 do một dòng phụ của biến thể Omicron gây ra, đồng thời để tránh phải áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn vào cuối năm nay, Reuters đưa tin ngày 19/7 (giờ địa phương). 

Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge kêu gọi các nước trong khu vực cần hành động ngay bây giờ để tránh việc hệ thống y tế bị quá tải vào mùa thu và mùa đông khi biến phụ Omicron, BA.5, tiếp tục lây lan nhanh chóng.

Hiện BA.5 đã trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại Mỹ và khiến làn sóng dịch COVID-19 tăng trở lại ở một số nước châu Âu. Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí khoa học Nature, BA.5 có khả năng kháng vaccine ngừa COVID-19 công nghệ RNA (bao gồm cả vaccine của Pfizer và Moderna) gấp 4 lần so với các biến thể phụ khác của Omicron là BA.1, BA.2, BA.3 và BA.4.

who keu goi chau au day nhanh tiem vaccine va deo khau trang tro lai1
Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge trong một cuộc họp báo tại Eigtveds Pakhus, Copenhagen, Đan Mạch ngày 27/3/2020. Ảnh: Reuters.

Gần 3 triệu trường hợp COVID-19 mới đã được báo cáo ở châu Âu vào tuần trước, chiếm gần một nửa tổng số ca mắc mới trên toàn cầu. Tỷ lệ nhập viện đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021 và gần 3.000 người chết vì căn bệnh này mỗi tuần, ông Kluge cho biết trong một tuyên bố kèm theo.

Khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát vào năm 2020, chính phủ các nước đã tăng cường chi tiêu để giúp giảm bớt tác động của việc đóng cửa đối với nền kinh tế của họ, đồng thời tránh gây khó khăn cho hệ thống y tế và chồng chất các khoản nợ lớn.

who keu goi chau au day nhanh tiem vaccine va deo khau trang tro lai2
Một nhân viên y tế xét nghiệm COVID-19 cho bệnh nhân tại trung tâm xét nghiệm ở Nantes, Pháp, ngày 30/6. Ảnh: Reuters.

Ông Kluge nói: “'Đôi khi mọi người hỏi, liệu virus có quay trở lại không?'. Nó chưa bao giờ biến mất. Nó vẫn ở đó, đang lan rộng và đột biến. Và thật không may, nó vẫn đang cướp đi sinh mạng của rất nhiều người".

Sau hai năm rưỡi xảy ra đại dịch đi cùng với các đợt phong toả và gián đoạn liên quan, các quốc gia hiện đang phải đối phó với lạm phát gia tăng và tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng do một phần là do việc Nga xâm lược Ukraine, tuy nhiên chính phủ các nước vẫn cần đầu tư hơn nữa vào chăm sóc sức khỏe, ông Kluge nói.