WHO: Tử vong do COVID-19 xuống thấp nhất, tin vui từ khu vực có Việt Nam

Tuần qua thế giới chứng kiến sự giảm sâu của số ca mắc COVID-19 (-28%) lẫn số ca tử vong (-22%); tâm dịch của thế giới - Tây Thái Bình Dương - chỉ còn hơn 1,37 triệu ca mới, giảm 36%.

Phát biểu trong cuộc họp báo tối 14-9, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết số ca tử vong do COVID-19 trong thống kê của tuần qua là thấp nhất kể từ tháng 3-2020 - thời điểm đại dịch bùng nổ toàn cầu.

Theo báo cáo dịch tễ mà Báo Người Lao Động nhận được từ WHO sau đó, tuần vừa qua toàn cầu ghi nhận hơn 3,13 triệu ca COVID-19 mới và 10.935 ca tử vong mới, nối tiếp đà sụt giảm đã diễn ra vài tuần nay.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus - Ảnh: WHO

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus - Ảnh: WHO

Số ca COVID-19 vẫn cao nhất ở khu vực Tây Thái Bình Dương - là khu vực WHO xếp Việt Nam vào - nhưng đã giảm sâu 36%, chỉ còn hơn 1,37 triệu ca mới, chủ yếu do "tin vui" từ Nhật Bản, là quốc gia liên tiếp nhiều tuần trước đó đứng đầu bảng về số ca mắc mới.

Tuần qua Nhật Bản ghi nhận 537.181 ca COVID-19 mới, dù vẫn là mức cao nhất toàn khu vực nhưng đã giảm tận 54% so với tuần trước. Tuy nhiên quốc gia này vẫn cần nỗ lực giảm số ca tử vong, với 1.681 ca ghi nhận trong tuần qua, tỉ lệ vẫn cao (1,3 ca tử vong/100.000 dân).

Sự "hạ nhiệt" cũng ghi nhận ở "ổ dịch" lớn thứ 2 của khu vực là Hàn Quốc, với 435.695 ca mắc mới, giảm 26%. Chỉ có Trung Quốc là tăng 11% với 263.288 ca mới.

Trên bản đồ số ca mắc mới, Việt Nam vẫn được đánh dấu bằng màu vàng sậm, là mức thấp thứ hai (có từ 10-50 ca mắc mới/100.000 dân). Trên bản đồ tử vong, Việt Nam được biểu thị bằng màu xanh lá cây nhạt, là mức thấp nhất (dưới 50 ca/100.000 dân).

Trong các khu vực còn lại của WHO, số ca COVID-19 chủ yếu tập trung ở châu Âu (hơn 1,03 triệu ca) và châu Mỹ (610.303 ca), các khu vực còn lại (Đông Nam Á, Đông Địa Trung Hải, châu Phi), số ca mới chiếm chưa đến 4% thế giới.

99,2% trình tự gien SARS-CoV-2 được tổng hợp về cơ sở dữ liệu chung GISAID là biến chủng ưu thế Omicron, trong đó BA.5 Omicron và dòng dõi của nó chiếm lĩnh 90%. WHO tiếp tục kêu gọi các quốc gia nỗ lực giải trình tự gien các mẫu bệnh phẩm để theo dõi sự thay đổi về mặt di truyền của virus.

Thời cơ để kết thúc đại dịch

"Chúng ta chưa bao giờ ở vị trí tốt hơn để kết thúc đại dịch. Chúng ta vẫn chưa ở đó, nhưng cuối cùng đã ở trong tầm mắt. Nhưng vận động viên marathon không dừng lại khi vạch đích xuất hiện. Cô ấy chăm chỉ hơn, với tất cả năng lượng còn lại" - Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh tại cuộc họp báo.

Tiến sĩ Tedros kêu gọi các quốc gia thành viên tiếp tục đầu tư cho tiêm chủng, bảo đảm 100% nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhất nhận được đủ vắc-xin; tiếp tục xét nghiệm và giải trình tự SARS-CoV-2, tích hợp với dịch vụ giám sát và xét nghiệm các bệnh đường hô hấp khác; đảm bảo hệ thống chăm sóc sức khỏe phù hợp cho bệnh nhân COVID-19.

Các quốc gia cũng cần lập kế hoạch cho tình huống số ca tăng đột biến trở lại với vật tư, thiết bị và nhân lực sẵn sàng; duy trì các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn nhất là trong cơ sở y tế; trao đổi với cộng đồng về bất cứ thay đổi nào trong chính sách phòng chống COVID-19.