Thẻ đỏ thứ nhất cho thủ môn Wayne Hennessey khiến Xứ Wales mất người, thua Iran 0-2 ở các phút bù giờ. Thủ môn phải xuất tướng, ra khỏi vòng 16,50 m cản phá pha phản công của đối phương, nhận thẻ đỏ là cực chẳng đã. Do các đồng đội của anh phòng thủ không tốt.
Thẻ đỏ thứ hai cho Aboubakar của Cameroon. Cầu thủ này cởi áo mừng bàn thắng vào lưới Brazil gần cuối trận, nhận thẻ vàng thứ hai trong trận, chuyển thành thẻ đỏ. Aboubakar vui cười hể hả rời sân vì đội mình có trận thắng danh dự trước Brazil. Từ đầu giải, không có cầu thủ nào chơi xấu đến mức phải nhận thẻ đỏ (trực tiếp - PV).
Thẻ đỏ giảm đáng kể ba giải World Cup gần đây
World Cup đầu tiên từ năm 1930 đã có cầu thủ đuổi khỏi sân vì chơi xấu, lệnh từ miệng trọng tài. Đến World Cup 1970 mới có thẻ đỏ và thẻ vàng được sử dụng như dấu hiệu của các hình phạt. Trong lịch sử, có 172 thẻ đỏ trong 142 trận World Cup.
Aboubakar của Cameroon bắt tay trọng tài sau khi nhận thẻ đỏ.
Từ World Cup 1990 bắt đầu bạo phát thẻ đỏ, giải này có 16 chiếc. Đáng nhớ nhất là mâu thuẫn giữa Frank Rijkaard và Rudi Voller. Tiền vệ người Hà Lan nhổ nước bọt vào đầu tiền đạo Đức, cả hai bị đuổi khỏi sân. Trận khai mạc giải, Cameroon nhận 2 thẻ đỏ vì lối đá "rừng rú" trước Argentina. Trận chung kết giải với Đức, Argentina lại kết thúc trận đấu chỉ với 9 người trên sân.
World Cup 1994, các trọng tài nhận chỉ thị phải nghiêm khắc với các pha tắc bóng từ phía sau, giải này có 15 chiếc thẻ đỏ. World Cup 1998 có 22 chiếc thẻ đỏ, bao gồm chiếc trong trận chung kết cho Marcel Desailly. Tuy chơi hơn người từ phút 68, Brazil không tận dụng lợi thế để gỡ gạc, thua 0-3.
World Cup 2002 có 17 chiếc thẻ đỏ. World Cup 2006 nhiều kỷ lục với 28 chiếc, trong đó có chiếc của Zinedine Zidane sau pha húc ngực Marco Materazzi nổi tiếng ở trận chung kết. Giải này còn một trận rất xấu chơi mệnh danh “Ẩu đả ở Nuremberg”, là Hà Lan gặp Bồ Đào Nha có 4 thẻ đỏ. Hai đội mang tiếng chơi đẹp nhưng đá chân nhau liên tục.
World Cup 2010 có 17 thẻ đỏ. World Cup 2014 có 10 chiếc. World Cup 2018 có 4 chiếc. Những chiếc thẻ đỏ giảm dần theo các giải gần đây, có nghĩa bóng đá ngày càng sạch và văn minh hơn.
Kỹ chiến thuật thi đấu tiến bộ giúp giảm số thẻ phạt
Trước hết phải kể đến việc FIFA thay đổi cách thức thực thi kỷ luật. Trước đây có giai đoạn, mỗi cầu thủ nhận 3 thẻ vàng tích lũy trong các trận mới phải bị treo giò ở trận kế tiếp. Có giai đoạn, ngay sau vòng đấu bảng, các cầu thủ được xóa hết thẻ vàng tích lũy đi, tính lại từ đầu từ vòng 16 đội.
Nhưng tại World Cup 2022, FIFA quy định, cứ mỗi cầu thủ tích lũy 2 thẻ vàng sẽ phải tự động nghỉ trận kế tiếp. Còn trong 1 trận đấu thì vẫn như cũ, 2 thẻ vàng đổi thành 1 thẻ đỏ và buộc rời khỏi sân lập tức.
Sau vòng tứ kết, các thẻ vàng mới được xóa. Có nghĩa một cầu thủ chỉ bị vắng mặt ở trận chung kết hoặc trận tranh hạng ba nếu bị nhận thẻ đỏ trong trận bán kết.
Tuyển Anh thậm chí còn chưa nhận thẻ vàng nào sau 4 trận. Ảnh: Reuters.
Hình phạt nặng khiến các đội bóng chùn chân hơn, nếu không muốn bị mất người trong các trận tiếp theo. Mặt khác, thẻ phạt cũng là tiêu chí được tính đến trong việc xét duyệt đội nào sẽ lọt qua vòng đấu bảng khi các chỉ số khác ngang bằng nhau.
World Cup 2018, Nhật Bản vào vòng 16 đội bởi ít hơn Senegal về số thẻ vàng. Tại Qatar, Ba Lan cũng suýt làm điều tương tự với Mexico cho đến khi bàn thắng muộn của Saudi Arabia vào lưới Mexico làm thay đổi hiệu số bàn thắng bại.
Một giả thiết khác là các trọng tài nương tay hơn với các pha phạm lỗi. Ví dụ, những pha bóng quyết liệt của Argentina trước Mexico và Ba Lan không bị trừng phạt, họ chỉ nhận 2 thẻ vàng trong 4 trận đấu, bằng với Pháp.
Nhưng phải nói giải có ít thẻ phạt là nhờ các đội được tổ chức kỷ luật tốt, kỹ chiến thuật thi đấu tân tiến hơn, đến Saudi Arabia cũng biết phòng thủ với đội hình dâng cao làm khó Argentina. Chất lượng những cú xoạc bóng đã được chú trọng cải thiện.
Thông thường các đội dưới cơ, phải phòng thủ nhiều hơn, sẽ nhận thẻ nhiều hơn. Nhưng nhờ tổ chức phòng thủ tốt, dùng số đông vây ráp đối thủ, giữ cự ly đội hình đảm bảo, kết cấu hình khối phòng thủ vững chắc, đối thủ khó lọt xuống, nên họ không cần phải dùng đến lối chơi thô bạo để bảo vệ khung thành. Nhật Bản, Morocco là những ví dụ tốt nhất.
Các đội có ý thức chọn điểm phạm lỗi để khó bị dính thẻ. Phạm lỗi càng sớm, trên phần sân đối phương, khả năng bị thẻ thấp. Phạm lỗi ở hai cánh ít bị phạt thẻ hơn so với ở trung lộ. Một cách nữa là phạm lỗi luân phiên, các cầu thủ luân phiên nhau phạm lỗi để tránh một trong số họ bị phạt thẻ.
16 pha phạm lỗi của đội Anh trong trận gặp Senegal được chia cho 11 cầu thủ, một tỷ lệ làm giảm đáng kể khả năng ai đó phải nhận thẻ vàng do phạm lỗi tích lũy. Sau 4 trận, đội Anh phạm lỗi tổng cộng 43 lần, Mason Mount là cầu thủ phạm lỗi nhiều nhất với 6 lần. Nhưng Anh chưa bị bất kỳ thẻ vàng nào sau 4 trận.
Highlights Anh 3-0 Senegal Jordan Henderson, Harry Kane và Bukayo Saka là những người ghi bàn trong chiến thắng 3-0 của tuyển Anh trước Senegal ở vòng 16 đội World Cup 2022.